Tôi muốn đứng ngay trước mặt thầy để nói lời “Xin lỗi” và “Cám ơn”. Tuy nhiên, mong ước này bây giờ quá đỗi xa vời vì thầy tôi đang ở một bang xa xôi nào đó tận xứ Mỹ. Thầy tôi tên Quách Trí Tính, đi Mỹ đã hơn hai năm nay. Tôi bồn chồn biết bao vì đã mất hẳn tin tức của thầy. Tôi chỉ biết gom nhặt lại từng mảnh ký ức vụn vặt để không quên hình ảnh của một trong những người đã mở lối đưa tôi bay theo những ước mơ.
Năm 2001
Tôi vào lớp 6 trường trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu ở ven thị xã Châu Đốc. Tôi lập tức được bầu làm lớp trưởng. Không mấy vui mừng vì từ mẫu giáo đến tốt nghiệp cấp tiểu học tôi đều giữ chức vụ “tối cao” trong lớp. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại chú ý đến nhỏ lớp phó học tập. Hắn trắng trẻo, tròn trịa mà lùn liền. Nhưng không phải hình dáng bề ngoài này làm tôi chú ý đến hắn. Tôi bất giác nhớ ra lúc vừa chạy xe vào cổng trường đã bắt gặp bóng một người đàn ông trung niên đang chở hắn. Ông ta đeo kính dày, vẻ mặt trí thức nhưng lộ vẻ nghiêm trang. Từ nhỏ, tôi đã sống trong môi trường lao động nên ba mẹ tôi miệng mồm liếng thoắng không bao giờ trang bị lớp mặt nghiêm nghị như thế. Tôi nghĩ chắc ông này làm nghề nghiệp gì đó cao quý lắm.
Bắt tay vào năm học mới, tôi bị choáng ngợp bởi môi trường học tập xa lạ. Nào là tiết học, nào là mỗi môn đều có giáo viên hướng dẫn riêng. Tôi lại ê mặt với ba điểm môn Toán (vì là lớp trưởng nên “bị” mở màn tiên phong cho tiết mục trả bài đầu giờ). Càng đau đớn hơn khi hắn đạt tối đa mười điểm trọn vẹn. Vì sao? Tôi tìm ra nguyên nhân là do từ trước hắn đã được “gửi gắm”, còn đứa nhà quê như tôi không biết khái niệm học thêm là gì! Kết quả điều tra cho tôi biết thêm ba hắn là giáo viên một trường cấp ba cũng trong nội ô thị xã.
Năm 2002 và 2003
Tôi nhiều lần chạm mặt người đàn ông trung niên “mặt lạnh” ấy. Tôi không thích vẻ ngoài của ông tí nào. Vì bất chợt gặp ông đưa con gái đi học là đều như tôi gặp ông ấy trang bị cho mình một chiếc mặt nạ tuồng cổ. Dù không thích tên lớp phó học tập nhưng tôi hâm mộ tài văn chương của hắn ghê lắm. Tôi mê viết từ nhỏ mà không có khả năng nói hết được cái mình muốn nói. Ngược lại, bài văn nào trên lớp hắn cũng được điểm cao nhất. Tôi co ro trước vẻ mặt bình thản của hắn. Hắn giỏi mà không vênh váo.
Tôi lại vận dụng khả năng thám tử của mình và điều tra ra rằng ba hắn là giáo viên dạy Văn. Ôi! Tôi bật ngửa và quyết đoán rằng toàn bộ kết quả hắn gặt hái bây giờ là do một tay ba hắn – tức người đàn ông mặt lạnh – gieo trồng. Và thay vì không phục hắn nữa tôi đâm ra không thích bộ mặt trang nghiêm của người đàn ông kia hơn. Lúc đó, tôi chỉ ao ước một điều là sẽ không bao giờ thi vô trường ông ta giảng dạy. Tôi “ghét” ông ta biết bao. Nhưng có lẽ điều đó đã làm cho tôi ăn năn mãi, không phải đến giây phút này mà chắc mãi mãi về sau. Bởi vì ông “mặt lạnh” là một người thầy rất mực có trách nhiệm với nghề, yêu thương học sinh đặc biệt dốc lòng kềm cập tôi đạt được mơ ước.
