Trong đời ai không có những người thầy. Trong học chữ hay học nghề, người thầy là con thuyền đưa ta vào đời. Có những người thầy chẳng những dạy ta hiểu biết về văn hóa, khoa học, lịch sử… mà còn dạy ta đạo làm người, cách xử thế, lòng trung trực, thủy chung… Nhưng khi giáp mặt cuộc đời, tốt xấu bỗng dưng lẫn lộn, có những thực tế ngược lại những điều thầy dạy. Người học trò ngoan thất cơ lỡ vận vì không thích ứng được với cuộc sống muôn mặt.
Năm vào lớp bảy, tôi học môn Anh văn với thầy Bình. Chỉ nghe nghe đến cái tên thầy thôi là lũ con nít hay đùa giỡn, phá phách chúng tôi như cua xếp càng. Thầy nổi tiếng là người khó tánh, mà trong đầu óc bé nhỏ của chúng tôi lúc bấy giờ, thầy khó như hung thần, đứa nào cũng kinh sợ.
Thầy bước vào lớp, trên tay cầm cây thương mà chúng tôi vẫn thường thỉ tai nhau: "Đó là cây gậy của Tề Thiên" thằng lớp trưởng đứng lên hô to: "Lớp nghiêm" cả lớp đồng loạt đứng lên chào thầy. Sau khi bảo chúng tôi ngồi, thầy lên bàn giở sách ra và ngồi khoanh tay nhìn xuống. Chúng tôi im lặng, khoanh tay nhìn thầy. Dáng thầy ốm cao, mắt sáng, da mặt hồng hào, tóc đã hoa râm.
Tưởng rằng thầy nhìn chăm chú vào chúng tôi để dò xét hoặc ghi nhớ gương mặt những đứa học trò mới. Nào ngờ, mười phút đã trôi qua thầy vẫn ngồi nghiêm và im lặng.
Không có nỗi khổ nào bằng khi phải ngồi im như khúc gỗ. Ngứa không dám gãi, chân tê không dám nhúc nhích. Tôi liếc mắt nhìn những thằng bạn nổi tiếng quậy, chúng cũng ngồi im như sắp hóa đá. Bỗng thầy đứng bật dậy, bước nhanh xuống dãy bàn và... Bốp! Bốp! Bốp!... Thầy vung thước đánh một loạt lên bàn, mười mấy đứa ngồi bìa bàn hết cả hồn vía. Cả lớp xanh mặt, chới với không ai hiểu mình phạm lỗi gì.
Thầy bước lên bục, nói:
- Tôi giở sách ra mà các trò vẫn ngồi im đó à?
Thì ra là thế. Tiếng giấy lào xào vang lên. Chúng tôi vội vàng lật tập ra và để trước mặt y như thầy.
Thầy bắt đầu giảng bài và khi tiếng trống: "Tùng! Tùng! Tùng!...." báo hết giờ, cả lớp như trút được gánh nặng ngàn cân.
Giờ học hôm sau đầu óc chúng tôi đỡ căng thăng hơn. Khi thầy bước vào lớp, tất cả đã lật tập để trước mặt. Không nói không rằng, thầy lấy phấn viết lên bảng một câu tiếng Anh chẳng ăn nhập gì tới bài học.
Chúng tôi khoanh tay ngồi im nhìn nét chữ đều đặn, đẹp mắt của thầy chạy trên bảng xanh. Viết xong thầy quay lại nhìn chúng tôi. Bỗng thầy bước nhanh xuống và... Bốp! Bốp! Bốp!...Đến phiên cả chục đứa ngồi bàn bìa dãy bên kia tim rớt ra ngoài mà chẳng hiểu vì sao! Tôi ngồi kế bên hồn vía cũng lên mây.
Thầy giận dữ nói:
- Tôi viết cho các trò ngồi xem chơi hả? Tại sao không chép vào!
Thì ra là thế. Chúng tôi lật đật ghi vào tập. Thầy giảng nghĩa, phân tích từng chữ. Câu Anh văn miêu tả một vụ đụng xe. Từ đó chúng tôi hiểu ý thầy. Ngoài các bài học trong sách giáo khoa, thầy dạy thêm cho chúng tôi những bài học mà thầy chứng kiến ở ngoài đời. Một tay nạn giao thông, ai phạm luật, ai bị nạn, thầy giải thích rõ. Chúng tôi chẳng những hiểu biết thêm về tiếng Anh mà còn am hiểu về luật đi đường. Những việc làm tốt như cậu bé đưa cụ già qua đường, người thanh niên nhường chỗ cho một phụ nữ mang thai trên xe... Qua thầy, chúng tôi được giáo dục về ngôn ngữ lẫn nhân cách.
