Có thuyết cho rằng vì người Nhật ít nhạy cảm nên họ chịu đựng được đau đớn và không sợ chết, điều này là đúng hay sai? Chúng ta có thể tìm câu trả lời qua cuốn sách “Võ sĩ đạo – linh hồn của Nhật Bản”.
Nitobe Inazo (1862 – 1933) là tiến sĩ văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản ở cuối thế kỷ 20. Ngoài tác phẩm “Tu dưỡng”, ông còn xuất bản “Bushido the soul of Japan” – cuốn sách kỳ thú và độc đáo về văn hóa Nhật Bản. Qua ngòi bút của Nitobe, ta thấy được tinh thần dân tộc cao quý của một nhà văn hóa yêu nước, muốn cho thế giới biết được văn hóa độc đáo và rất đáng tự hào của nước Nhật. Đồng thời chúng ta sẽ học được rất nhiều giá trị đạo đức kết tinh từ tác phẩm.
Dưới thời phong kiến, Võ sĩ đạo (Bushido) là những quy tắc đạo đức mà các võ sĩ (samurai) ở Nhật Bản thời trung cổ phải tuân theo. Ngày nay, “võ sĩ đạo” còn chỉ bản sắc của Nhật Bản khi so sánh với các nước khác, con người cần: trung với vua, hiếu với cha mẹ, nghiêm khắc với bản thân, nhân từ với người dưới,… nghĩa này đã phát huy tinh thần võ sĩ thành các giá trị đạo đức phù hợp với văn hóa và cuộc sống thời hiện đại. Quyển sách của Nitobe sẽ cho các bạn hiểu rõ hai ngữ nghĩa trên của võ sĩ đạo bằng những dẫn chứng, lập luận và ví dụ vô cùng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục và được lấy từ văn hóa Âu – Mỹ cổ, trung, cận và hiện đại.
Khi tìm hiểu những khó khăn mà người Nhật phải đối đầu với hai đế quốc hùng mạnh thời chiến tranh Nhật – Thanh (1894 - 1895), Nhật – Nga (1904 – 1905); hay những trận thiên tai (động đất, sóng thần, bão, núi lửa…), nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tại sao người Nhật lại vượt qua được những thử thách đó?” Tại sao nội bộ nước Nhật vẫn luôn ổn định trong mọi hoàn cảnh? Dựa vào đâu Nitobe rất hãnh diện với lòng trung quân ái quốc của dân tộc mình? Chúng ta hãy xem minh chứng của tác giả có đủ thuyết phục không.
Ảnh minh họa. Nguồn: vothuat.vn
Danh dự, dũng cảm, chính nghĩa, nhẫn nại, lễ phép, thành thật, tự kiềm chế bản thân và những đức tính khác của võ sĩ đạo là giá trị tinh thần lớn lao và di sản vĩ đại cho những con người như chúng ta tiếp thu và rèn luyện theo. Câu chuyện về nhóm sinh viên nam luôn ồn ào trong giờ học vì bất mãn với thầy giáo nhưng đã trật tự và ý thức lại chỉ với hai câu hỏi đơn giản của thầy hiệu trưởng,“Thầy của các em có phải là một nhân vật có phẩm giá hay không? Nếu phải, các em phải tôn trọng thầy và giữ thầy ở lại trường. Hay là, thầy của các em là một người yếu đuối? Nếu vậy thì việc đẩy một người đang ngã, nào phải là việc làm của đấng mày râu”. Câu chuyện là sự giáo dục mọi người về lễ nghĩa, tấm lòng trắc ẩn và rộng lượng. Một tình huống thú vị nhưng chứa đựng thông điệp về phép cảm thông, lịch sự và công bằng như sau: vào buổi trưa nắng chang chang, có một phụ nữ người Anh đi ra đường nhưng quên mang theo chiếc dù và tình cờ chị ta gặp cô bạn người Nhật. Hai người chào nhau và cùng tâm sự. Câu chuyện sẽ không có gì nếu cô bạn người Nhật xếp dù lại và đứng ngoài trời nắng như lửa thiêu để nói chuyện với nhau. Sao lại ngớ ngẩn thế? Vâng thật kỳ lạ nhưng sẽ không ngớ ngẩn và kỳ lạ gì hết vì ẩn sâu bên trong câu chuyện là: “Cô bạn người Nhật cảm thấy dù mình không đủ rộng để che cho cả hai nên ít ra cũng cảm thông, chia sẻ cái nắng với người đứng bên cạnh”. Tuy là một câu chuyện hơi buồn cười nhưng chúng ta sẽ học tập được một hành động dù nhỏ nhưng lại chan chứa tình người. Độc giả còn được cảm nhận được sự ghê rợn nhưng đáng nể phục của võ sĩ đạo trong chế độ tự sát và phục thù. Đó là một chế độ độc đáo, kỳ lạ. Liệu điều ấy sẽ dã man như mọi người từng nghĩ hay có ẩn chứa một bí mật về tinh thần khổ luyện của con người?
