Ngày đầu tuần rạng rỡ và quang mây, bầu trời trong trẻo đến lạ, ấy vậy mà cũng chẳng xanh bằng nơi đây – sân trường Đại học của tôi. Những bạn sinh viên với chiếc áo thanh niên như những bầu trời bé con cứ nô nức, lũ lượt tiến vào cổng trường. Chiếc áo xanh ấy, tôi đã yêu nó tự thuở nào.
Trong kí ức đơn sơ của tuổi thơ, chiếc áo xanh mang lại cho tôi nhiều cảm xúc cũng ngát xanh như chính nó vậy. Giữa cái oi bức như đổ lửa của một vùng quê nghèo vào những buổi trưa hè, những con người dào dạt sức trẻ của tuổi hai mươi đang làm tươi tắn hơn những đoạn đường quê, giúp nó bằng phẳng và rộng rãi hơn góp phần nối liền, thông thương những cung đường. Không chỉ thế, những anh chị thanh niên sinh viên còn có nhiều lắm những hành động hữu ích, mà trong kí ức vàng vọt của một đứa trẻ vùng quê như tôi, chiếc áo xanh màu hy vọng đã nhuộm thắm cả khoảng trời bé thơ.
Gọi các anh chị là những con người “tình nguyện” bởi tinh thần xung kích của mình. Song, tôi thích cái tên gọi này hơn, các anh chị là các “thanh niên tình nghĩa”. Nghe có vẻ lạ tai và buồn cười? Ấy vậy mà với tôi, có gọi như thế mới thể hiện được hết nghĩa tình mà tuổi hai mươi đang đắp xây quê hương trong thời kì đổi mới. Và còn nhiều lắm những hành động lặng thầm của các anh chị không cần gọi thành tên, chỉ ân cần làm sáng thêm màu xanh hy vọng: những tiết học chẳng cần thời khóa biểu, những thầy cô không hẳn là ở khoa Sư Phạm mà ra, những tiết sinh hoạt rạng rỡ những nụ cười,… làm nên những ngày oi ả mà đượm nồng tình nghĩa mang tên là “Mùa hè tình nguyện” hay “Mùa hè xanh”, “Ánh sáng văn hóa hè”. Tôi nhớ lại nhà thơ Chế Lan Viên từng bộc bạch trong bài thơ Tiếng hát con tàu như thế này:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn..”
Với tôi, không chỉ những vùng đất mới làm nên hồn người. Bất cứ sự vật, sự việc gì được tô đắp bằng công sức và nghĩa tình của con người thì khi ta nhìn lại tất cả sẽ “hóa tâm hồn”.
Ở cái thuở “nhất quỷ nhì ma”, tôi luôn mong mỏi được một lần bước vào hàng ngũ của Đoàn để một lần nào đó khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện để làm nên những điều ý nghĩa. Chiếc áo xanh lúc ấy như một món quà vô giá của tinh thần xung kích bất diệt. Từ cái thuở Mẹ Âu Cơ lên rừng khai phá, dọc chiều dài lịch sử hiên ngang bất khuất, đến thời đại Hồ Chí Minh oanh dũng kiên cường và trong cả lúc đất nước đang trên đà đổi mới như ngày nay, tinh thần xung kích của những con người xanh tuổi hai mươi luôn luôn rực lửa, chỉ khác nhau ở cách thức tiến hành.
Ngày nay, khi tôi đã ở độ tuổi mà ngày xưa luôn mong mỏi được dự vào thì chiếc áo xanh cũng đã là người bạn đồng hành. Ước mơ đã thành sự thật, song song với đó là những trách nhiệm phải làm. Nhưng, như chính ngày nào tôi nghĩ về các anh chị mang trên mình chiếc áo xanh, việc làm tình nguyện của Đoàn viên không chỉ đơn thuần là bổn phận nữa, mà hơn hết, nó còn là tình yêu, lòng nhiệt huyết từ tấm lòng những người con trẻ trung của đất nước. Mùi mồ hôi, tự lúc nào, đã trở thành cái hương gợi nhớ cho ta sự lam lũ, cần cù. Và nay, khi nó thấm ướt chiếc áo xanh, mùi mồ hôi như càng được thêm trân quý. Đối với những công trình thanh niên, dẫu chưa bàn đến thành quả thu được, ta cũng đã thấy thương lắm những con người “tình nguyện” vì thấy được ở đó sự cần cù, nhiệt tình đến quên cả ăn, cả ngủ. Đó là điều đáng quý.
Cứ như thế, chiếc áo xanh ấy từ lúc mới ra đời đến tận bây giờ, dù đã qua bao thế hệ thanh niên vẫn luôn thắm tươi một màu hy vọng, dọc những hành trình cứ như một khoảng trời bé nhỏ góp nên bầu trời trong trẻo của Tổ quốc Việt Nam. Và mãi sau, nó vẫn sẽ luôn luôn như vậy.
Thanh Duy - DH16NV
Viết lời bình