Những đặc sắc và ưu trội trong văn hóa và tính cách của người Nam Bộ dường như hội tính phóng khoáng, tính hội nhập, đoàn kết và bình đẳng cao, tinh thần trượng nghĩa, khinh tài.
Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa sớm phát triển, đạt đến
trình độ cao, rất đáng tự hào. Chính văn hóa là yếu tố cơ bản tạo
nên sức mạnh Việt Nam để đưa dân tộc ta đứng vững và chiến thắng
trước mọi cuộc xâm lăng và xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ,
nhân ái.
Từ khi có Ðảng lãnh đạo, và nhất là từ sau ngày đất nước thống
nhất (30-4-1975) văn hóa được coi trọng, chăm lo, phát triển hơn.
Với tinh thần coi văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu; với
phương châm và mục đích xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, từ sau Ðại hội IX của Ðảng, lòng tự hào
về những giá trị tốt đẹp truyền thống được trỗi dậy và phát huy,
đồng thời làm tăng khả năng tiếp thu những giá trị tinh hoa của
thế giới. Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất
trong đa dạng.
Những đặc sắc và ưu trội trong văn hóa và tính cách của người Nam
Bộ là gì? Theo chúng tôi, có những điểm chủ yếu sau:
1- Tính phóng khoáng tầm nhìn rộng, và sức mạnh vươn tới: Từ bỏ
cố hương, nơi khó có thể quay về, người dân khai thác vùng đất
mới chỉ có thể đi tới, dù có nhiều điều không biết, dù nhiều hiểm
nguy phía trước. Tuy mới mẻ và hiểm nguy nhưng chân trời luôn mở
ra và với sản vật dồi dào, hết rồi lại có, ở đâu cũng có (tuy
nhiên là theo nhu cầu của người nông dân) "Ruộng đồng mặc sức
chim bay, Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua" nên người Nam Bộ ít
băn khoăn để căn cơ, tích trữ mà luôn tự tin và phóng khoáng,
luôn có tầm nhìn rộng mở, dám đầu tư bằng tất cả sản nghiệp của
mình.
2- Tính hội nhập, đoàn kết và bình đẳng cao. Thiên nhiên hoang sơ
và nhiều thách thức buộc con người phải đoàn kết lại, người đi
trước bày vẽ kinh nghiệm cho người đi sau, và ngược lại, nếu có
bất đồng thì có thể thoát ly cộng đồng cũ, tự khai phá vùng đất
mới. Hoàn cảnh đó, hoàn cảnh con người đối thoại với trời đất
rộng mở và nhiều điều mới mẻ làm cho người Nam Bộ có tính hội
nhập, bình đẳng cao, tập hợp được nhiều kinh nghiệm, nhiều nét ưu
trội từ các nhóm cư dân khác nhau, dễ thoát ly những ràng buộc,
níu kéo của tập quán cũ.
3- Tính trượng nghĩa, khinh tài, "nói cái rụp, làm cái rụp" hay
là nói đi đôi với làm. Con người đến Nam Bộ thường không có tài
sản gì. Tài sản vừa là mục đích vừa không phải mục đích vì luôn
có trong tự nhiên, sẽ có ở phía trước nên người Nam Bộ luôn giữ
lấy điều quý nhất đấy là đạo nghĩa và tính đảm lược. Họ nhận thức
rằng, có điều đó thì sẽ có tất cả và cũng nhận thức rằng,
bên cạnh cần có một chỗ đứng chân trong cuộc đời, có kế sinh
nhai, cần phải xây dựng mối quan hệ giữa người với người, một xã
hội mới tốt đẹp hơn xã hội cũ nhiều bất công - điều mà họ ghét
nhất, điều mà vì nó họ đã phải rời bỏ cố hương. Họ đã chán những
đạo lý ràng buộc, giả dối đi tìm những ý nghĩa thiết thực. Trước
một hướng đi về đông hay về tây, chọn nghề làm ruộng hay đánh cá
cho gia đình, cho cả nhóm, họ tự phải quyết định lấy và phải
quyết định nhanh chóng cho nên người Nam Bộ đã nói là làm, "làm
cái rụp" và nếu có sai sót, họ sẽ sửa chữa ngay bằng hành động.
Và cuộc sống cứ thế mà đi tới, mà được khẳng định bằng hành động.
Vùng đất mới đã đem lại cho họ cuộc sống dồi dào về mặt vật chất
cũng như tinh thần, nên càng ngày họ càng yêu mến từng bờ cây,
con rạch, càng ngày càng hồng hào phù sa tình yêu Tổ quốc. Lòng
chung thủy, đức kiên trung từ đó cũng được hun đúc.
Ðất nước thống nhất. Dưới chế độ mới, chế độ XHCN, được sống với
lý tưởng tốt đẹp, được tổ chức cuộc sống về xã hội và kinh tế ở
quy mô tập trung hơn, thống nhất hơn, tình đoàn kết, sức sáng
tạo, tinh thần bình đẳng và dân chủ của người Nam Bộ càng ngày
càng được phát huy, đưa vùng đất mới vượt khỏi lề lối và trình độ
của canh tác nông nghiệp, tiến lên một trình độ sản xuất mới,
trình độ văn minh mới, đóng góp to lớn về kết quả vật chất cũng
như tinh thần cho sự phát triển của đất nước trên con đường hội
nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
NGUYỄN HOÀNG
Theo nhandanonline
NGUYỄN HOÀNG
Viết lời bình