Năm 2004
Tôi vào lớp 9. Không nhớ vì lý do gì tôi bị “phế truất” khỏi chức vụ “tối cao”. Và không ai khác chính tên trắng trẻo, tròn trịa kia lại thay thế chức lớp trưởng của tôi. “À à! Không ai khác, vì ba nhà mi gởi gắm thôi chứ gì! Mi có giỏi thì cứ làm hơn ta xem nào!” – nhiều lần tôi vô cớ trách “người không quen biết” đã đỡ đầu con gái mình, để hắn giật chức vụ của tôi. Tôi nhớ mãi gương mặt trang nghiêm ấy dù chưa học hỏi hay nói chuyện một câu nào với ông ta.
Cuối lớp 9, tôi đi thi tốt nghiệp. Tôi còn nhớ cái khoảnh khắc trong veo ấy đến tận bây giờ. Tôi ra khỏi trường thi và thấy người đàn ông ấy vừa thắng xe chờ tên tròn trịa. Tự dưng, tôi lại đứng ngây ra đấy vì bắt gặp ông ấy đang nhìn chằm chằm vào tôi. Chỉ khi con gái gọi ba ông ấy mới giật mình. Thấy tên tròn trịa cười tươi nhảy chân sáo ông nhoẻn cười hỏi
- Làm bài tốt không con gái?
Sao lúc ấy (dù không phải ông nói chuyện với tôi) nhưng tôi cứ cảm giác có cái gì ngọt ngào đang xâm chiếm cơ thể mình. Đáy mắt ông long lanh nhìn con trìu mến. Mặt ông giãn ra thay cho vẻ nghiêm nghị thường ngày. Khi ấy, tôi nhận ra ông thật trẻ trung, điển trai và gần gũi biết dường nào – dù tôi chưa gật đầu chào hỏi ông ấy bao giờ.
Năm 2005
Tôi đỗ vào trường công lập danh tiếng nhất của thị xã – trường Thủ Khoa Nghĩa. Tôi gặp người đàn ông ngày nào thường xuyên hơn. Tôi đã không còn ác cảm với ông như trước nữa. Tôi học văn là do vợ ông dạy. Có nhiều tiết, vì cô bận hay có việc riêng nên ông đã lên lớp dạy thay những giờ ấy. Từ lúc đó, tôi đã bắt đầu gọi ông bằng thầy.
Năm 2006
Tôi được tuyển vào đội bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, được thầy cô trui rèn chuẩn bị cho năm 12 tham gia thi thố. Thầy Tính là người chuyên trách phần thơ ca. Tôi được tiếp xúc với thầy nhiều hơn, trong những giờ học, giờ ngoại khóa cả lúc sinh hoạt hay những khi tâm sự đời thường của thầy trò. Trên lớp, thầy nhiệt tình giảng dạy. Từng bài thơ Xuân Diệu tôi nhớ rõ mồn một. Thầy gấp gáp, cuống quýt như chính Xuân Diệu đang truyền không khí “Vội vàng” cho chúng tôi vậy. Nhờ thế, những ký ức khắc sâu với thầy càng lúc càng đậm nét.
