- Chú út ơi, đưa con đi học nha!
- Con chuẩn bị đi, rồi chú chở đi học!

Đợt này được nghỉ phép, nó định về nhà sẽ đi chơi một bữa cho ra trò, vừa chuẩn bị đi thì bị thằng cháu nhờ chở đi học. Nó vui vẻ nhận lời vì từ nhà tới trường đâu có bao xa, chắc sẽ không tốn nhiều thời gian đâu. Ngôi trường tiểu học nằm khuất sâu trong đường làng nhưng chính nơi đây đã nuôi dạy bao nhiêu thế hệ thành nhân, trong đó có nó. Vừa chở đứa cháu tới trường, nó quay đầu xe để đi cho kịp giờ hẹn với những đứa bạn, vừa đạp xe bỗng nghe tiếng một người phụ nữ: “con đừng sợ, để cô dẫn con vào học nha!”, thì ra là một cô giáo đang khuyên bảo một đứa bé vào học. Có một cảm giác rất lạ trong nó, cảm giác này rất khó chịu. Câu nói rất quen thuộc, hình như nó đã được nghe ở đâu rất lâu rồi. Nó chợt nhận ra cậu bé này rất giống mình lúc nhỏ, đầu nó trống rỗng, dường như nó đã được ai đó khuyên bảo như thế này khi nó mới đi học, những ký ức lúc ẩn, lúc hiện đua nhau ùa về trong đầu, nó nhớ lại cái ngày đầu tiên đi học.

Ngày đầu tiên vào lớp mọi thứ đều bỡ ngỡ và lạ lẫm đối với nó, nó ôm chặt mẹ không rời, nhìn những đứa trẻ khác đang chạy đùa trong sân trường nó cảm thấy lạc lõng. Trong đầu óc non nớt của nó lúc này rất sợ hãi và nó muồn về nhà, không muốn đi học nữa. Một bàn tay ấm áp đặt lên vai nó “con đừng sợ, để cô dẫn con vào học nha”. Nó nhận ra đó chính là cô giáo dạy trong trường. Nhìn vẻ mặt hiền từ và giọng nói êm dịu của cô giáo, nó tưởng như người quen rất lâu rồi. Nó nắm lấy tay cô giáo mà bước vào lớp trong sự vui mừng của mẹ…và thế là nó đã vào lớp một.

Vốn là một đứa trẻ rụt rè, nhút nhát cho nên nó chẳng chịu vui đùa, nói chuyện với ai, cứ ngồi lì một chỗ chẳng bù với những đứa trẻ hiếu động khác trong lớp. Tự dưng nó cảm thấy hụt hẫng, đôi mắt nó rưng rưng khi nhìn xung quanh mà không thấy mẹ. Biết được tâm trạng của nó nên cô giáo bước tới gần, ngồi cạnh nó hỏi chuyện: “con tên gì nè? con nhớ mẹ hả? sao con không ra chơi với mấy bạn?”, những câu hỏi ân cần của cô khiến nó quên đi sự sợ hãi. Cô trò chuyện với nó trong suốt giờ ra chơi. Từ lúc đó, nó cảm thấy bớt sợ, bớt run hơn khi mỗi lần trông thấy cô, nó quý cô lắm. Khi về nhà nó vui mừng kể lại những điều xảy ra trên lớp với ba mẹ, có lẽ bây giờ nó đã có hứng thú đi học.

Sau một thời gian đến lớp nó đã biết hát, biết vẽ và chập chững viết những chữ cái lên bảng. Nó vui mừng vì điều đó và không quên lời cám ơn cô vì chính cô giáo đã dạy nó hát, vẽ và cầm tay nó viết từng nét chữ trong suốt thời gian qua. Cô dạy cho nó biết thương yêu cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi, đi thưa về hỏi và năm điều Bác Hồ dạy…Cô giáo đã trở thành người nó ngưỡng mộ nhất, vì thế đi tới đâu nó cũng luôn miệng nhắc đến “cô giáo em”.

Khoảng thời gian sau nữa nó không còn nhút nhát mà trở nên hiếu động, có lẽ đó là hiệu quả của những trò chơi tập thể và những bài học làm quen mà cô giáo đã dạy cho nó và các bạn. Giờ đây nó đã trở thành lớp trưởng, mọi việc quản trò, giữ trật tự và xếp hàng vào lớp nó đều làm rất tốt, cô giáo thường xuyên động viên, khen thưởng nó trước tập thể lớp, trong đầu óc trẻ thơ của nó lúc đó đã xem cô là người mẹ hiền thứ hai của mình vì thế mỗi lần nghỉ học là nó lại nhớ cô da diết.

