Sau hơn 3 tháng phát động, BTC đã đăng tải tổng cộng 67 bài dự thi của các tác giả tham gia cuộc thi. Để tổng kết một cuộc thi viết (lần 3) của Enews, BTC xin giới thiệu bài viết của trưởng ban giám khảo – thầy Trần Tùng Chinh.
Toàn cảnh cuộc thi
Bắt đầu phát động từ ngày 17 tháng 5 (thời gian đăng thể lệ trên Enews), cuộc thi đã khép lại vào ngày 9 tháng 8 với hàng trăm bài dự thi. Gần 3 tháng hành trình cùng cuộc thi, Ban tổ chức đã đọc sơ khảo, tuyển chọn và đăng tải lên trang báo của Enews tổng cộng là 67 bài (được đánh mã số từ 01 đến 67).
Xét về số lượng, cuộc thi đã thành công. Trong một thời gian ngắn, cuộc thi đã thu hút rất nhiều cây bút sinh viên của các khoa trong toàn trường tham gia viết bài dự thi.
Và có thể nói, mỗi bài dự thi là một gam màu đã pha cho cuộc thi Cuộc sống muôn màu một bức tranh đa sắc, với muôn màu những cung bậc cảm xúc của cuộc sống – đặc biệt là qua lăng kính vừa rất thực tế vừa rất lãng mạn của các bạn sinh viên. Từ cái nhìn trong sáng và không kém phần sâu sắc ấy, những mảng màu cuộc sống hiện lên trong đôi mắt quan sát sắc sảo của những trí thức trẻ, trong mối quan tâm của những công dân đầy ý thức trách nhiệm và nhất là trong những trái tim nhiệt thành, nhạy bén, tinh tế của những tâm hồn đa cảm.
Ban giám khảo đã đọc, đã chia sẻ, cảm nhận cùng các bạn và nhận ra rằng, từ cửa sổ giảng đường, các bạn sinh viên không chỉ quan tâm đến bút mực sách vở với những tri thức khoa học; mà các bạn còn hướng cái nhìn của mình về các vấn đề nóng hổi tính thời sự, các vấn đề thiết thực mà cuộc sống sinh viên xa nhà đang đặt ra đầy bức xúc. Những đề tài mới, lạ, kể cả táo bạo được các bạn quan sát, đề cập và mạnh dạn đối thoại để tìm kiếm những đồng cảm chính đáng.
Trong những bài viết dự thi, Ban tổ chức – Ban Giám khảo không khỏi bất ngờ với các đề tài như Sống thử (Sống thật – MS 53), đồng tính (Đồng tính thì đã sao ? – MS 05), mại dâm (Hoa đêm – MS 11)… Và nhận ra rằng, những cơn dư chấn từ những vấn đề xã hội đã dâng những làn sóng tràn vào chốn giảng đường. Trước các vấn đề xã hội nóng bỏng và bức xúc, sinh viên không còn là người ngoài cuộc vô can. Các bạn đã nhìn thấy, đã trăn trở và chiêm nghiệm, có khi các bạn cũng bị những cơn lốc xoáy thô bạo từ một mảng tối của bức tranh cuốn các bạn thành người trong cuộc. Có khi các bạn là nạn nhân, nhưng cũng có khi chính các bạn cũng là nguyên nhân của những trượt ngã, va vấp. Và quan trọng là sau đó, con người có đủ can đảm để đứng dậy từ màu đen để bước lên vùng trời tươi sáng hay không ?
67 bài dự thi bao quát hầu hết tất cả các gam màu – từ màu hồng của tình bạn tình yêu và kỷ niệm, màu trắng tinh khôi của áo học trò cùng thầy cô và mái trường đến màu xám xịt của những cảnh đời khốn khó, màu đen thăm thẳm của những sai lầm tha hóa… Các bạn viết về quê hương, mái trường, thầy cô, bè bạn. Các bạn viết về đề tài tình yêu muôn thuở của những người trẻ đang yêu và được yêu. Các bạn dành rất nhiều bài viết cho cha mẹ, ông bà, anh chị và những người thân khác trong gia đình. Rất nhiều những bài viết về chủ đề “sống đẹp” cho chúng ta thật nhiều niềm tin yêu vào cuộc sống – đặc biệt là những tấm gương sinh viên nghèo vượt khó để học giỏi. Và như đã nói, gây chú ý hơn cả là những vấn đề của xã hội đương đại, của nền kinh tế thị trường với rất nhiều thời cơ và cũng vô cùng thách thức.
Gam màu của cuộc thi
Tuy nhiên, khách quan công bằng mà nhìn nhận, BTC và BGK cuộc thi đã phát hiện ra rằng, dường như bức tranh tổng thể của cuộc sống muôn màu vẫn còn đó những gam màu loãng, vẫn còn đó những chỗ tô đen hoặc bôi hồng quá mức. Bên cạnh đó, nói về sự “cân đối và hài hòa về màu sắc” thì bức tranh của “Cuộc sống muôn màu” vẫn chưa thật sự làm mãn nhãn những người theo dõi cuộc thi này nói chung và BGK của cuộc thi nói riêng.
