Cứ mỗi độ xuân tàn, lại được nghe đâu đây tiếng hát râm ran của những chú ve sầu bé nhỏ như muốn đánh thức cây phượng già thắp lên tất cả ngọn lửa hồng để cùng báo hiệu một mùa hè nữa đã đến. Bạn bè tôi, có đứa dù đi học ở xa hay phải bôn ba giữa chợ đời đều tựu về đông đủ trong ngày họp mặt vào dịp hè mỗi năm. Tay bắt mặt mừng thăm hỏi sức khỏe nhau, cùng chia sẻ, động viên, khích lệ nhau qua những câu chuyện vui, buồn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp chúng tôi cùng ngồi ôn lại những kỉ niệm tuổi thơ dưới mái trường Mỹ Thới – Ngôi nhà chung ấm áp đầy ắp tình yêu thương chan hòa.
Thế là đám bạn của tôi cứ huyên thiên tranh nhau kể. "Ôi! Một thời ngây ngô mà sao thật dễ thương đến thế". Chúng tôi lại cùng nhắc đến thầy Nguyễn Hoàng Sơn qua hồi ức của mình. Thầy dạy chúng tôi môn Hóa Học. Đó là người thầy mà chúng tôi hằng tôn kính.
Bao giờ cũng vậy, tôi luôn là người nhắc thầy nhiều nhất, bởi có tính tình nghịch ngợm hay chọc phá người khác nên thường bị thầy quở phạt. Vì thế mới nhớ mà nhắc hoài chăng? Lúc ban đầu thì ai cũng suy đoán như vậy nên chăm chú nghe tôi kể:
"Các bạn biết đó, tôi được mệnh danh là siêu quậy phá, chẳng những bản thân tôi không thích học mà tôi còn thường xuyên phát biểu linh tinh, đùa giỡn để thầy, cô không thể dạy học được. Lúc đầu các thầy, các cô chỉ phạt đứng tại chỗ hay úp mặt vào tường, nhưng sau biết các hình phạt vô ích đối với tôi nên đã mời phụ huynh và không cho tôi vào lớp. Hôm đó về nhà, tôi bị ba mẹ đánh đòn đau quá nên tức tối trong lòng, định bụng sẽ trả thù. Thế là sáng hôm sau, tôi mua một tuýp keo dán sắt rồi vào lớp học. Lúc ấy, các bạn trực nhật cũng đã quét lớp xong, lau bảng sạch sẽ, trải khăn trang trí trên bàn tươm tất. Đợi đến mười lăm phút đầu giờ, ai nấy đều ngồi vào chỗ ôn bài, tôi mới nhân lúc chẳng ai để ý lén xịt keo vào ghế ngồi của thầy cô, và hí hửng về chỗ của mình để chờ xem kết quả.
Hôm ấy có hai tiết Hóa học đầu tiên. Như thường lệ thầy vào lớp, mọi người cùng đứng dậy chào và thầy bảo hãy ngồi xuống. Thầy đang rón rén mở chiếc cặp lấy tài liệu nên chẳng để ý đến chiếc ghế, sau đó thầy đã ngồi xuống và hậu quả là quần của thầy dính chặt vào chiếc ghế. Sau một hồi loay hoay thầy mới thoát ra được. Lúc bấy giờ thầy rất giận, nhìn cả lớp hỏi:
- Trong lớp này ai xịt keo lên ghế, nếu em nào làm mà không nhận thì thầy phạt cả lớp.
Mọi người đang bàn tán và ai nấy đều bảo là lúc ban nãy chỉ thấy có mình tôi đứng cạnh chiếc bàn mà không biết để làm gì. Thầy nhanh chóng biết ngay là trò của tôi và nói:
- Cuối giờ em ở lại, thầy sẽ phạt em sau.
Thầy quay lại với việc dạy học. Thầy thật điềm tĩnh, còn tôi thì hoang mang bởi những sự việc diễn ra trái ngược với những gì tôi dự tính. Sự việc chẳng làm cho ai cười và tôi cũng chẳng hả hê với cảm giác trả được thù.
Kể đến đây thì mọi người ai cũng nôn nóng muốn biết nên hỏi: "Thầy đã phạt Mẫn ra sao?"
- Các bạn ơi, thầy chẳng dùng bất cứ hình phạt nào cả.
Mọi người đang ngạc nhiên, vì từ lúc ấy về sau, ai cũng biết tôi trở nên ngoan hơn và chăm học nữa, không còn nghịch phá. Mọi người cứ đinh ninh rằng thầy đã dùng hình phạt gì ghê gớm lắm nên mới khiến cho tôi thay đổi như vậy.