Trong cặp mắt tuổi trẻ non nớt của chúng tôi, thầy khó thật, khó đến vô lý. Như trường hợp của Sơn, thằng bạn chẳng may ngồi nhằm chỗ xấu. Mỗi khi thầy viết trên bảng, ánh sáng từ cửa sổ hắt vào làm nó chẳng thấy gì cả. Theo thói quen, Sơn đứng lên gọi Hưng, người bạn ngồi cạnh cửa sổ:
- Hưng, đóng cửa giùm tôi !
Thầy quay sang Sơn, gằn giọng:
- Tại sao không đi đóng mà sai người ta?
Sơn hoảng hốt, líu rúi đi đóng cửa. Vào giờ học hôm sau, chẳng biết thầy còn nhớ sự việc hôm qua, khi Sơn đứng lên đi được vài bước thầy bỗng hỏi:
- Đi đâu?
- Dạ thưa thầy em đi đóng cửa sổ vì không thấy chữ trên bảng ạ.
Thầy nạt ngang:
- Đi tới đi lui mất trật tự. Tại sao không mượn người ta đóng!
Sơn ú ớ chẳng biết làm sao, đành quay lui về chỗ ngồi. Hưng thấy vậy đứng lên đóng cửa sổ giùm bạn. Sự mâu thuẫn của chính thầy làm chúng tôi luôn dè dặt cẩn thận trong mọi công việc. Cái gì thầy cũng có thể quở trách và đều có cái lý của thầy.
Đến cuối niên học, cả lớp thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chúng tôi phải thừa nhận là qua một năm học với thầy, hầu hết đề tiến bộ về môn tiếng Anh. Ngày tổng kết của năm học thầy làm chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Hôm ấy thầy rất vui và gần gũi chúng tôi. Thầy mang theo mười món quà nhỏ tặng cho các học trò xuất sắc của lớp. Một điều làm cả lớp cảm động là khi thầy công bố điểm thi cuối năm, tất cả học sinh điều trên trung bình. Lúc đó chúng tôi mới nhận ra chuyện lạ, tuy thầy thường la rầy rất nghiệm khắc, nhưng không một học sinh nào bị thầy phạt đến nổi ảnh hưởng đến hạnh kiểm.
Lên lớp tám. Ngày khai trường chúng tôi ngồi chép thời khóa biểu. Khi cô chủ nhiệm viết đến môn Anh văn, người giảng dạy là thầy....Bình! Cả lớp bàng hoàng. Ôi thế là thêm một năm học khổ sở và căng thẳng. Mấy đứa học trò giỏi vẫn điềm tĩnh, nhưng mấy thằng ham quậy thì mặt méo mó.
Năm ấy, có những sự việc xảy ra giúp chúng tôi hiểu và mến thương thầy nhiều hơn. Có một lần tôi ngã bệnh phải nghỉ học, thầy đến tận nhà thăm và phân tích rõ cho tôi biết căn bệnh này do con vi trùng nào, triệu trứng ra sao và tiếng Anh gọi là gì....Ở đâu, thầy cũng nghĩ đến chuyện dạy chúng tôi.
An là đứa ngỗ nghịch, biếng học ham chơi lại hay cãi lại thầy. Tôi nghĩ thầy rất ghét nó, ghét nhất lớp thì phải. Nhưng khi nghe An bị tai nạn đụng xe chết, thầy ngồi khóc tại lớp. Tôi vốn không ưa An vì nó thường phá tôi, nhưng trước tấm lòng và tình cảm của thầy, tôi cảm thấy thương tiếc bạn và không cầm được nước mắt. Thầy đã truyền sang tôi một sự độ lượng mênh mông.
Giờ ra đời, tôi đối mặt với cuộc sống, bỗng tôi hiểu ra những gì lúc đó tôi cho là phi lý của thầy đều có lý. Tôi nhớ những ngày đầu tiên học với thầy, những cú đánh bất ngờ làm chúng tôi phẫn nộ, thật ra nó còn quá nhẹ nhàng so với việc chúng tôi phải trả giá đắt cho sự thụ động, thờ ơ của mình. Thầy đã dạy chúng tôi tánh năng nổ, lanh lợi, biết ứng phó, nhạy bén....Đó cũng là những đức tính không thể thiếu nếu chúng tôi muốn tồn tại, phát triển trong thời đại hiện nay. Mà lúc đó chúng tôi nào có hiểu.
Còn trường hợp của thằng Sơn, khổ tâm vì chẳng biết phải làm sao với cái cửa sổ và tấm bảng xanh do sự rầy la một cách mân thuẫn của thầy. Bây giờ, chúng tôi phải đấu tranh với những điều mân thuẫn gấp hàng vạn lần như thế nữa.
Ôi, những bài học luân lý thầy dạy, khi hiểu ra và tìm về mái trường xưa để nói với thầy rằng: "Thầy ơi! trò đã hiểu". Nhưng khi về lại sân trường, bàn ghế cũ... tôi ngơ ngác, bàng hoàng khi biết tin thầy đã đi xa.
MS17-TR
Viết lời bình