Như tiêu chí nội dung ban đầu, BTC chúng tôi đưa ra trong đợt phát động cuộc thi; chúng tôi nhấn mạnh hai gam màu:
Đó là những “gam màu tối” gợi ý các bài dự thi mạnh dạn viết về những cạm bẫy trong cuộc sống sinh viên xa nhà (Game online, Ma túy, rượu chè, nghiện net, lối sống thực dụng, hiện tượng “sống thử” nói riêng và những quan hệ thiếu lành mạnh nói chung trong sinh viên, những hệ quả từ sự thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, những va vấp thất bại trên con đường mưu sinh để hỗ trợ cho việc học tập…). Về các vấn đề này, dựa trên số bài tham gia dự thi còn ít ỏi (1 bài về đồng tính, một bài về sống thử) thì hầu hết các bài viết khác nếu có đề cập tới thì vẫn còn rất chung chung, thiếu sức thuyết phục, thiếu những dẫn giải cụ thể, những minh chứng sống động.
Tôi không nghĩ rằng các vãn đề trên là hoàn toàn không có trong môi trường các bạn sinh viên đang học tập và sinh hoạt. Tôi cũng ngờ rằng sinh viên của chúng ta đã hoàn toàn miễn nhiễm với cái xấu, cái ác. Thực tế, chúng tôi vẫn thấy xuất hiện các trường hợp sinh viên sa ngã, rơi vào những cạm bẫy, cám dỗ. Và thông qua cuộc thi, từ cái nhìn của chính các bạn, như người trong cuộc trải nghiệm, sức tác động của những bài viết như thế sẽ không hẳn dừng lại chỉ ở một cuộc thi.
Ngay cả những “gam màu sáng” mà cuộc thi đã gợi ý liên quan đến những tấm gương sinh viên vượt khó; những sinh viên bản lĩnh nói không với cạm bẫy; những bài học kinh nghiệm quý giá; những thái độ và hành động cảm hóa cái xấu cái ác trong mỗi con người, những tình cảm trong sáng, những cảm xúc với cuộc sống chung quanh… thì những bài dự thi của các bạn lại dành quá nhiều bài viết về những kỷ niệm áo trắng học trò, những xôn xao bâng khuâng của trái tim lỗi nhịp, những xúc cảm ngọt ngào của “cái tôi” đa cảm. Chừng như các bạn thiếu nhiều thực tế vốn sống để xông vào những “người thật, việc thật” để tạo ấn tượng và sức thuyết phục cho bài viết.
Về vấn đề này, chúng tôi thấy các bài dự thi cũng chưa có sự cân đối về thể loại mà người viết lựa chọn. Rất ít những bài chính luận, nghị luận mang đậm chất báo chí, thời sự (chỉ có 7 trên 67 bài mà số ít ỏi này lại có phần khô khan). Quá nhiều những tùy bút, tản văn, những truyện ngắn được hư cấu, những tự truyện giàu cảm xúc nhưng lại thiên về cảm tính chủ quan, thiếu những khái quát sắc sảo về sự vật hiện tượng, về các vấn đề thế sự mà bài viết đề cập (có đến 15 tùy bút, 7 bài viết ngắn, 37 truyện ngắn, tự truyện).
Thiết nghĩ, cuộc thi không giới hạn các thể loại văn xuôi để các bạn thả sức sáng tạo. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, những bài viết từ câu chuyện có thật, lại là chuyện “có cốt truyện, có tình huống, giàu chi tiết – có điểm nhấn để thể hiện thông điệp tư tưởng” sẽ là những bài có chất lượng cao. Còn những bài viết thể hiện những cảm xúc chưa “chín” chưa “tới”; các vấn đề đề cập đến còn chung chung, sơ sài thì sẽ dễ trôi tuột đi trong trí nhớ người đọc hơn. So với cuộc thi “Mùa xuân tình yêu” và “Kể chuyện học tập” (hai cuộc thi trước đây của eNews tổ chức) cuộc thi này thiếu hẳn mảng thể loại phóng sự, ký sự nhân vật, nghị luận báo chí… Đây quả là điều đáng tiếc nhưng cũng là điều các cây bút dự thi rút kinh nghiệm. Bởi với một tiêu chí như cuộc thi này đặt ra thì những thể loại vừa nêu thật sự rất phù hợp để thể hiện nội dung đề tài muôn màu cuộc sống.
Chọn màu trong bức tranh của cuộc thi
Giờ là phần khó khăn nhất của BGK. Đó là phần chọn ra những bài viết nổi trội xứng đáng để trao giải của cuộc thi.
Có thể xem đây là những tiêu chí chấm chọn cụ thể mà BGK chúng tôi đặt ra làm cơ sở cho việc chọn lựa của mình.
1. Nội dung bài viết không được “lạc đề” (với hai gam màu “tối và sáng” mà chúng tôi đã nêu trong nội dung phát động cuộc thi). Vấn đề bài viết đặt ra và đề cập phải có ý nghĩa xã hội, phải có định hướng tích cực cho cuộc sống của thế hệ trẻ dù viết về các đề tài tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống sinh viên.
