Thắm thoát đã qua ba mùa lễ. Cách đây ba năm tôi còn là một học sinh phổ thông, vậy mà bây giờ đã sắp trở thành một giáo sinh, sẽ được các em gọi là “cô”. Lòng tôi ngập tràn những niềm vui khó tả, ngỡ như mình đang đi trong giấc mộng. Nhưng không, đó là sự thật…

Những lúc tưởng tượng mình sẽ được đứng trên bục giảng dạy các em, nghe học trò gọi mình bằng cô, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh của người cô chủ nhiệm thân thương mà từ lâu tôi xem như mẹ. Ba năm, nói dài không dài nhưng không phải ngắn, đủ để tôi quên đi tất cả những chuyện buồn vui trong quá khứ. Nhưng không hiểu sao kí ức về cô Ngọc Thanh chẳng bao giờ phai nhạt trong tôi.

Cô đã xuất hiện và mang đến cho cuộc đời tôi những tia hi vọng, niềm tin vào cuộc sống để tôi có thể phấn đấu đến ngày hôm nay và mãi đến sau này. Gương mặt hình trái xoan, giọng nói ngọt ngào truyền cảm ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi như màu mực tím thắm trên trang giấy, và khó có loại thuốc nào tẩy được.

Câu chuyện bắt đầu năm tôi vào lớp mười, cha đột ngột bỏ tôi đi vì căn bệnh đột quỵ. Nỗi buồn chỉ mới vơi đi được một năm, mẹ lại rời xa tôi. Mẹ gửi tôi về ngoại để bước đi xây hạnh phúc mới. Tôi cảm thấy rất hụt hẫng, tôi nhìn cuộc đời này như chỉ có bóng tối bao trùm. Tôi căm ghét tất cả, duy chỉ có ngoại và cha là hai người tôi yêu thương nhất. Nếu cha không mất, nhật kí đời tôi cũng sẽ không có gì để ghi chép bởi nó rất bình lặng. Đó là những ngày hạnh phúc nhất nhưng nó quá ngắn ngủi.

Cuộc đời không có con đường cùng nhưng lại có những vực thẳm. Hố sâu ấy luôn chờ đợi những ai đang mất hết niềm tin, không còn tin vào bản thân mình. Và hai năm liên tiếp đó tôi ngỡ như mình đang vẫy vùng dưới cái vực kia, dù cố gắng tìm một con đường để thoát, nhưng trong đầu, trong lòng và cả trái tim nhỏ bé của tôi chỉ ngập tràn những nỗi đau và sự căm hận. Kết quả hai năm học là một minh chứng rất hùng hồn, từ một cô học trò giỏi, ngoan hiền, cắp sách thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh… Giờ đây được xếp vào danh sách trung bình, hạnh kiểm khá cần được quan tâm. Những nỗi đau cứ triền miên, ông trời như muốn cướp đi tất cả của tôi, ngoại lại bỏ tôi ra đi vì tuổi già. Nụ cười dường như tắt hẳn trên môi đứa con gái mà đáng lý ra phải cười thật nhiều với tuổi học trò. Tôi mất hết niềm tin và hi vọng…

Tôi về nội ở với bác. Khi mọi người háo hức vào lớp mười hai thì tôi chuẩn bị hành trang ra đời. Tôi quyết định sẽ tự nuôi sống mình dù Bác có khuyên ngăn thế nào. Nhưng có lẽ mỗi người đều có một số phận, sự sắp đặt mà ông trời bắt họ phải chấp nhận. Chỉ một tuần nữa là năm học mới bắt đầu, các bạn háo hức đi sinh hoạt với cô chủ nhiệm. Tôi muốn đi làm. Sự vắng mặt của tôi chắc cũng làm cô chú ý. Và có lẽ qua lời của các bạn cô đã nắm phần nào hoàn cảnh của tôi. Ngày tôi chuẩn bị cho những bước chân vội vã  thì cô đã đến… như một giấc mơ và như một ánh sáng…

