'Cô sinh viên Heasan, 22 tuổi, đã được bỏ khăn che mặt, nở nụ cười
tươi tắn chào tôi. Cô đứng trong khuôn viên trường đại học, yên
bình hơn bao giờ hết", dòng chữ ghi dưới mỗi tấm ảnh như chứa chất
tâm sự của nghệ sĩ. Triển lãm ảnh "Người Iraq'', diễn ra từ 9 đến
29/9 tại Trung tâm văn hoá Pháp.
Cái tên Lâm Đức Hiền không còn xa lạ với giới nhiếp ảnh của Pháp.
Được đào tạo từ chuyên ngành tại Đại học Mỹ thuật Lyon, anh đã nhận
nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Không ngại
ngần tìm cho mình một lối đi nhiều chông gai, từ hơn 12 năm nay,
anh đã đi xuôi ngược mọi miền Iraq. Mảnh đất với những con người
phải chịu hai tầng chết chóc có một sức cuốn hút vô hình đối với
anh. Để rồi, anh thu vào trong ống kính của mình khoảnh khắc đời
thường nhất của những số phận. Người Iraq, cái tên của bộ sưu tập
thật bình dị nhưng nó cũng chính là cái cao cả nhất mà nhiếp ảnh
gia Lâm Đức Hiền đã làm được, diễn tả phần thánh thiện của con
người. Trong tháng 3, giữa cuộc chiến, khi mà bom rơi và cuộc chiến
tranh đang chia rẽ, tàn sát biết bao nhiêu gia đình, anh vẫn tiếp
tục theo đuổi công việc mạo hiểm của mình, một lần nữa vén lên ánh
sáng của cuộc sống tiềm ẩn trong những ánh mắt, biểu hiện tế vi
nhất của từng khuôn mặt có thể coi là điển hình. Toàn bộ các bức
ảnh đen trắng được lựa chọn, chụp ở các bình diện khác nhau. Chỉ
biết khi đối mặt với bức ảnh, người xem có cảm giác rất rõ rệt
những trạng thái tâm lý mà nhân vật muốn biểu hiện. Từ một cô bé
gái nhỏ vừa chạy khỏi trường để tránh trận ném bom của quân Mỹ, cô
tranh với các bạn để được chụp ảnh. Đôi mắt to long lanh trên gương
mặt hồn nhiên thuần khiết của em như xua tan đi mọi âm khí chết
chóc trên đất nước này cho đến khoé mắt, nhăn nheo đau khổ của một
cụ già, đều được tác giả chớp ghi lại. Các bức ảnh chân dung chụp
rõ, cận cảnh nhưng mỗi chân dung là một âm thanh không lời. Và khi
đọc vài chữ chú thích của tác giả bên dưới, ta lại hiểu sâu hơn sự
đồng cảm và sẻ chia của Lâm Đức Hiền với nỗi đau của con người. Xem
triển lãm tranh Người Iraq, có cảm giác như tác giả của nó đang
rong ruổi trên mọi ngõ hẻm của mảnh đất nhiều đau thương để cóp
nhặt những niềm hy vọng và làm bật lên cái sức sống mãnh liệt của
cả một dân tộc. Ngay trong thời khắc dữ dội nhất, tác giả lặng lẽ
ghi lại từng diễn biến cuộc chiến tranh. Ngày thứ chín của cuộc
chiến, là hình ảnh cậu bé với chiếc băng trắng trên đầu, đôi mắt to
thảng thốt, màu trắng của chiếc băng với màu đen sâu thẳm của đôi
mắt tạo nên sự tương phản đến nhức nhối. Ngày thứ 11 của cuộc
chiến, người đàn ông với gương mặt đẫm máu và cái nhìn nửa giận dữ,
nửa tuyệt vọng khi cả bốn người trong gia đình anh bị thương không
biết giờ nằm ở đâu... Không chỉ là những số phận đau khổ, trong ảnh
của Lâm Đức Hiền vẫn luôn lấp lánh niềm vui, những niềm tin bất
diệt vào cuộc sống. Một người đàn ông thất nghiệp ngồi trên cánh
đồng, con cái phải bỏ học nhưng vẫn tranh trả tiền một cốc trà với
tác giả. Cô bé gái với nụ cười rạng rỡ làm sáng bừng bức ảnh vốn
chỉ có hai màu đen trắng. Tác giả lựa chọn các tiêu cự khác nhau,
điều chỉnh độ đậm nhạt của màu sắc. Và với bộ sưu tập ảnh Người
Iraq, Lâm Đức Hiền đã chưng cất cái đẹp từ sự giản dị và mất mát.
Thu Hà
Viết lời bình