Một ngày cuối mùa thu, tôi có dịp về thăm lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn mà hơn hai mươi năm về trước tôi bước ra đi không hẹn ngày trở lại. Ấy thế mà cũng đã ngần ấy thời gian, mọi chuyện trôi qua vùn vụt trước mắt, biết bao nhiêu điều thay đổi. Thú thật nếu không có những thâm tình kỷ niệm ngày nào thì đố mà có nhìn ra được.
Sự vật hiện ra trước mắt với những nỗi niềm man mác. Con đường đất đỏ ngày nào hai buổi đến trường giờ đã đổi thành con đường nhựa thẳng tắp, vi vu những chiếc xe bon bon. Những ngôi nhà ngói đỏ tường vôi của thời đại mới đã thế chổ những túp lều tranh xiêu vẹo, vẫn thường run sợ trước những cơn bão đầu mùa. Đâu đó mấy dây bìm bìm, vắt sủ bò lan trên mặt đất, chồng chéo vào nhau như gợi về những ngày xưa cũ. Ngỡ ngàng, đôi dòng nước mắt tôi rơi khẽ trên những nỗi niềm buồn vui lẫn lộn. Quê hương ?
Cái nắng chang chang rót vào lòng phố nhỏ những giọt vừa chua lại vừa rát. Đội nắng, tôi lang thang tìm một vài cái tên mà mình còn lưu được trong trí nhớ, những cái tên thân quen mà có lẽ tôi không bao giờ quên được. Bác bảy Na, nhà sát vách ngày xưa giờ không còn nữa, những người gần đó nói lại một cách hững hờ là nghe đâu gia đình bác cũng bỏ quê để về tận miệt Năm Căn. Bà năm Bún Cá thì đã già lắm rồi, bà chỉ còn nhớ cái tên Thịnh nghe quen quen, chứ không tài nào còn nhớ được mặt. Những cô bác khác người còn, người mất nhưng cũng không mấy người nhận ra được cái dáng dấp của ngày xưa. Đến cả cô Út mà hai mươi năm trước vẫn cùng nhau chơi nhà chòi giờ cũng đã tay bế tay bồng. Hỏi về chuyện cũ, cô cũng chỉ nhìn tôi mà cười. Tôi khẽ thở dài,thôi thì cũng qua rồi cái thời ngày xưa ấy.
Tôi tìm đến một căn nhà không số, nằm giữa hai con đường nhỏ, dẫn vào cánh đồng làng. Đứng trước cửa nhà, tôi chợt sững sờ khi thấy nó vẫn vậy. Vẫn cánh cổng hoa giấy thân thương rải đầy những cánh tơi tả trước sân nhà, mái ngói cũ rêu phủ xanh mờ mấy lớp men nâu. Trong nhà im phăng phắc, đến nỗi có thể nghe thấy từng giọt nước máy rơi bõm vào lu. Tôi lên tiếng gọi, một tiếng gọi mà tôi khao khát biết bao lâu nay nhưng chưa bao giờ có lần thực hiện.
- - Cô ơi!.....
Sự im lặng kéo dài đến nghẹn lại trong cô tịch. Tôi chờ mãi,chờ mãi, vừa định gọi thêm một tiếng nữa thì có một đứa bé chạy ra. Ánh mắt ngây thơ của nó, tôi trông mới thân thuộc làm sao. Dường như ánh mắt của hai mươi năm trước vọng về từ tiềm thức xa xôi vậy. Một người phụ nữ nữa bước ra theo sau đó. Tôi nhận ra ngay chị. Chị không có gì thay đổi sau những năm tháng dài, duy chỉ có những tội lỗi của thời gian đang hằn sâu trên khóe mắt.
- Chị Thanh phải không?
- - Dạ đúng! Tôi là Thanh. Chú là ai vậy ?
Tôi như muốn bật khóc sau câu nói của chị.
- - Em nè chị!... Thịnh nè...
Chị suy nghĩ hồi lâu như lục lại trong tìm thức những hình ảnh ngày xưa, rồi nhìn tôi mà không thốt nên lời.
- Chú.... Thịnh.... học... trò... của... mẹ.
Trời ơi! Chưa bao giờ như lúc này. Tôi nghe như tự đáy tim mình vỡ ra thành hàng ngàn mảnh, rơi xuống tận đáy vực sâu của ký ức. Có phải chăng đó là sự thật, tôi không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Người đàn bà đứng trước mặt tôi bủn rủn tay chân, chị không còn kịp ngăn dòng nước mắt nghẹn ngào, chua xót. Những giọt nước mắt ngắn dài cứ thế chảy mãi trên đôi gò má. Chị ơi!...