Lần này đi cắm trại với lớp, vì đùa giỡn quá trớn nên nó té nhào ra đất, đầu nó bị chảy máu, nó đau lắm, nó khóc thật to. Nghe tiếng khóc, cô vội chạy ra xem thì thấy nó đang lăn lộn dưới đất, cô chạy tới ôm nó vào lòng vỗ về “nín đi con, chút sẽ hết đau nha con, nín đi”. Tựa như cảm giác của mẹ, nó cũng ôm ghì lấy cô, thấy nó đau quá nên cô đưa nó về tới tận nhà. Trên đường về nhà, cô kể cho nó biết bao nhiêu là chuyện cười, chuyện vui, về tới nhà nó chẳng chịu rời cô, nó muốn cô vào nhà chơi với nó, mẹ nó năn nỉ mãi nó mới chịu để cô về.

Ngày nhà giáo Việt Nam năm đó, mọi người ai nấy đều hớn hở chuẩn bị một món quà nhỏ để tặng cô giáo thân yêu của mình, nó cũng vậy. Bất ngờ hơn, tại buổi lễ nó cũng chuẩn bị một món quà tinh thần để tặng cô, nó xin phép được hát bài hát “cô giáo em”. Mọi người im lặng nghe nó hát, tiếng hát trong trẻo và non nớt của nó khiến cô phải rưng rưng nước mắt. Vì bởi lẽ cô không tin là nó đang học lớp một, một đứa bé chỉ mới vài tuổi đầu mà đã biết nghĩ cho người khác, biết bộc lộ cảm xúc rất chân thật điều đó làm cho cô cảm động. Cuối giờ, cô giáo và cả lớp ngồi sinh hoạt vui vẻ bên nhau, nó ngồi cạnh cô và luôn nở nụ cười tươi vì nó nghĩ cô sẽ vui với món quà của nó.

Bằng sự tận tình dạy bảo của cô giáo và sự nỗ lực của nó nên cuối năm nó đạt danh hiệu học sinh giỏi, cha mẹ nó rất hài lòng và luôn khen ngợi. Ngày tổng kết cuối năm cũng là ngày chia tay của nó và cả lớp với cô giáo thương yêu. Gia đình cô chuyển định cư tại TP. HCM, cô cũng phải chuyển công tác lên đó. Trước khi đi, cô ân cần dặn dò, khích lệ cả lớp nhất là nó: “phải học thật giỏi, vâng lời cha mẹ, chăm ngoan,…”, bất chợt cô quay mặt vào tường, có lẽ cô đang khóc vì không nỡ xa đám học trò nhỏ dại của mình. Trong tư tưởng của những đứa trẻ như nó lúc đó có hiểu sự chia tay là gì đâu, chúng nó cứ nghĩ cô giáo đi rồi sẽ lại về nên cứ vui vẻ tiễn cô đi, nó cũng vậy. Nó không biết là cô sẽ đi thật xa và sẽ rất lâu lắm mới có dịp về, nó còn dặn cô giáo đi rồi vài bữa mua quà về cho nó.

Thế rồi một tuần, hai tuần, rồi một năm không thấy cô về dạy cho nó học, nó buồn lắm, nó luôn hỏi mẹ là cô đi đâu, chừng nào về. Mẹ nó nói phớt lờ để nó an tâm học hành “con cố gắng học hành cho giỏi rồi cô sẽ về dạy cho con”. Nó cứ đinh ninh đó là sự thật mãi khi đến năm lớp sáu nó mới hiểu ra cô đã đi xa và rất khó có dịp để gặp lại cô.

Thời gian trôi nhanh, thắm thoát đã mười mấy năm trôi qua, hiện tại nó là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học An Giang. Công việc bận rộn và lịch học kín mít đã khiến nó không còn tâm trạng để nghĩ đến việc khác. Vì thế hình bóng và những kỷ niệm về cô giáo lớp một dần lãng quên trong nó. Hôm nay nhìn thấy những đứa trẻ ngây ngô và những cô giáo mới, nó bỗng sực nhớ đến những kỷ niệm của nó và cô, ký ức xưa dần dần hiện về.

Phải chăng bây giờ cô đã có thêm nhiều học trò mới và đang sống hạnh phúc cùng gia đình. Nhưng dù cô ở nơi đâu thì nó vẫn sẽ nhớ mãi cô, nhớ cái thuở trẻ con thơ dại của mình và nó luôn cầu chúc cho cô sẽ gặp được nhiều niềm vui và những điều may mắn. Nó gọi điện thoại hủy cuộc đi chơi với đám bạn, nó ngồi dưới ghế đá sân trường đợi đứa cháu tan trường về, nó đắm chìm trong những ký ức êm đẹp, nó lẩm nhẩm lại bài hát nó đã từng hát lúc nhỏ: “cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh…”

MS 14 - BC

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.