Ở trong con kinh nhỏ nhà tôi, sáng nào người ta cũng nghe tiếng rao của người đàn bà tầm ba mươi tuổi: “Ai mua giá hẹ, rau cải hong ?!” – người đàn bà đó chính là Má tôi.

Khi ấy tôi chỉ là một con bé hơn mười tuổi, ham chơi và rất lì lợm, nên tôi chả cần biết má đã làm thế nào để có thể chèo xuồng hơn năm mươi cây số mỗi ngày để bán rau cải kiếm tiền. Tuy vậy, má tôi luôn vui vẻ với mọi người và trong mắt họ má tôi là người phụ nữ đảm đang, ăn nói, cư xử đúng mực còn với tôi má giống như một con sư tử lông nhím khó gần, chỉ cần tôi có lỗi – dù là vô tình hay cố ý, lỗi nhỏ hay lỗi lớn – thì ngay lập tức đít tôi nổi lằn roi, có lẽ má không thương tôi !

       Buôn bán trên sông chỉ là một nghề trong “túi nghề” của má tôi. Khi lên bờ thì má giúp ba tôi làm ruộng, nuôi thêm vài trăm con vịt đẻ. Mùa nước lên thì má với ba tôi cùng đàn vịt đi chạy đồng ở chỗ khác – chỗ đó rất xa nhà – đến đó ba má tôi còn giăng lưới để đỡ tiền cá mắm còn thêm được chút tiền - má tôi lúc nào cũng thế, lúc nào cũng “tiền, tiền”, má làm mọi việc để có tiền nhưng má chi xài rất ít. Mà tôi chả biết sao má tôi lại keo kiệt đến thế, người ta còn gọi má là “kẹo” - nghĩa là thời gian nghĩ ngơi của má tôi còn rất ít, nên khi chuyến đi đôi ba tháng kết thúc thì má tôi mới về ở hẳn nhà chứ không bao giờ má về thăm tôi giữa chừng, má không nhớ tôi !

       Tôi là con gái duy nhất của má nhưng má chưa bao giờ gần gũi hay dịu dàng nói chuyện với tôi, chuyện học hành bạn bè của tôi má cũng rất ít khi hỏi đến, kể cả chuyện tôi đã “dậy thì” má cũng không biết. Tôi tự hỏi sao má không quan tâm đến tôi như những người má khác, sao má lại sinh tôi ra làm chi. Tôi đã nghĩ rằng cuộc đời của má chỉ có ba việc đó là kiếm tiền, dạy tôi kiếm tiền và đánh tôi. Má yêu tiền, má ghét tôi và tôi cũng ghét má ! Đã có lần tôi hỏi má:    

      -  Sao má ham tiền quá vậy ?

      -  Ừ ! má tôi cúi mặt và trả lời ngắn như thể má rất buồn.

       Có lẽ má ghét tôi thật nên cuộc sống của tôi lúc nào cũng thiếu thốn hơn những người khác. Má kiếm được nhiều tiền nhưng quần áo, sách vở, ăn uống của tôi không bằng một góc của bạn bè cùng trang lứa. Tôi luôn ganh tị với các bạn, với cả con nhỏ em họ không có cha nhưng ăn mặc đẹp đẽ. Trong một thoáng, giọt nước mắt tủi hờn của tôi rơi rớt và tôi thầm nghĩ: “Tôi không cần có má !”.

       …Cho đến năm tôi mười tám tuổi, với ý nghĩ “đủ lông đủ cánh”, tôi không còn sợ những đòn roi của má nữa, lúc nào tôi cũng cãi lời má, tôi nói chuyện với má cọc cằn hơn. Năm đó tôi thi trượt đại học, thay vì luyện thi lại, tôi xin ba má cho tôi lên thành phố làm – với hi vọng sẽ thoát khỏi má - nhưng má không cho tôi đi mặc dù tôi rất cố gắng nài nỉ má bằng đủ mọi cách. Tôi giận má. Tôi thật sự giận má, tôi không thèm nói chuyện với má, má gọi tôi, tôi cũng không buồn trả lời nửa câu !

         Gần một tuần trôi qua, tôi vẫn thế nhưng má thì khác, lần đầu tiên tôi thấy sắc mặt má tệ như thế, đôi mắt sưng lên, người thì gầy đi – có lẽ má đã khóc, có lẽ má thật sự buồn – dù biết vậy nhưng tôi vẫn cứng đầu, vẫn trơ ra như thể không hay không biết chuyện gì. Tôi mặc kệ má !

         Một buổi chiều như mấy hôm rồi - tôi không mở miệng với má - má gọi tôi đến bên cạnh – tôi cũng đến, cũng chẳng nói gì và cũng chẳng thèm nhìn má – má tôi khóc trước mặt tôi – điều mà má chưa bao giờ làm – má tôi bắt đầu nói: “Thầy coi má vắng số sớm… bởi vậy má ráng làm kiếm tiền lo cho con, mai mốt má có chết cũng để của lại cho con ăn… để người ta khỏi khi dễ con, má chết rồi biết ba con có lo cho con hong, rồi ba con có cưới vợ khác… má kế có ghét con, con cũng có cái mà ăn, khỏi phải đi ở đợ làm mướn cho người ta…còn cô bác người ta lo cho con người ta chứ ai lo cho con, có thương con quá thì người ta cũng chỉ cho con bữa cơm chứ ai lo cho con như má… Má hong cho con đi làm, sợ con cực khổ, sợ con ra đường bị người ta gạt, má kêu con luyện thi lại đi mai mốt đậu rồi đi học, đi làm trong mát cho sướng thân con… rồi má có chết cũng yên lòng mà con hong chịu, con còn giận má… Giờ má hong nói nữa con muốn làm gì thì tùy con…!”