2. Bài viết phải giàu chất văn và đạt yêu cầu về hình thức. Bài dự thi được chấm là phần “thô” của bản thảo chưa thông qua biên tập – nên các lỗi về ngữ pháp, dùng từ và chính tả; chúng tôi cũng xem đó là những điểm trừ và điểm cộng cho bài dự thi.
3. Dù viết về “màu sắc” nào, thì trách nhiệm của người cầm bút cũng phải hướng người đọc đến những gam màu tươi sáng, với niềm tin yêu hy vọng và lạc quan vào cuộc sống.
Thử cùng pha màu với một số bài dự thi
Dựa trên các tiêu chí cụ thể nêu trên, BGK sẽ đính kèm kết quả chấm chọn. Tuy nhiên nhân viết bài tổng kết cuộc thi, chúng tôi cũng có ý kiến về một số bài viết về các đề tài “nóng” cụ thể và cũng rất tiêu iểu cho các bài viết khác, sau đây:
1. Đồng tính thì đã sao ? (MS05): Đề tài hay, táo bạo. Người viết đặt ra được một vấn đề nhạy cảm nhưng rất cần sự đồng cảm của xã hội. Trong sinh viên, đây là một thực tế đáng lưu ý. Tuy nhiên, phần kết của bài làm cho người đọc hơi hoang mang khi tác giả kết luận: “Những người đồng tính không cần sự đồng cảm từ xã hội, cái chúng tôi cần là sự tôn trọng…”. Thiết nghĩ, cả hai đều cần thiết. Có đồng cảm thì mới có được sự tôn trọng mà tác giả mong muốn.
2. Phố (MS09): Với cái nhìn thế sự hơi dàn trải và thiếu chọn lọc nên bài viết chưa có được sự tập trung, cô đọng cần thiết. Đặc biệt câu cuối làm cho bài viết giống như văn học hiện thực phê phán giai đoạn 30-45 (tác phẩm “Tắt đèn”): “Họ vẫn bước đi, mất hút trong màn đêm u tối, con đường không nhìn thấy lối đi phía trước” làm kết bài nhuốm màu sắc bi quan u ám.
3. Hoa đêm (MS11): Đề tài nóng (mại dâm) nhưng từ nhân vật chính đến cái nhìn quan sát của tác giả đều không liên quan gì đến sinh viên? Người viết có đủ dũng cảm nhìn thẳng vào tệ nạn này – dù nó là cá biệt - trong môi trường sinh viên không ? Đây là một câu hỏi khó trả lời.
4. Sống thật (MS53): Viết về sống thử, bài viết lại đưa ra một kết cục lạc quan cho lối sống này; trong khi trên thực tế, đây là một lối sống cần phê phán nhiều hơn. Vì thế, vô hình trung, bài viết trở thành niềm an ủi động viên cho lối sống này (người đọc là nữ sẽ mơ mình được gặp một người như nhân vật Lâm) trong khi “sống thử” có rất nhiều hệ lụy đau lòng cần cảnh báo thì bài viết vô tình bỏ qua, không đề cập đến.
5. Nhặt lá rơi hoang (MS 36): Chọn được đề tài thế sự xã hội khá tốt nhưng lối viết và cách thể hiện chưa thật sự phù hợp. Người ta thấy những sự trau chuốt, bóng bẩy thậm chí có phần cầu kỳ trong dùng từ, dựng câu làm cho câu chuyện mang một màu sắc khác hơi khiên cưỡng. Lẽ ra, tác giả cần chọn một lối viết “thô mộc” hơn, hiện thực hơn thì bài viết sẽ thuyết phục hơn
Tiếc cho các bài viết nêu trên thì ít nhưng mong ước từ các bài viết ấy lại rất nhiều. Thành công của cuộc thi, thiết nghĩ, chính nhờ những bài dự thi như vậy để chúng ta có thêm nhiều cơ hội suy ngẫm về cuộc sống, về các vấn đề tốt xấu, trắng đen trong cuộc đời này.
Vâng, đúng như vậy. Đọc các bài dự thi, ta không chỉ thưởng thức một chiều, mà rất cần sự tương tác, sự giao lưu với nội dung các bài viết ấy đặt ra; đối thoại cùng tác giả để bật lên những thông điệp tích cực cho cuộc sống.
Bằng cách đó, người đọc cũng đã tham gia pha màu cho cuộc thi, đúng nghĩa là “Cuộc sống muôn màu”.
Xin cảm ơn BTC cuộc thi, cảm ơn các tác giả tham gia dự thi và đặc biệt – cảm ơn bạn đọc của enews – những người đã theo dõi cuộc thi, đã chia sẻ những thông điệp từ cuộc thi.
Các bạn đã làm cho bức tranh cuộc sống thêm tươi sáng và đó cũng chính là mong muốn tốt đẹp mà cuộc thi này đã mang đến.
Ths Trần Tùng Chinh - Trưởng BGK
Viết lời bình