Những kí ức về cô tôi không còn nhớ nhiều nữa, vì đã tám năm rồi còn gì. Khi rảnh rỗi tôi hay ngồi trầm ngâm một mình, rồi lục đục tìm mớ kỉ niệm của thời áo trắng ra xem. Nào là cuốn cuốn lưu bút đã nhòe vàng, xấp hình dày cộm, hay mấy tấm thiệp chúc mừng sinh nhật, chúc Tết, Noel… do bạn bè tặng. Nhưng chẳng có bức ảnh nào có cô, cũng không có thứ gì đặc biệt liên quan đến khoảng thời gian của tám năm về trước, duy chỉ có cái băng rôn bé tí rất dễ thương mang dòng chữ “Congratulations” của nhỏ Huỳnh tặng tôi khi học kì đầu tôi được học sinh giỏi. Lúc xem, tôi cứ cười hoài, theo sau đó là những chuỗi ngày học lớp sáu ùa về với bao kỉ niệm thân thương, hình ảnh cô thấp thoáng lướt qua tâm trí tôi, tôi cố nhớ, nhớ gương mặt cô, nhớ bộ áo dài cô hay mặc khi đến lớp và tôi lặng người đi khi ngày hôm ấy, ngày biết tin cô không còn dạy nữa, nỗi xót xa bất chợt quay về.

- Mẹ à! Người ta không cho mình học trường đó sao? -  giọng nó gấp gáp, như muốn xác định rõ điều mình chưa chắc chắn.

-  Ừ... Không học trường đó thì học trường khác có gì đâu con.

 Lúc này hai mắt nó đỏ hoe, nước mắt tuôn ra không ngớt.

- Vậy mà thầy Hải nói... điểm con cao như vậy, sẽ được vào học ở trường điểm.

- Thầy vừa gọi điện nói  trường chỉ nhận có mình bạn Cường vì bạn ấy là học sinh giỏi cấp thành phố. Thôi! Bỏ đi con học trường kia cũng được mà.

Mẹ nó cố gắng khuyên giải nó, cho nó chấp nhận. Nó vẫn không chịu, chạy ào vào phòng khóc cho một hơi. Khóc rồi cũng xong thôi. Học năm năm Tiểu học, đến khi thi tốt nghiệp, nó nghe nói ai mà điểm cao sẽ được vào học ở trường điểm. Nó gắng hết sức thi và nuôi bao hi vọng, vậy mà lúc đạt được thì thành ra vô ích. Theo thông lệ, học ở trường Tiểu học tại địa bàn này, sẽ tiếp tục học ở trường Trung học cơ sở tại địa bàn đó theo sự sắp xếp của nhà trường và địa phương. Ngày nó được mẹ chở đến trường, nó e dè biết bao nhiêu, cứ ôm mẹ khư khư đằng sau. Bước xuống xe nó đưa mắt xoay nhìn quang cảnh trước trường, mấy hàng nước, vài chiếc xe đẩy bánh mì, thức ăn chiên nằm san sát bên hai mé đường. Có mấy đứa bạn cũ gọi nó í ới, nó mừng rỡ và cùng tụi nó vào trường chơi, còn mẹ thì làm thủ tục nhập học ở văn phòng. Lúc này, nó mới có dịp nhìn thật kĩ ngôi trường. Sân trường cũng rất rộng rãi, có hai cây phượng to đùng, vỏ xù xì chắc lâu năm lắm.  Phía đằng kia gần chỗ nó đang đứng, có một bác đang cắm cúi tỉa cây kiểng, gương mặt lại chằng chịt những vết rỗ, thằng mập bạn nó bảo: "Ông bảo vệ đó, anh tao nói ổng không có nhà, ổng ở trường luôn từ khi xây cái trường này đó, ổng khó lắm, rất hay la học sinh". Nó nghe nói vậy cũng sờ sợ, mà né tránh không dám nhìn ông ta nữa. Cả trường chỉ có một dãy phòng học thôi, được bốn tầng, nó và tụi bạn hí hửng chạy lên lầu cao nhất nhìn xuống cho thỏa thích, nhìn như vậy rất thú vị, mọi thứ đều nhỏ bé dễ dàng thu hết vào tầm mắt. Xa xa chắc là bãi giữ xe,vì nó thấy có vài chiếc đậu ở đấy. Phía sau nữa, là căn tin với những tủ kiếng được đậy hờ lại và đặt trên chiếc bàn gỗ lớn, nhưng chưa ai bán gì cả, nó thầm nghĩ: "Tại nghỉ hè mà". Trông trường cũ kĩ lắm, rêu bám đầy dưới chân tường, bảng trường cũng lố nhố vết đen của thời gian.