       Nghe xong những lời má nói tôi lại càng im lặng hơn trước, không, không phải tôi không nói mà là tôi không thể nói được, dường như có gì đó nghẹn ở cổ họng tôi, nó chặn lại mọi lời nói của tôi, còn sống mũi của tôi cũng không còn cay nữa vì nó đã được những giọt nước mắt làm dịu đi khi má tôi nói câu đầu tiên “vắng số sớm”. Nước mắt của tôi thi nhau rơi xuống, không ngăn lại được. Cái gì chứ, “chết” sao ? Sao má lại chết ? “Má kế” là cái gì ?  Sao tôi lại có má kế ?...

       Tôi ghét má, giận má nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày má tôi rời khỏi thế gian này. Tôi sẽ đi làm, sẽ rời xa má nhưng má tôi vẫn ở đây, vẫn sống cuộc đời của má. “Vắng số”, là thằng cha thầy bói khốn kiếp nào đã trù ẻo má tôi như vậy, sao nó lại dám nói bậy bạ để má tôi lo lắng chứ ! Còn má nữa, sao lại mê tín chi để rồi khổ tâm đến vậy, má mà vắng số sớm thì còn ai đánh mắng con nữa…nước mắt tôi rơi lặng lẽ không tiếng nấc nhưng nó cứ như con đê bị vỡ. Và thật ngu ngốc, sao tôi lại sợ, lại nghĩ đến việc má chết đi bỏ lại tôi…!!!

       Rốt cuộc tôi cũng hiểu việc làm của má, má vất vả kiếm tiền – mà không, phải nói là má bán mạng kiếm tiền, vì má đi làm nhưng khi má bệnh má lại tiếc mấy ngàn mua thuốc – là để dành cho tôi. Má dạy tôi kiếm tiền để tôi có thể tự lập khi không có má; má muốn tôi đi học vì má không muốn cuộc đời tôi cực khổ như má, phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” và điều đặc biệt nhất mà má làm cho tôi đó là đánh tôi – thay vì ôm tôi vào lòng như những người má khác – má đánh tôi nhưng má thấy đau hơn tôi nhiều lần, má đánh tôi vì má dạy tôi, vì má muốn tôi nên người với đòn roi của má hơn là đòn roi của người má kế xa lạ và ác độc.

       Tôi trách má không hiểu tôi nhưng sự thật thì tôi cũng không hiểu má, má vất vả kiếm tiền lo cho tôi nhưng tôi chưa một lần hỏi má: “Hôm nay, má có mệt không ?”, tôi chưa từng nấu cho má chén cháo khi má bệnh. Trong khi má không đòi hỏi gì ở tôi, má cũng chưa từng than vãn công việc nào nặng nhọc, công việc nào khó khăn. Tôi luôn muốn có quần áo đẹp đẽ như chúng bạn mà không thấy má tôi mặc toàn đồ cũ, má có tiền đó nhưng má không dám mua lấy bộ đồ tốt cho có với người ta…Tôi rất muốn ôm lấy má, muốn nói xin lỗi, muốn nói cám ơn, muốn nói rất nhiều với má nhưng… - tôi biết má không cần điều đó vì thật lòng má không giận tôi đâu - …tận sâu trong lòng tôi thầm hứa sẽ thay đổi, sẽ không làm má khóc, không làm má đau lòng, sẽ hiếu thảo với má !

       Giờ đây – đã hai năm trôi qua – tôi đã là sinh viên khoa Sư phạm, đã thay đổi rất nhiều, thay đổi cách ăn mặc – như tôi mong muốn, thay đổi tình cảm, cách cư xử với má và nhất là tôi cảm thấy vững tin bước vào đời vì tôi có tình yêu của má. Và má tôi cũng thay đổi, má gần gũi với tôi hơn, nói chuyện với tôi nhiều hơn, nhưng má vẫn lo cho tôi, má lo tôi bị say xe khi tôi lên xe đi học xa, má lo tôi không ăn uống đầy đủ, má cho tôi tất cả những gì tôi cần, má đã khóc khi biết tôi đi làm thêm – má sợ tôi cực khổ…Giờ tôi đã thấm thía câu:

                                          “Công cha như núi Thái Sơn

                                  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

       Má là má của tôi, là ông trời ban ơn để tôi là con của má và nếu thật sự có kiếp sau – như người ta vẫn nói – thì tôi xin nguyện được làm con của Má !


MS 66

  • y

    Bai viet cua ban rat hay va cam donglam do minh doc ma roi nuoc mat.Tuy cuoc song cua minh khong nhu ban,ban that hanh phuc khi duoc co me ben canh ban hay biet tran trong ban nhe!

  • trân thị diểm châu

    bài viết của ban rất hay.tôi đọc bai nay rất giống với hoàng cảnh của tôi.Khi tôi độc bài viết của bạn đến đâu thi nước mắt của tôi nó chảy dên tôi khóc nhiều lấm,nhưng có điều bạn vẫn hạnh phút hơn tooi là bạn còn mẹ