Việc em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tuyên bố đòi tác quyền 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn nhạc Trịnh khiến câu chuyện tác quyền bấy nay vốn "rối như canh hẹ" lại càng thêm rối...
Bảo hộ quyền tác giả và quyền có liên quan
Việt Nam đã là thành viên WTO, đã ký kết các công ước quốc tế Bern, Geneva, Rome về thực thi và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ cũng đã có trên 100 điều quy định trực tiếp về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, các quyền về tài sản là "độc quyền" của các chủ thể quyền. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn khai thác các "độc quyền" này đều phải đạt được thỏa thuận với chủ thể quyền. Trả nhuận bút, thù lao, và các quyền lợi vật chất khác... là thể hiện sự tôn trọng thành quả lao động của người sáng tác. Vì thế, phải nói ngay rằng: trả tiền (bản quyền) để được nghe (xem biểu diễn) nhạc Trịnh Công Sơn hoàn toàn không phải là điều phi lý.
Ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả (TTBVQTG) khu vực phía Nam:
"Gia đình cố nhạc sĩ đang bàn với TTBVQTG để ủy thác thu hộ tiền tác quyền tác phẩm của cố nhạc sĩ. Luật Sở hữu trí tuệ quy định: tất cả hoạt động liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ đều phải trả tác quyền. Riêng phát thanh và truyền hình tùy trường hợp cụ thể có thể phát sóng trước rồi trả tác quyền sau. Bảng giá tác quyền ca khúc đã được Bộ VH-TT-DL thông qua theo Nghị định 61/CP. Riêng trường hợp các phòng trà, địa điểm kinh doanh âm nhạc... TTBVQTG sẽ không tính tiền tác quyền theo từng bài riêng mà dựa vào vị trí mặt bằng, số ghế từng nơi, sử dụng nhạc đĩa hay nhạc công đệm đàn... để tính theo thang giá riêng, được trả từng năm một. Thường một hợp đồng tác quyền thu hộ như thế, TTBVQTG sẽ thu từ phòng trà, điểm có kinh doanh ca nhạc trung bình từ 5 đến 7 triệu hoặc 10 đến 12 triệu đồng/năm, tùy mức độ và quy mô kinh doanh. Tác phẩm âm nhạc phải được phục vụ cho xã hội, cho công chúng đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi cho người sáng tác là tiêu chí mà TTBVQTG hướng đến. Không thể thu tiền tác quyền tùy tiện, không theo quy định mà Bộ VH-TT-DL đã thông qua". Đỗ Tuấn (ghi) |
Pháp luật không chỉ bảo hộ quyền tác giả mà còn bảo hộ quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất băng đĩa, các tổ chức phát sóng). Do đó, khi thu tiền bản quyền nhạc Trịnh, không thể chỉ thực hiện đối với các phòng trà, tụ điểm âm nhạc, mà còn phải thực hiện với người sử dụng các bản ghi âm, ghi hình. Như thế, cả người biểu diễn, nhà sản xuất băng đĩa, các tổ chức phát sóng cũng sẽ được hưởng lợi từ quyền liên quan.
Mức thu nào là hợp lý?
Điều đáng bàn là mức giá (mà người khai thác, sử dụng phải trả để được hưởng thụ thành quả văn hóa) là bao nhiêu thì hợp lý? Và việc thu hay phân phối tiền bản quyền thế nào, ai đủ tư cách pháp nhân để đứng ra thu, hoặc làm đại diện cho chủ thể quyền... thì vẫn còn là một khối bùng nhùng.
Ca sĩ Duy Quang, đại diện cho phòng trà Tình Ca (TP.HCM):
"Chưa có một thông báo nào về việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trong các phòng trà, nên khi đọc văn bản do gia đình cố nhạc sĩ gửi, tôi cũng ngạc nhiên. Tình Ca thường gửi thù lao cho các nhạc sĩ có tham gia giao lưu trong chương trình. Tuy nhiên chúng tôi đã liên lạc với gia đình cố nhạc sĩ, và đã thỏa thuận một số yêu cầu trong văn bản. Tình Ca sẽ sử dụng nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nếu có chủ đề thích hợp. Các nhạc sĩ khác nếu có yêu cầu về tác quyền đối với phòng trà Tình Ca, xin thông báo rộng rãi và liên lạc với chúng tôi". * Nhạc sĩ Lê Quang, đại diện cho phòng trà Không Tên (TP.HCM):
"Văn bản của gia đình cố nhạc sĩ như một sự đánh động về chuyện tác quyền. Mọi khoản thu từ việc sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn đều được gia đình đưa vào Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Nhưng có lẽ, đối với không ít người (quản lý phòng trà, tụå điểm lẫn cá nhân yêu mến nhạc Trịnh) khi biết thông báo này, họ cũng sẽ bất ngờ..., có khi sẽ ngưng hát. Không Tên đã xin gặp đại diện gia đình nhạc sĩ, xem ý muốn của gia đình thế nào để thỏa thuận... Từâ khi thành lập, phòng trà chúng tôi đã ký hợp đồng với Cục Bản quyền (mỗi năm đóng 10 triệu đồng) cho việc sử dụng các ca khúc. Vì vậy chuyện thỏa thuận với gia đình để trả tiền tác quyền sao cho phù hợp cũng bình thường". (N.Vân (ghi)) |
Nếu "người có của" muốn hét giá bao nhiêu cũng được, chỉ khiến người tiêu dùng thêm ngại ngần. Hệ quả là tác phẩm dù giá trị mấy cũng trở thành "vô giá trị"! Nếu bảo hộ quyền tác giả theo kiểu "mạnh ai nấy thu" thì người nghe, người xem sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất! Nên chăng, cần có sự thống nhất về mức thu bản quyền, bằng cách các chủ thể quyền, quyền liên quan ngồi lại với nhau để ra mức giá như người phối khí được hưởng bao nhiêu %, người liên quan được hưởng bao nhiêu,...
Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, quyền tác giả, dù là "độc quyền" nhưng cũng có giới hạn. Vì lợi ích của cộng đồng, người hưởng thụ, kể cả lợi ích của việc khuyến khích công dân sáng tạo tiếp, pháp luật cũng quy định về giới hạn quyền (như tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả 50 năm sau ngày tác giả mất). Vì vậy, dù là thỏa thuận dân sự cũng không thể đi chệch khỏi những quy định pháp luật về giới hạn quyền, về vi phạm quyền (thì xử lý ra sao...). Chỉ có điều, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan được Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) bàn thảo suốt mấy năm vẫn chưa thành hiện thực!
Y Nguyên
Theo thanhnienonline
Y Nguyên
Viết lời bình