“Em phải biết vượt qua nghịch cảnh, cuộc đời luôn có những thử thách, có bước qua được không là tùy ở em. Nhưng em hãy nhớ rằng: xung quanh em còn rất nhiều những tình cảm, sự quan tâm của mọi người dành cho em. Và “cô” là người luôn ở cạnh em”. Đó là những câu được cô nhắc lại nhiều lần mỗi khi cô tâm sự với tôi. Cô khuyên tôi ở lại và tiếp tục đến lớp với những lời lẽ nhiệt thành như một người mẹ đang mong mỏi con mình đến trường. Nước mắt đã cạn nay tự dưng trào ra không thể nói. Thế nhưng cô càng quan tâm tôi như mẹ thì sự uất hận trong lòng tôi lại cao lên hơn khi tôi nghĩ về mẹ ruột của mình. Có lẽ tôi quá trẻ con, bởi lúc đó tôi rất muốn trả thù người mẹ ấy bằng sự tự nuôi lấy mình. Khóc xong rồi thì lời khuyên của cô tôi vẫn bỏ ngoài tai.

 Bốn ngày của một tuần đã trôi qua, không ngày nào cô không gọi đến gia đình bác nhắc nhở tôi đến trường. Nhưng tôi thì cứ ngồi ì ra đó, dù không đi làm nữa tôi cũng không có phấn khởi đi học. Ban đầu bác tôi còn khuyên lơn, sau vì lòng nhiệt tình của cô, bác không chịu nổi đến mức bác ra lệnh cho tôi phải học tiếp. Có lẽ tôi quá lì lợm, nói thế nào cũng không, lạnh nhạt, vô tình. Sự việc đó trái ngược hoàn toàn với những hành động và tình cảm của cô. Vậy mà cô vẫn cứ một lòng đưa tôi về lớp. Cô sẵn sàng lo chi phí ăn học cho tôi. Tất cả đều như vô tác dụng với một cô gái mất hết niềm tin như tôi. Tôi quyết không đến lớp.

Ngày học đầu tiên đã bắt đầu, lớp học chỉ vắng mỗi tôi. Khi mọi người đang dự tính cho tương lai những điều tốt đẹp, những ngành nghề yêu thích thì tôi… trong đầu chỉ có những nỗi đau, nỗi buồn không tên tuổi thay nhau ngự trị. Và hôm sau cô Thanh liền bỏ ngay tiết dạy trên lớp để đến gặp tôi. Bác hai giận tôi rất nhiều và không nói gì nữa khi thấy cô đến. Cũng chỉ những lời đã nói, cô khuyên tôi như một người mẹ rồi một người cha. Cô kể về cuộc đời của cô cũng có lắm thăng trầm. Cô không có gia đình, cô xem và chăm sóc tôi như một đứa con. “Con phải nghĩ đến tương lai sau này, cô nghĩ cha con ở phương xa cũng không muốn nhìn thấy con thế này. Dù thế nào con cũng phải đến lớp với cô. Chẳng lẽ con lại dễ dàng khuất phục số phận thế sao? ”. Từ “con”, đã từ lâu rồi tôi không được nghe một cách ngọt ngào như thế. Tôi khóc. Cô cũng khóc. Vì tôi mà cô đã tốn hao bao sức lực, bao nước mắt. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình ích kỉ và có lỗi với cô rất nhiều.

Chắc có lẽ mọi người không dễ gì lại tin trên đời có một người cô như thế. Ai lại đi xem một đứa học sinh mới gặp mặt, lại cứng đầu khó bảo là con của mình. Có chăng đó chỉ là câu chuyện cổ tích. Nhưng không, đó là sự thật vì đó là cô.

Lương tâm cắn rứt, tôi đến trường như một sự chuộc lỗi. Việc học cũng không còn như lúc xưa, đầu óc tôi là những mớ tơ vò. Tôi suy nghĩ chỉ học hết mười hai rồi nghỉ, chỉ với một mục đích duy nhất là không phụ tấm lòng của cô. Cô quan tâm đến học trò nhiều hơn những gì tôi nghĩ. Và có lẽ vì tôi là một học sinh cá biệt về hoàn cảnh nên sự quan tâm ấy càng đặc biệt hơn. Những giờ sinh hoạt, không buổi nào cô nhắc một chút đến vấn đề vượt lên nghịch cảnh, cô kể không ít những tấm gương đã chiến thắng số phận như thế nào. Những lúc ấy tôi bắt gặp ánh mắt cô cứ chăm chú về phía tôi như để dành riêng một tình cảm nào đó. Vậy mà tôi cứ lãng tránh nó bằng mọi cách. Tôi quay về phía khác hoặc tìm một câu chuyện để kể cho bạn bên cạnh nghe. Có ai lại vô tâm, vô tình đến không chấp nhận được như thế không? Vậy mà cô không trách, ngược lại còn ra sức vun đắp tình cảm cho tôi để mong tôi tìm được một niềm vui và phấn đấu hơn trong việc học.

