Trong đêm tối, mọi người dường như đã chìm vào trong giấc ngủ, chỉ có nó vẫn lặng lẽ đi về sau những giờ tăng ca mệt mỏi. Nó đạp chiếc xe cũ kỹ của mình đi qua những ngõ hẹp của thành phố trở về căn nhà trọ dột nát mà nó đã tìm rất lâu mới đủ tiền thuê được. Về gần đến nhà, nó nhìn thấy những đứa trẻ nhặt rác vẫn còn lang thang trong đêm tối để tìm miếng ăn và chổ ngủ. Nó thương bọn trẻ, rồi nó thương cảnh đời của mình hơn. Nó nhớ lại những chuyện xưa kia. Bỗng nhiên nó nhớ lại người thấy giáo ngày nào đã từng dạy nó cùng với một bài học cuộc đời sâu sắc mà nó không thể nào quên được.

Vâng, nó chính là Tâm - một cậu học trò ở nông thôn từng được thầy Hùng chủ nhiệm, giờ phải nghỉ học vào thành phố khuân vác hàng cho người ta và phải thường xuyên tăng ca để kiếm tiền nuôi mẹ. Tâm thương thấy nhiều lắm! Cậu ước: giá mà ngày đó cậu nghe lời thầy sớm thì giờ này có lẽ cậu cũng vào một trường Đại học hay Cao đẳng để tiếp tục học rồi, chứ không phải như bây giờ khuân vác hàng với những đồng lương ít ỏi, không đủ để lo cho bản thân và người mẹ đang bệnh nằm ở nhà.

Ngày trước, Tâm là một cậu học trò nhà nghèo, thành tích học tập của cậu cũng không đến nổi tệ. Cậu rất ngoan và nghe lời mẹ. Cha cậu thì đã mất vì tai nạn xe từ khi cậu vừa vào lớp bốn. Mẹ cậu phải vất vả nuôi con. Tâm cũng chẳng có anh em gì cả. Những người họ hàng ở rất xa và cũng chẳng mấy khi qua lại. Hai mẹ con Tâm phải nương tựa vào nhau mà sống. Hằng ngày, bà phải thức dậy rất sớm nấu chè và gánh hàng đi bán xung quanh trường học và chợ xã. Dù ngày nắng hay ngày mưa bà vẫn đi bán vì bà hiểu một điều: nếu bà không làm thì lấy tiền đâu mà nuôi Tâm ăn học. Bà chắt chiu từng đồng bạc lẻ, ăn uống tiết kiệm để trang trải việc học cho Tâm. Bà mong cậu sau này sẽ không khổ như bà bây giờ. Tâm hiểu điều đó nên cậu quyết tâm học và thường xuyên giúp đỡ mẹ việc nhà. Đôi lúc cậu còn lén mẹ đi cắt cỏ mướn, phụ quán ăn cho vài người ở xóm để có tiền phụ mẹ phần nào. Đến lúc mẹ Tâm biết được, bà không đánh hay la gì cả, mà trái lại càng thương Tâm nhiều hơn. Hai mẹ con khi ấy chỉ biết ôm nhau mà khóc. Ôi niềm hạnh phúc nào bằng!

Nhưng rồi, mọi chuyện lại không thể nào ngờ trước được. Khi vào năm học 12, cuộc đời Tâm đã bắt đầu thay đổi. Có lẽ vì mẹ Tâm tuổi già sức yếu, phần vì Tâm quá thương mẹ bị bệnh, nên Tâm đã bắt đầu xao lãng việc học. Cậu đi tìm nhiều việc làm hơn để lo cho mẹ. Và cũng chính bắt đầu từ đây cậu bị kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo và chạm chân vào cạm bẫy của cuộc đời.