 

          Mẹ nó bảo, hai ngày nữa sẽ vào nhập học. Qua sự tiếp xúc lần đầu nó thích ngôi trường này lắm và  mong sẽ được học chung lại với mấy đứa bạn cũ, giờ thì nó thật sự quên bẵng đi nỗi buồn lúc trước, mà phấn khởi chờ đến ngày được đi học. Lớp sáu rồi còn gì, lớn rồi chứ có còn bé bỏng như hồi còn Mẫu giáo, hay Tiểu học nữa đâu, nó hãnh diện vì điều ấy. Cứ mỗi lần mẹ chở nó đi học ngang qua trường cũ, nó lại vươn người, nhếch mắt nhìn tụi lớp dưới, tỏ vẻ tự đắc. Bước vào trường Trung học cơ sở với nhiều điều mới mẻ, từ việc được tiếp xúc với nhiều giáo viên ở từng môn, rồi đến mỗi buổi học chia làm nhiều tiết, thể dục sẽ học vào  buổi chiều thay vì học buổi sáng như ngày trước...  Đặc biệt, trong các môn ở thời khóa biểu, nó cảm thấy rất  thú vị với môn Sinh học. Hồi đó, khi nhìn vào lịch học tập của chị mình, nó thấy có hai từ "Sinh học", đọc na ná giống "xin học", nó cứ cười suốt. Bây giờ được học thật sự, nó hồi hộp náo nức chờ đến ngày có tiết môn ấy. Và điều nó hằng mong đợi cũng đã tới, không chỉ mình nó và cả lớp cũng hí hửng bàn tán, chờ đón giáo viên phụ trách. Bước và lớp là một giáo viên nữ, mái tóc cô được bới lại gọn gàng bằng chiếc kẹp tóc xinh xắn. Tụi bạn nó xì xầm thủ thỉ bên tai nóii: "Cô Đào đó, cô dạy anh tao lúc trước nè, cô hiền lắm".  Bỏ chiếc cặp  xuống ghế, cô nhoẻn một nụ cười trìu mến với lớp, sau đó cô bèn giới thiệu tên và phương pháp để học tốt môn Sinh - một môn học lạ lẫm với học sinh vừa chập chững  bước lên từ trường Tiểu học . Nó nhìn cô không thôi, cô rất thân thiện, hòa nhã nhưng  trông cô sức khỏe yếu sao ấy, dáng cô gầy, nước da ánh lên màu đỏ hồng không được mấy tự nhiên. Cô Đào giảng bài rất hay, lại hay ví dụ thực tế. Nó càng yêu môn học bao nhiêu, thì càng thích cô dạy bấy nhiêu. Nó quý từng tiết học, từng giây phút ở lớp, tiếc rằng mỗi tuần chỉ gặp cô có một lần và học có hai tiết, nó ước rằng thời gian ấy được kéo ra thật dài thì tốt biết bao. Nó thích nhất là các buổi thực hành, những công việc cô giao về nhà thực hiện. Với môn học này, đã mang đến cho nó  vô vàn  điều mới lạ, mà trước giờ nó chưa từng biết đến. Có lần cô bảo mỗi bạn chuẩn bị một củ tỏi tím cho buổi học tuần sau. Ai nấy đều cầm sẵn trên tay khi đến buổi học hôm ấy, thật bất ngờ khi cô đã dẫn ngay cả lớp xuống phòng thí nghiệm, để xem cấu trúc tế bào qua kính hiển vi. Nó ngạc nhiên vô cùng, vì  lúc trước có bao giờ biết được điều lạ kỳ này qua cái ống kính đặc biệt kia, từ đó mà niềm hứng thú khám phá dâng lên trong nó, nó yêu mọi thứ gì liên quan đến môn Sinh. Khi kết thúc buổi học tìm hiểu về màu sắc hoa, cô bèn dặn dò:

"Mỗi em hãy về mua một cành huệ, cắm thẳng vào trong nước có pha một ít bột gạch tôm, cứ đợi vài ngày sẽ có điều hay cho các em.

