Cha lâm trọng bệnh, ho ra máu chẳng bao lâu thì mất. Gia đình không có của cải đáng giá, nên lúc ngặt nghèo chỉ có thể vay mượn để xoay sở trong ngoài. Suốt khoảng thời gian 14 năm dài đằng đẵng, mẹ của cậu SV theo học ngành Sư phạm Bùi Văn Nghề (DH9L) một thân một mình làm việc quần quật để có đủ tiền lo miếng cơm manh áo và trả nợ.
Hết đẩy xe đi bán sữa đậu xanh, đậu nành rồi đi "mần" cỏ mướn, ở mướn, giặt thuê và trông trẻ….Có khi gần hai tháng mẹ Nghề mới về thăm nhà. Chị của Nghề học chưa hết lớp 5 đã phải nghỉ học theo mẹ phụ tiếp quán bán cơm ở Núi Sam, Châu Đốc.
Bản thân Nghề từ nhỏ đã phải vừa đi học vừa lo cuộc sống mưu sinh. Hơn 7 năm, em sống một mình trong căn nhà ọp ẹp 15 m2, vách lá, che chắn cao su cũ kỉ. Một buổi đi học, buổi còn lại em đếm chuối chiên đi bán kiếm lời từ 5 – 10 ngàn đồng mỗi ngày. Ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nên Nghề không ngừng cố gắng học tập. Kết quả học tập của Nghề thật đáng khâm phục, 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi (từ lớp 6 – lớp 9, em đều đạt hạng nhất lớp).
Cuối năm lớp 12 là năm có nhiều thách thức đối với Nghề. Mẹ đổ bệnh. Chị đã có gia đình riêng, cũng chẳng khá giả, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê vác mướn. Nghề băn khoăn liệu ước mơ lập nghiệp bằng con đường tri thức sẽ dở dang? Mọi người khuyên Nghề bỏ học. Nhưng bằng quyết tâm và năng lực vốn có, Nghề thi đỗ vào trường ĐH An Giang và tiếp tục đến trường. Đạt được thành quả đó, Nghề chia sẻ “Một phần cũng nhờ thầy cô trường THPT Châu Phú thương cho hoàn cảnh của em, luyện thi Đại học cho em miễn phí”.
Năm nay đã là năm thứ ba, Nghề theo học Đại học. Em đã vượt qua rất nhiều khó khăn để không phải bỏ học giữa chừng. Ngoài giờ đi học, Nghề đi dạy thêm ở nhiều nơi. Số tiền làm gia sư, Nghề không chỉ dùng để trang trải việc học mà còn dành dụm gửi về cho mẹ thuốc thang, điều trị bệnh. Khoảng thời gian Nghề hoàn thành đợt Kiến tập Sư phạm, em phải tạm ứng tiền lương dạy thêm, gia hạn tiền phí trọ kí túc xá và mượn thêm tiền của bạn bè mới đủ khả năng vừa lo cho mình vừa lo các khoản phí cho mẹ nhập viện.
“Lo cho mẹ thì khó tránh khỏi thiếu trước hụt sau nhưng thà vậy mà em vui. Khổ mà vui vì mình còn mẹ để lo…Hiện tại, em chỉ cầu mong mẹ em hết bệnh chứ không còn nguyện vọng nào hơn. Về chuyện học hành, em không ước mơ cao xa, em mong ra trường được về quê dạy, lúc mẹ tuổi già được kề cận chăm sóc..”. Nói đến đấy, mắt Nghề đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn.
….“Cầm cự” được hơn nửa năm, mẹ Nghề phát bệnh nặng, phải chạy chữa ở nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Lúc ấy Nghề đã phải nghỉ học để lo chăm sóc cho mẹ. Nhưng rồi một ngày, chỗ dựa tinh thần vững chắc và yêu thương nhất cũng rời xa cậu học trò hiếu thảo. Mẹ Nghề qua đời đúng vào ngày 30 tết ÂL vừa qua.
Không khỏi chạnh lòng mỗi khi bất chợt nghe qua lời ru thê thiết như một tiếng thở dài đồng cảm: “Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đàn đứt dây. Đàn đứt dây, còn xoay còn nối, cha mẹ mất rồi, con chịu mồ côi. Mồ côi, khổ lắm ai ơi, đói cơm không ai giúp, lỡ lời không ai phân…”(Ca dao). Đang chập chững ở ngưỡng cửa vào đời, hơn ai hết SV Nghề thấm thía tình cảnh ấy. Đã hơn 3 tháng kể từ ngày mẹ mất, Nghề đã rất cố gắng để không phải suy sụp tinh thần, em vẫn phấn đấu theo đuổi con đường học tập. Nghịch cảnh đã tôi luyện ý chí của Nghề, giúp em biết tự lực cánh sinh và đứng vững trong hành trình cuộc đời lắm gian nan. Biết được hoàn cảnh của Nghề, tập thể SV lớp DH9L luôn tìm cách ủng hộ, giúp đỡ. Phòng Công tác SV của trường cũng kịp thời hướng dẫn và xem xét để Nghề được hưởng trợ cấp xã hội diện mồ côi. Về phần mình, ngày ngày Nghề tiếp tục đi dạy thêm để có tiền lo chuyện học hành.
Thành ngữ có câu: “Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững”. Chúng ta càng tin tưởng vào ý chí của tấm gương hiếu thảo Bùi Văn Nghề. Bằng nghị lực và sự đùm bọc của nhà trường, xã hội, tin rằng em sẽ vững vàng hơn trước mọi mất mát, trở ngại để tiếp tục hoàn thành ước mơ lập nghiệp, xây đắp tương lai tươi sáng.
Thiện Huỳnh
Viết lời bình