Tôi biết mọi người đang vừa tò mò vừa thắc mắc nên mới nói tiếp:
"Thầy dùng tình cảm, sự chân thành cảm hóa tôi. Cuối giờ hôm ấy tôi ở lại lớp, tôi nghĩ hình phạt của thầy đưa ra lại là mời phụ huynh hay hạ bậc hạnh kiểm và mức cuối cùng tôi dự tính cho mình là nghỉ học. Từ bấy lâu nay việc học đối với tôi thật miễn cưỡng, chán ngán, được nghỉ học thì còn gì vui hơn, không còn ai la rầy và không đối diện với những bài học căng thẳng thiệt là sướng. Tôi đang miên man theo những ý nghĩ ấy thì thầy cũng vừa vào lớp. Thầy không lớn tiếng la mắng hay cáu gắt, thầy cũng chẳng đưa ra hình phạt gì cả. Lúc ấy một ánh mắt độ lượng nhìn tôi và nói:
- Minh Mẫn, thầy biết em không thích học, em dùng sự nghịch ngợm của mình để thoát đi sự tù túng, tẻ nhạt. Em có biết tại sao cha mẹ em đặt tên cho em là Minh Mẫn không?
Tôi im lặng và vờ như không biết.
- Cha mẹ em đặt kỳ vọng rất nhiều nơi em, muốn em sau này thông minh, sáng suốt, lanh lợi để có thể thành đạt trong công việc sau này. Thầy cho em biết rằng giờ này cha mẹ em đang phải bôn ba ngoài xã hội, vất vả kiếm tiền nuôi em ăn học, muốn cho em có được tương lai tươi sáng, nghề nghiệp ổn định không phải vất vả như cha mẹ em hiện giờ. Nào ngờ đâu em vào đây không chăm chỉ học hành để làm vui lòng cha mẹ, mà ngược lại em quậy phá, làm ảnh hưởng đến thầy cô, bạn bè. Nếu bây giờ em không học tập, không có tri thức thì tương lai không nghề nghiệp vững chắc, suốt đời sẽ bị người sai khiến, tệ hơn là làm người vô công rỗi nghề rồi tiêm nhiễm thói xấu trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội... Minh Mẫn hãy còn kịp quay lại.
Thầy khuyên bảo tôi rất nhiều, rất nhiều. Mỗi câu như thấm đến tận tim gan. Tôi nghĩ đến sự vất vả của cha mẹ, nghĩ đến hành động của mình bấy lâu nay, tôi nghĩ đến tương lai phía trước, tôi thật xấu hổ.
Lặng đi hồi lâu, tôi mới dám xin lỗi thầy, tôi đã hứa với thầy sẽ sửa đổi.
Một không khí im lặng bao trùm mọi người, hình như ai cũng đang hoài niệm về một người thầy đáng kính.
Trở về với quá khứ, hình ảnh thầy như đang hiện trước mắt tôi, rõ ràng từng chi tiết nhỏ. Dáng thầy không cao lắm nhưng rất nhanh nhẹn. Đối với mọi người, thầy rất ôn hòa. Khi tiếp xúc với thầy, chúng ta luôn thấy một nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi trông rất hiền.
Thầy không những tận tâm, tận tụy truyền đạt tri thức cho chúng tôi để trở thành người tài giỏi, mà qua cách ứng xử, hành động thực tế của bản thân, thầy còn gián tiếp dạy chúng tôi cách sống, cách làm người. Thầy đem tất cả những kiến thức truyền đạt hết cho chúng tôi ngay tại lớp qua các tiết học. Nếu không hiểu, hỏi lại thì thầy sẽ giảng lần nữa, chứ không tổ chức các lớp dạy thêm bởi thầy từng bảo: "Thầy muốn có được sự công bằng nên không dạy thêm". Câu nói thật đơn giản nhưng rất hàm súc. Dù bạn là người giàu sang hay nghèo cùng thì bạn đều có quyền được học, được tiếp cận với những kiến thức của nhân loại. Tài năng không phải được đánh giá bằng tiền bạc, hay bằng điểm số, mà tài năng chính là trí sáng tạo, sự thông minh và tính kiên trì, bền bĩ, nỗ lực không ngừng. Thầy đã dùng cuộc đời mình vun đắp tài năng, đức độ cho thế hệ măng non, tạo cho chúng tôi có một không gian rộng lớn để phát huy, để chứng tỏ chính mình.
Thầy luôn sống rất giản dị, chỉ có chiếc xe đạp cộc cạch lên xuống hằng ngày để đi dạy hai buổi sáng chiều, không cầu kỳ vật chất. Nhưng trông thầy thật thong thả, thật thảnh thơi sau những buổi đi - về. Thật lặng lẽ mà cũng thật thanh cao, âm thầm ươm lên những mầm xanh cho đất nước, cho cuộc đời nhưng không bao giờ cần điều kiện gì hay bất cứ sự báo đáp nào.
Thầy ơi, có lẽ trong cả cuộc đời này, dù chúng con ở bất cứ nơi nào, trong bất kì hoàn cảnh nào, chúng con cũng luôn luôn nhớ và hướng về thầy với tất cả lòng tôn kính, sự biết ơn vô tận, chúng con nguyện nối tiếp sự nghiệp, ước mơ và đi theo con đường thầy đã bước.
Thế hệ chúng con hôm nay sẽ luôn quyết tâm dùng tri thức mình đã học xây dựng cuộc đời này ngày càng thêm đẹp, thêm văn minh.
MS15-TR
Viết lời bình