Còn về thầy Hùng - một thầy giáo dạy Lý hết mực thương yêu học trò, năm học này thầy chủ nhiệm lớp của Tâm. Thầy thì đã già, tuổi cũng ngoài 50, trên đôi tay cũng đã có những vết đồi mồi, nhưng giọng nói của thầy vẫn còn to, thanh và đầu óc thầy cũng còn sáng suốt lắm. Mỗi tiết học của thấy có thể xem là những giờ học thú vị nhất của lớp. Thấy thường sáng tạo những câu chuyên vui, sáng tạo những câu đố về bài học lẫn về cuộc sống để tiết học không cứng nhắc, tạo cảm giác thoải mái cho mọi học sinh. Thầy lại từng là tổ trưởng của bộ môn Lý nên kiến thức và kinh ngiệm giảng dạy của thầy rất sâu và rất lôi cuốn. Thầy khá vui tính nhưng lại hết sức nghiêm khắc. Thầy quan niệm với học trò của mình rằng: "Lúc nào học phải học hết mình, lúc nào chơi phải chơi hết sức". Những giờ học của thầy, nếu có bạn nào không thuộc bài là thầy cho chép bài phạt và phải đứng ở cửa lớp cho hết tiết, nếu còn tiếp tục vi phạm thì thầy sẽ phạt roi...Vì thế mà trong lớp ai ai cũng phải học bài  trước khi bước vào tiết học của thầy.

Chủ nhiệm lớp độ khoảng hai tháng, gần như thầy đã biết hết hoàn cảnh và nhà của từng học sinh. Biết được hoàn cảnh của Tâm, một cậu học trò mồ côi cha, sống chung với mẹ, phải làm thêm ngoài giờ học để lo cho mẹ bị bệnh, nên thầy đặc biệt quan tâm đến cậu. Thầy thường đến nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ Tâm, và kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ cho cậu. Hiểu được sự quan tâm đó và biết ơn thầy nên cậu cũng cố gắng học. Nhưng căn bệnh tim của mẹ cậu thì ngày càng nặng, số tiền mà mọi người giúp đỡ không đủ để lo thuốc thang cho bà nên cậu phải đi làm nhiều hơn và dần dần cậu cũng bỏ bê việc học. Biết con vất vả vì mình, mẹ Tâm đau khổ lắm. Nhiều lúc bà nghĩ sẽ chết khuất đi cho xong để cậu bớt vất vả, nhưng khi nghĩ lại: "Nếu bà mất đi, thì Tâm chỉ còn thui thủi một mình, và ai sẽ thay bà chăm sóc cho cậu (vì những người bà con xa có cũng như không),những lúc không bệnh bà vẫn có thể đỡ đần cho cậu phần nào, và hai mẹ con sẽ sớm hôm vui buồn có nhau...".Suy nghĩ thế, bà đành bấm lưng buộc bụng nhìn con trai mình ra ngoài xã hội kiếm tiền.

Ban ngày, những lúc rảnh rỗi Tâm phụ tiếp mấy người ở xóm, ai kêu gì thì cậu làm nấy. Tối đến, cậu thường cầm cọc vé số lang thang trên hè phố ở xã để bán và hay về nhà muộn. Những hôm bán không hết, cậu mang về nhà và để sáng bán tiếp. Bán được một thời gian, cậu giao du và kết bạn với một vài đứa đồng nghiệp. Tâm không thể nào ngờ trước được: đó lại là những đứa trẻ hư hỏng, nghiện ngập, chuyên dụ dỗ người khác để họ giống như mình. Quen được một thời gian, biết bọn chúng không tốt, cậu tính sẽ không giao du với chúng nữa, nhưng vì chúng có thể giúp cậu kiếm được thật nhiều tiền lo cho mẹ (mỗi chuyến đi giao hàng cho chúng cậu nhận được một khoảng thù lao lớn hơn gấp vài lần số tiền mà cậu bán cả đêm). Dù không biết túi hàng đó là thứ gì, nhưng với khoảng thù lao như vậy, cậu cũng đoán được là hàng cấm,... Tình cờ một lần, thầy Hùng về nhà trễ, thấy Tâm đi chung với bọn chúng, thầy khuyên Tâm đừng giao du với chúng nữa, đó là những đứa trẻ không tốt. Tâm ngoài mặt hứa với thầy, nhưng cậu vẫn còn tiếp tục qua lại với chúng. Nhiều lúc cậu không muốn làm nữa, nhưng vì mẹ bệnh nặng và cũng vì cậu đã bị bọn chúng làm cho nghiện nên cậu không thể nào từ bỏ được.