Chị đưa tôi vào nhà, ngôi nhà mà dù ở bất cứ nơi nào tôi cũng không bao giờ quên được. Tôi đưa mắt rảo quanh những ngóc ngách quen thuộc như dò hỏi chị. Chị nhận ra ngay điều đó như chính cái giác quan thứ sáu của người đàn bà mách bảo. Chị chỉ tay vào phía góc bên của ngôi nhà, bên cạnh cái tủ phê lớn. Tôi nhìn theo tay chị mà không kìm được dòng xúc động, nước mắt cứ trào ra thành từng dòng chảy mãi giữa lòng người buốt nhói. Quá khứ hiện về chan chứa khắp nơi...
...Trời tháng tư nắng đổ. Cái nắng kéo lê những bước chân của mấy đứa trẻ làng. Chưa bao giờ đến lớp lại khổ như vậy. Vừa đói, vừa nóng nó cũng lững đững đến trường như bao ngày. Nhưng nó đâu biết rằng ngày hôm đó là một ngày định mệnh trong suốt cuộc đời của nó...
... Tiếng súng nổ ì đùng... Nó hoảng loạn.. Nó không còn biết gì nữa. Mọi người chạy, nó cũng chạy. Cả một góc trời mịt mùng trong tiếng khói đạn. Ra đến con đường lớn, nó kinh hoàng hòa vào dòng người đang đổ xô nhau... Bản năng thúc giục nó chạy... nhưng không còn nổi nữa rồi.. kiệt sức nó ngã xuống đường. Nhưng không. Chính lúc đó nó nhận ra ngay được một cánh tay đang cố bế nó chạy. Cô Tâm chứ không phải một ai khác. Khuôn mặt cô cũng hoảng sợ, mồ hôi chảy dài trên vầng trán cô. Mái tóc cô rối lại vì mệt.... Một tiếng nổ lớn vang dậy, nó thấy người ta nằm ngã lăn ra đất. Đạn bắn như mưa, một viên đạn trúng ngay vào chân cô, máu chảy thấm ướt cái áo dài bạc phếch. Cô quỵ xuống bên cạnh những xác người. Nó cũng ngất đi trong vòng tay cô vẫn còn hơi ấm...
... Nó tỉnh lại bên cạnh cô trong nhà thương quân đội. Nó còn sống. Cô cũng vậy. Hai cô trò nằm sát bên nhau mà nỗi hoảng sợ vẫn còn in hằn trên đôi mắt ... thật kinh hoàng...
Theo mấy chú bộ đội, cô và nó về lại làng. Những người thân của nó giờ đâu mất, mái nhà nó giờ còn lại mấy cây cột cháy đen, với những mớ tro bay lộn xộn. Cô dắt nó về nhà má cô bên kia cánh đồng sống tạm. Còn vết thương ở chân cô, cứ mỗi đêm lạnh lại nhức nhối đến vô cùng....
Chồng cô cũng không còn sau ngày hôm đó. Thầy đã ngã xuống trên cánh đồng làng khi đang giao chiến với bọn giặc. Chỉ còn cô với đứa con gái, người mà ngay bây giờ tôi đang gọi là chị Thanh. Những ngày tháng đó cô vừa đi dạy vừa nuôi hai đứa con. Đồng lương ít ỏi của một cô giáo làng chỉ đủ để trang trải một phần nào rất nhỏ của cuộc sống. Những ngày khó khăn đó, có đôi lúc trong nhà không còn một hạt gạo, ba mẹ con phải ra ruộng bắt ốc, hái rau về ăn cho qua cơn đói. Chính trong khoảng thời gian này đã cho tôi những ký ức, mà đến bây giờ tôi mới biết được thế nào là: "Vừa là cô lại vừa là mẹ...."
Tôi chợt nghĩ, Cái thân này cũng do cô lượm lại giữa trời bom đạn. Cái chữ này cũng do cô ban cho trong suốt những ngày gian khó. Vậy mà ngày ba mẹ trở về đón tôi, tôi cũng ra đi cho đành lòng. Biết nói làm sao, tiếng khóc cho cô giờ đã quá muộn màng. Tôi ngước trông ra xa, những làn khói trắng miên man, lãng đãng trong sương chiều như mang về đây một bóng hình thân thuộc. Là cô chăng?
Tôi thắp một nén nhang lên bàn thờ cô. Hương khói bay đi như những nỗi niềm chôn giấu. Hai mươi năm rồi, trong đầu tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó. Hình ảnh một cô giáo làng bồng trên tay đứa học trò quê chạy hàng mấy cây số và ngã gục giữa những xác người. Ngước nhìn vào di ảnh cô, tôi thầm cám ơn tạo hóa, cám ơn cô đã cho tôi một cuộc đời thứ hai này...
MS 03-TR
Viết lời bình