Khi về nhà, nó nài mẹ mua liền và nhanh chóng thực hiện, y như lời cô Đào nói, hoa dần dần chuyển sang màu đỏ rất đẹp, nó hí hửng xuống khoe với mẹ về điều kì diệu từ sự thay đổi lý thú này.

          Dạy được một khoảng thời gian, sức khỏe cô ngày càng sa sút, nó không hiểu sao lại như vậy, cô cứ ho không dứt khi đến lớp, vả lại cô hay bỏ tiết,những lúc như thế nó cảm thấy buồn vì không được nghe cô giảng bài. Ấy thế mà cô bảo sẽ vào lớp chấm điểm thành quả việc trồng giá từ đậu xanh đặt dưới bông gòn tẩm nước, thì đến ngày đó cô đã đến. Nó nhìn cô, dáng cô gầy hẳn, sắc mặt cô còn tệ hơn ngày trước, cô mặc chiếc áo len mỏng manh bên ngoài, chốc chốc cô lại quay nơi khác, tay cô ngăn lại từng cơn ho dữ dội. Nó lo cho cô nhiều lắm, mà chẳng biết  phải làm sao.  Sau hôm ấy, cô chẳng đến lớp nữa, nó càng buồn hơn,  trường đã phân công giáo viên khác thay thế, nó không còn hăng say học tập như khi lúc cô còn dạy nữa. Tụi bạn nói cô bệnh nặng lắm, nó bèn hỏi nhà cô và muốn tới thăm, thì có đứa chặn ngang: "Mày lại làm gì, nhà cô đóng cửa kín mít hà, không ai gặp được đâu". Vài ngày trôi qua, như thường lệ nó đến trường, cả không gian tràn ngập một màu ảm đạm, tiếng cười của mọi hôm mất hẳn, nó bắt gặp cô phụ trách đội đứng dựa lưng vào cửa khóc sụt sùi, cũng có mấy đứa chụm đầu vào nhau bưng mặt khóc, nó thấy bối rối và linh cảm điều gì không hay. Nhanh chân nó lại hỏi cô giữa xe, cô trả lời bằng giọng xót xa: "Cô Đào mất rồi em ơi, mới vừa tang xong chiều hôm qua". Nó  thấy choáng váng, lồng ngực nó như có ai đang đè nặng, nó không còn tin vào tai mình nữa. Đứng thừ một lúc lâu, nó buồn bã lững thững bước vào lớp, tụi bạn ngồi thành một vòng lớn, thấy vậy nó chen vào hỏi:

- Sao cô mất không ai nói với tao biết?

Thằng mập mạnh miệng, vừa nói vừa chỉ tay vào hai đứa ngồi cạnh nó:

- Ai biết mày ở đâu, chỉ có hai đứa này là gần nhà cô mới hay thôi.

Đứng nhìn ra ngoài,  nó tự  trách mình vô tâm hết sức, nó dằn vặt trong người lắm. Nó lại hỏi:

- Sao mà cô mất?

- Nghe nói bệnh Sida, mà chồng cô lây cho cô đó. Nhỏ này kể nè, lúc gặp cô hôm qua, cô ốm dữ lắm nằm còng queo trên chiếc giường trong nhà, không còn nhận ra cô nữa.

Nói đến đoạn này, nó đau xót biết chừng nào, nó nghĩ đến hình ảnh cô qua  lời thằng mập nói mà đột ngột chạy về chỗ mình ngồi, gục đầu xuống bàn như để không cho ai nhìn thấy. Nó cũng không biết lời thằng mập nói đúng không, vì có đứa nói cô mắc bệnh phổi, có đứa bảo cô bị ung thư. Cô đã ra đi thật sự, những bài giảng của cô, những buổi thực hành giờ chỉ còn là kí ức trong nó.

          Mỗi lần nghĩ về cô tôi lại bồi hồi xao động, tôi cố nhớ gương mặt cô, từng cử chỉ lúc giảng bài của cô, cả nụ cười trìu mến của ngày đầu gặp gỡ. Cô còn trẻ lắm, lại hăng say trong công tác giảng dạy, vậy mà số phận trớ trêu lại không cho cô tiếp tục chèo lái con thuyền đưa khách sang sông. Ngày "Nhà giáo Việt Nam" sắp đến, tôi muốn tỏ lòng biết ơn đối với những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Với tấm lòng tận tụy, ngày ngày chắp từng đôi cánh cho đàn em thân yêu, họ xứng đáng được tôn vinh một cách cao cả nhất.

MS12-TR

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.