Lúc này, Tâm thường về nhà trễ hơn mọi khi. Về đến nhà, cậu không còn tâm trí để học bài. Cậu giấu mẹ chuyện của mình vì sợ bà lo lắng. Hằng ngày, cậu cũng thường đến lớp muộn. Vào lớp, cậu hay ngủ gật và ít chú ý đến bài giảng. Kết quả của cậu ở HKII sút kém hẳn. Trong khi đó, cậu còn phải thi tốt nghiệp và Đại học nữa. Nhưng dường như bây giờ cậu không còn quan tâm đến chuyện đó nữa. Trong đầu cậu chỉ có hai chuyện: làm thế nào để có tiền lo cho mẹ và thỏa mãn cơn nghiện của mình.

Nhưng rồi Tâm không thể tránh khỏi ánh mắt dị nghị và những lời bàn tán của mọi người, đặc biệt là ánh mắt tinh đời của thầy Hùng. Lúc đầu kết quả của Tâm hơi tệ, thầy chỉ phàn nàn, nhắc nhở, phê bình. Thầy cứ nghĩ: Tâm vì lo cho mẹ và làm việc quá sức nên mới như vậy. Nhưng qua những biểu hiện của cậu trong lớp và qua những lời kể của mẹ cậu khi cậu ở nhà, thầy cũng đoán được phần nào mọi chuyện nên thầy quyết định sẽ theo dõi hoạt động của cậu trong đêm. Đáng lẽ ra thầy không cần phải làm điều đó. Nhiệm vụ của thầy là dạy học, chăm sóc,giúp đỡ lớp...vậy là đủ rồi. Thế nhưng, đứng trên cương vị là một chủ nhiệm lớp, thầy Hùng không cho phép mình đứng ngoài cuộc bỏ mặc Tâm. Thầy cũng có thể nhờ lớp trưởng hay một ai đó làm việc này. Nhưng ai đủ bản lĩnh để thuyết phục Tâm, rồi có thể bạn đó sẽ bị băng nhóm của Tâm đập cho một trận. Vì thế thầy quyết định đi một mình.

          Tối hôm đó, thầy về nhà sớm, chuẩn bị mọi thứ đâu đó xong xuôi là thầy chạy ngay lại nhà Tâm và đợi cậu đi bán vé số như mọi hôm. Tâm không phát giác được sự theo dõi của thầy. Cậu vẫn cứ đi theo hướng cũ để bán vé số che mắt mọi người. Cậu đi đến ngôi nhà hoang trên con đường phía sau trường học, cách đó cũng gần 500m. Tâm gặp bọn chúng và nhận một gói hàng, rồi Tâm đi giao đúng địa điễm mà bọn chúng đã yêu cầu. Sau khi giao hàng xong cậu bán nốt mấy tờ vé số còn lại của mình, rồi về gặp bọn chúng nhận tiền thù lao cùng với một phần thưởng để thỏa mãn cơn nghiện của cậu. Thề rối Tâm trở về nhà. Trên đường về, Tâm gặp thầy. Thầy đã nói chuyện với cậu và khuyên rất nhiều nhưng cậu không chịu nghe. Cậu bảo thầy: "Thầy hãy về lo việc dạy học của mình đi. Thầy không cần lo cho tôi". Nếu là một người bình thường, chắc có lẽ nãy giờ Tâm đã đập cho một trận theo lối lưu manh mà cậu đã học được từ bọn chúng. Nhưng vì thầy có ơn với gia đình, nên Tâm không thể nào làm điều đó với thầy. Khuyên mãi mà Tâm vẫn không nghe, thầy đành trở vể nhà trong sự thất vọng. Thầy thầy mình phải tìm cách để giúp đỡ Tâm và không để cậu giao du với bọn ấy nữa. Về phần mẹ Tâm, cậu cũng không thể giấu được bà mãi. Cuối cùng bà cũng biết được chuyện. Bà vô cùng đau khổ khi biết Tâm vì bà mà ra thế này. Bà cũng khuyên con như những lời của thầy giáo Hùng. Vì thương mẹ nên cậu gật đầu và hứa đại cho qua chuyện để mẹ yên Tâm.