Trong văn hóa, người Nhật đề cao nhất là lễ nghĩa. Nhiều người Âu châu từng đến Nhật đã than phiền và chế giễu rằng tại sao con người của đất nước này lại bỏ nhiều công sức suy nghĩ và tạo ra những khuôn khổ lễ nghĩa, phép tắc phiền phức như vậy. Và chính vì lễ nghĩa được tuân theo một cách khuôn phép nên tinh thần và giá trị này đã trở thành một đặc tính và “thương hiệu” của người Nhật. Trong môi trường học đường cũng như gia đình và xã hội, trẻ em Nhật luôn được nhắc nhở về những hành vi phải tuân theo lễ nghĩa. Trẻ được huấn luyện và khuyến khích phải hành động hợp với lễ nghĩa như cảm ơn khi được giúp đỡ hoặc tặng quà, xin lỗi khi làm phiền hay gây hại người khác, thông cảm cho người khác khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn… Những đức tính khác như thành thật (trình báo cho nhà trường hay cảnh sát khi nhặt được vật người khác đánh rơi), hoặc trọng danh dự hơn vật chất trong mọi cách hành xử (không hạ thấp phẩm cách của mình bằng các việc chen lấn, không xếp hàng ngay ngắn…). Những lối văn hóa trên được giáo dục từ nhỏ và sẽ trở thành những bài học vô cùng hữu ích cho người đọc.
Qua tác phẩm, quý độc giả còn cảm nhận được tình yêu tổ quốc vĩ đại của vị tiến sĩ Nitobe. Chúng ta sẽ bắt gặp mẩu chuyện về nhân vật Yoshida Shoin (1830 – 1859), trong đêm trước ngày bị xử tử anh ta đã ngâm hai câu thơ dưới đây, như một tự thú chân thành của dân tộc, “Biết việc mình làm sẽ dẫn đến tử lộ/ Hồn Yamato nào dừng lại được đâu”(*). Và anh ta được xem là một trong những người tiên phong oanh liệt nhất của Nhật Bản hiện đại về ý thức muốn võ sĩ đạo luôn tồn tại vĩnh hằng. Qua đó cho thấy ước vọng cao cả của tác giả rằng tinh thần võ sĩ đạo vẫn còn sống mãi.
Ngày nay, tuy võ sĩ đạo đã phai mờ về mặt chính trị và quân sự nhưng nó vẫn hiển hiện trong tư tưởng và tinh thần đạo đức của người Nhật. Võ sĩ đạo trở thành lý tưởng cao đẹp của toàn thể dân tộc. Trong quần chúng thời trung cổ có câu hát rằng “Hoa thì phải là hoa anh đào, con người thì phải là võ sĩ” (**) và tất nhiên nó đã không còn phù hợp với thời đại chúng ta đang sống, bởi vì ở thế kỷ 21 này làm gì còn những Samurai gan dạ và chiến đấu vì lòng trung quân như thời phong kiến. Nhưng thứ quan trọng không phải là người võ sĩ hay tầng lớp nào mà là những giá trị tinh thần của đạo từ người võ sĩ (chính nghĩa, trung thực, kiên nhẫn…). Mọi giá trị đó xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Ngày nay cuộc sống con người ngày càng phát triển nhờ những thành tựu của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa – đạo đức lại có dấu hiệu xuống cấp. Việc học tập và tiếp thu những giá trị tinh thần bổ ích của các quốc gia trên thế giới như nước Nhật là điều cần thiết. Với nhịp sống hối hả, lớp trẻ thanh niên đang thiếu đi những tinh thần đạo đức như “nhẫn” và “khắc kỉ” của người Nhật. Vật chất và nhiều cám dỗ đã làm con người thiếu đi sự “chân thật” và “lễ nghĩa” của võ sĩ đạo. Bởi vậy, hãy xem quyển sách như một nguồn tri thức về đạo đức để bồi đắp những giá trị tinh thần mà mỗi con người chúng ta nên có.
Mời quý độc giả tìm đọc “Bushido the soul of Japan – Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản” ở Kho mượn sách Thư viện Đại học An Giang, mã số: 170.952 – N300. Chúc các bạn thành công!
(*) (**) Dẫn theo Nitobe Inazo, Bushido the soul of Japan – Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản (2011), Nxb Thời đại, Trang 201 và 192.
Minh Tạo - DH15SU
Viết lời bình