Trong đội bồi dưỡng tôi lại gặp con bé tròn trịa ngày nào. Hắn cũng cùng đội thi với tôi. Ngày đầu tiên gặp hắn trong đội, tôi từng nghĩ xấu rằng ắt hẳn thầy sẽ ưu ái cho con mình nhiều. Và hắn sẽ có tài liệu nhiều, kiến thức nhiều, cả bí kiếp thi cử cũng nhiều hơn. Vì vậy, lần thi này hắn đoạt thủ khoa là cái chắc. Mấy ý nghĩ không tốt ấy cứ bám riết lấy tôi trong thời gian dài. Lúc đầu, nó làm tôi không tin tưởng mấy về người thầy của mình. Nhưng tôi lầm to và thấy xấu hổ với thầy quá! Ngược lại những suy nghĩ của tôi là thái độ nhiệt thành của thầy với tất cả học sinh trong đội bồi dưỡng. Thầy cung cấp tài liệu nhiều đến mức chúng tôi học theo không kịp.
Ngày xưa, tôi học phổ thông nên không biết tìm sách trên thư viện tham khảo. Tôi nhớ đến ngày thầy dạy thơ văn Nguyễn Trãi, thầy một mình khệ nệ bưng cả chồng sách to đưa cho chúng tôi. Mỗi bạn được phát một quyển mỏng. Riêng tôi thầy cầm quyển sách Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi dày cộm bảo rằng tôi chăm chỉ lại đọc sách nhanh nhất nhóm nên thầy chọn riêng cho tôi để nâng cao kiến thức. Từ đó, tôi thấy sự quan tâm đặc biệt thầy dành cho tôi. Sau này, nghe tên tròn trịa bảo “Ba nói, ông có khiếu nhất nhóm nên phải dạy cho ông khác cách dạy cho mấy đứa tui. Ba còn nói chỉ ông là có khả năng đậu thôi, nên ba sẽ ráng hết sức bồi dưỡng cho ông. Ba thương ông lắm vì ông siêng năng, chịu khó.”
Thầy đã thương yêu tôi như thế đấy. Thầy dành cho tôi những điều đặc biệt nhất mà tôi thì chưa tin yêu thầy bao giờ. Tôi thấy ngày trước mình ngô nghê biết bao nhiêu. Ý nghĩ trẻ con cứ mặc định tôi nghĩ về thầy không tốt. Tôi thấy có lỗi với thầy nhiều không kể xiết khi tên tròn trịa nói những câu vừa rồi.
Năm 2007
Thầy dẫn đoàn chúng tôi tiến về thành phố Long Xuyên hoa lệ để dự thi. Thầy cười hiền và bảo “Thắng thua không quan trọng, cứ hết sức chiến thắng bản thân là mấy em đã thành công rồi!”. Tôi lo lắm vì tôi biết thầy tin tưởng tôi rất nhiều. Ngoài nhiệt tình truyền dạy kiến thức đến phút “ra trận” thầy cũng sát cánh bên vai cùng chúng tôi. Tôi đã kính trọng và thầm cám ơn thầy.
Thầy báo tin đậu trước tiên cho tôi. Thầy bảo tôi được lọt tiếp vô vòng hai. Thầy hài lòng lắm dù trong đội tôi không đoạt được thứ hạng cao nhất. Tôi lại ngỡ tưởng thầy đã nhìn lầm khả năng của tôi rồi. Rồi từ đây thầy sẽ mặc tôi tự phấn đấu, thầy sẽ “o” cho bạn đậu cao nhất. Sai lầm lại nối tiếp sai lầm. Vì thế tôi muốn nói xin thầy tha lỗi biết bao. Thầy vẫn tiếp tục trao đổi với tôi sâu hơn về những vấn đề đã được thảo luận. Thầy hay cho tôi bài tập riêng và chỉnh sửa cho tôi trong những giờ ra chơi. Tôi được nạp nhiều năng lượng hơn – kiến thức, tự tin hơn hết là thấu hiểu trái tim đầy nhiệt huyết của thầy. Đội tuyển còn sót lại hai “con gà” trội vào vòng về đích. Con gái thầy bị loại nhưng thầy vui mừng vì tôi là một trong hai con gà chiến thắng đó.