Rồi kỳ thi tốt nghiệp cũng đến, hành động của Tâm không mấy khả quan như mong ước của thầy và mẹ. Cậu thi rớt tốt nghiệp 12. Khi biết con mình vẫn còn làm việc cho bọn người xấu, căn bệnh tim của bà tái phát trầm trọng hơn, phải vào bệnh viện và có nguy cơ không qua khỏi. Mẹ Tâm nói: "Nếu con còn tiếp tục như vậy thì mẹ sẽ chết ngay cho con xem". Tâm thương mẹ nhiều lắm. Phần thì lúc này bọn lưu manh cũng đã bỏ đi vì làm ăn không được nữa. Tâm không còn cách nào khác ngoài việc trước tiên là lo cho mẹ. Cậu nghe theo lời khuyên của thầy. Thầy Hùng đã bỏ tiền túi của mình ra và kêu gọi mọi người để giúp đỡ cho cậu. Mẹ Tâm được một địa chỉ nhân đạo của thành phố giúp đỡ, bà qua được cơn hiểm nguy và sức khỏe của bà cũng đỡ hơn trước. Mốt người trong địa chỉ nhân đạo đó là bạn thân của thầy Hùng trước đây. Biết được hoàn cảnh của gia đình Tâm, người đó cho mẹ Tâm vào sống chung với những người già neo đơn để Tâm yên tâm mà đi cai nghiện sáu tháng.

Thời gian trôi qua nhanh như thổi, bây giờ Tâm đã hết nghiện và cậu muốn làm lại một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Tâm lên thành phố và nhận khuân vác hàng cho một xưởng may nhỏ. Cậu phải thường xuyên tăng ca cùng với công nhân. Tìm kiếm lắm, cuối cùng cậu cũng đã thuê được một ngôi nhà nhỏ, bị dột nát và cũ kỹ. Cậu đưa mẹ lên sống chung với mình. Hằng ngày, Tâm phải đi làm làm từ rất sớm để kịp giờ và trở về nhà khi trời đã muộn. Căn bệnh tim cứ đeo đẵng lấy mẹ của cậu. Những lúc bệnh không tái phát thì bà phụ Tâm việc nhà. Hai mẹ con sống rất vất vả, khổ cực vậy mà rất hạnh phúc.

Tâm thấy tiếc cho cuộc đời mình. Nếu nghe lời khuyên của thầy sớm thì giờ này có lẽ cậu cũng đã thi đậu tốt nghiệp và thi vào một trường Đại học hay Cao đẳng nào đó để thỏa ước mong của mẹ và khát khao lớn của mình rồi. Thế nhưng, mỗi người điều có một hoàn cảnh và cuộc sống riêng. Điều quan trọng là: sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta tự nhân ra lỗi lầm của mình, biết sửa sai và biết nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống. Tâm đã học được một bài học kinh nghiệm quý báu nhất cho mình: trong cuộc sống, tiền bạc không dễ kiếm một chút nào, nhưng nếu kiếm được nó bằng con đường phi nghĩa thì cuối cùng cũng phải trả một cái giá đắt cho điều đó. Và người thầy ân sâu nghĩa trọng ấy có lẽ đến suốt cuộc đời này Tâm vẫn không thể nào quên được.

MS13-TR

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.