Cô chủ nhiệm tôi dạy văn rất giỏi. Nói thật lòng mình, lúc đó tôi cũng rất ngưỡng mộ cô, và đôi lúc trong đầu thấy thấp thoáng cái ước mơ được trở thành một cô giáo dạy văn như cô. Nhưng, những tháng ngày khổ đau, buồn tủi đã vùi lấp dần cái mơ ước ấy. Tôi rất sợ cô đơn, vì những lúc tâm hồn bình lặng tôi lại nghĩ đến cô, bản thân muốn phấn đấu. Nhưng rồi hình ảnh người mẹ đi ngang đời tôi cũng xuất hiện. Sự mặc cảm tự ti không cho tôi hi vọng. Tâm hồn dằn vặt, tôi thật sự mệt mỏi.

 Khi cô biết tôi thích môn văn, cô bảo tôi đến nhà để cô kèm thêm, với lí do khả năng cảm thụ của tôi còn kém. Nhưng tôi biết cô muốn cho tôi được mở rộng kiến thức và để hai cô trò có nhiều thời gian tâm sự với nhau hơn. Những lời dạy của cô  giờ tôi xem như châm ngôn của cuộc sống. Có một lần cô cho tôi tìm hiểu tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải. Dù trong chương trình không có nhưng cô vẫn giảng và rút ra ý nghĩa của tác phẩm. Có những câu cô bắt tôi đọc mãi, đọc thuộc lòng và cảm nhận cho cô nghe. Ví như “Sự sống nảy sinh từ cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ sự gian khổ. Ở đời không có con đường cùng chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là con người phải có nghị lực để bước qua những ranh giới ấy”. Câu nói ấy đã thắm vào tim tôi tự lúc nào. Nó làm thức tỉnh một tâm hồn non dại. Và có lẽ nó sẽ theo tôi mãi mãi…

Tôi quyết định làm hồ sơ thi vào Sư phạm văn. Tôi cảm nhận được niềm vui của cô khi biết được ý định của người học trò mình đã dồn hết tâm huyết bấy lâu nay. Tôi thấy rất hối hận vì thái độ của mình trong suốt thời gian qua, tôi đã đánh mất rất nhiều tình cảm mà cô dành cho tôi. Tôi chỉ muốn bù đắp, suốt một tháng trời tôi lao vào học như điên như dại. Chỉ hi vọng giấc mơ thành hiện thực và cô sẽ cười nụ cười tự hào về tôi. Tình thương, trái tim và tấm lòng bao dung của cô đã cảm hóa một đứa học trò khó bảo như tôi. Cuộc sống này đã có một màu hồng, tôi đã biết hi vọng. Tôi cất vào một góc trái tim cái quá khứ đau buồn và đưa mắt nhìn về phía trước. Bởi nơi đó có một người cô, mà cũng là cha là mẹ đang vẫy chào chờ đợi nhìn thấy sự thành công của tôi.

Lần này thì tôi không làm cô thất vọng. Tôi vào đại học chuyên ngành Ngữ văn. Ngày nhận giấy báo vào trường, tôi chạy một mạch đến nhà cô. Cô ôm tôi vào lòng nức nở. Hơi thở đều đặn của cô truyền cho tôi sự ấm áp và cả sức mạnh để bước tiếp vào đời. Ba năm qua, tôi bắt mình phải sống đúng với những gì cô đã dạy. Tôi tự hứa với lòng sẽ không để cô thất vọng. Tôi không nói sẽ làm một bản sao của cô nhưng tôi sẽ cố gắng làm một người cô đúng nghĩa và đúng với những gì cô đã truyền gửi cho tôi.

Một mùa lễ nữa lại về. Xin gửi đến cô lời xin lỗi muộn màng, lời cảm ơn chân thành như của một đứa con đã làm mẹ phải khóc. Chúc cô sẽ luôn tỏa sáng như một vì tinh tú để mang những tia hi vọng đến với những ước mơ đang lạc bước… Học trò nhớ mãi về cô…!

MS 07 - BC:

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.