Tôi rớt ở vòng về đích, thiếu 1 điểm duy nhất – thầy nói với tôi như vậy. Tôi muốn khóc không phải vì tôi rớt mà tôi đã đánh mất sự kỳ vọng của thầy. Lần này, nụ cười trên môi thầy ngọt ngào hơn lần trước nữa. Tôi bỗng hoang mang. Tôi không biết thầy đã hài lòng vì sự cố gắng hết mình của tôi, vòng tròn thâm quầng quanh mắt tôi là bằng chứng.
Từ ngày đó,
Tôi rời xa ngôi trường mến yêu mang theo ký ức về người thầy đáng kính ấy. Tôi buồn khi biết tin thầy sẽ cùng gia đình bay về Mỹ sinh sống. Tôi sẽ không còn dịp mỗi năm đến ngày 20 tháng 11 được trở về trường xưa và nhìn lại thầy. Tôi biết vài thông tin về thầy những ngày cuối trước khi xuất cảnh qua lời kể của đứa em. Tôi tiếc vì bận quá đã không về gặp thầy khi ấy. Tôi có điện thoại, chắc thầy nghe giọng bùi ngùi nên an ủi tôi. Thầy nói một ngày không xa sẽ trở về mà. Nhưng biết đến bao giờ, tôi không trông mong, hy vọng nổi. Em tôi bảo trước ngày đi, trông thầy gầy sọp hẳn đi. Có lẽ thầy bận chạy thủ tục mà thầy buồn nhiều hơn. Thầy tôi là một người dễ rung cảm, thầy tâm trạng và hay xúc cảm lắm. Huống hồ những ngày sắp rời xa quê hương.
Thầy ở bang xa xôi nào đó nơi xứ người. Thầy mail cho tôi rằng thầy nhớ quê, nhớ trường, nhớ bạn bè cũ và lũ học sinh ngoan hiền của thầy ngày xưa. Thầy nói ở đây cũng vui nhưng thầy không được làm thầy giáo ở xứ Mỹ. Thầy nhớ lắm da diết những câu Kiều, những bài thơ, lời văn, nhớ lúc say sưa đứng trên bục giảng. Bây giờ thì hết rồi. Thầy tôi nói thầy sẽ trở thành một người cào tuyết khi mùa đông đến - chỉ thế thôi. Sáng sáng thầy dậy sớm hơ tay bên lò sưởi rồi thầy đi ủng cao, quấn khăn len, trùm kín đầu và cào tuyết trước nhà một ai đó. Tôi đọc mail – ngậm ngùi. Tôi nghĩ ở Việt Nam chắc thầy hạnh phúc hơn.
Bây giờ,
Tôi không liên lạc được với thầy nữa. Tôi không thể điện thoại sang Mỹ vì vừa không có số vừa không có tiền. Mà mail thì thầy bỗng dưng biến mất. Tôi nhớ thầy tôi, sống mũi cao, giọng trầm ấm. Người tiếp thêm sức mạnh văn chương để tôi bùng cháy. Thầy đã cho tôi con đường đến gần hơn với nghề trồng người.
Bây giờ, tôi mong mỏi một dòng tin tức biết bao. Thầy đang đọc thư tôi hay thầy đang đi cào tuyết ở một nơi nào. Tôi chưa xin lỗi vì những ý nghĩ ngu ngơ ngày trước cũng chưa cảm ơn khi thăm hỏi thầy. Có những lời đơn giản thế mà bây giờ tôi muốn nói với một người thầy từng dạy dỗ tôi lại không được. Ngoài việc luôn cầu chúc thầy và gia đình bình yên thì thật sự tôi không biết phải làm thế nào hơn nữa. Thế nên, tôi muốn gởi thông điệp cho những người đã, đang và sẽ đi học nếu có điều gì ấp ủ trong lòng mà chưa dám nói thì hãy dũng cảm thú nhận để không phải nuối tiếc như tôi.
MS 10 - BC
Viết lời bình