Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà yêu nước vĩ đại, trọn đời yêu nước thương dân, hy sinh phấn đấu vì nước, vì dân. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bác Tôn đã sống, chiến đấu và cống hiến trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng, là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiêm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Chúng ta – thế hệ trẻ ngày nay học được nhiều đức tính tốt đẹp của Bác Tôn kính yêu, một trong số đó không thể không nhắc đến đức tính khiêm tốn, giản dị và sống nghĩa tình.
Đức tính giản dị khiếm tốn ấy được thể hiện từ việc Bác Tôn lựa chọn con đường làm thợ và dần dần trưởng thành trong phong trào công nhân, để rồi trở thành người cộng sản. Trước khi vào học trường Bá Nghệ, Bác Tôn đã có tay nghề thành thạo; Bác thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ các anh em khác trong lớp, trong trường; Bác tận tâm chỉ dạy anh em học chung từng li từng tí, nhằm tránh những sai sót hư hỏng. Đó cũng là những đức tính mà ta cần phải học từ Bác, việc gì trong hiểu biết của mình, bản thân mình có thể giúp được thì nên dang đôi tay giúp người khác, hay những đồng nghiệp trong cùng đơn vị, từ đó cùng nhau tiến bộ.
Hay ở sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen, bấy giờ Bác là người Việt Nam đầu tiên biểu thị tinh thần yêu nước bằng hành động dũng cảm của mình cùng đồng đội trực tiếp tham gia bảo vệ nước Nga Xô viết, làm thất bại âm mưu xóa bỏ nước Nga cách mạng của bọn đế quốc hiếu chiến. Việc kéo cờ đỏ chào mừng nước Nga Xô viết của Bác là một vinh dự có ý nghĩa lịch sử quốc tế trong cuộc đời của Người và của nhân dân Việt Nam.
Ấy thế mà, vào năm 1957 Bác Tôn viết “Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử ấy tại Biển Đen, không thể không hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười”.
Câu viết thật khiêm tốn, bình dị, rất tình cảm như con người của Bác, đã cho chúng ta thấy được rằng Bác là tấm gương về đạo đức cách mạng, mà có lẽ chúng ta phải không ngừng học hỏi, và cho dù thành công trên lĩnh vực nào thì đức tính khiêm tốn là rất cần thiết đối với mỗi người.
Ảnh minh họa. Nguồn: baomoi.com
Dù đang đối mặt với những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, bị đế quốc Pháp bắt ở Sài Gòn, với mức án tù 20 năm khổ sai, Bác bị tù đày Côn ra đảo hơn 15 năm, nhưng những đức tính cao quí của Bác vẫn luôn tồn tại. Tuy bị giam cầm nhưng đối với các người tù chính trị thuộc các đảng phái khác, bao giờ Bác Tôn cùng hòa nhã, ôn tồn, lắng nghe đầy đủ ý kiến đối lập, thông cảm sự hạn chế của họ, để cùng nhau nhắm vào mục tiêu chính là đấu tranh chống lại chính sách đàn áp hèn hạ của nhà tù. Trước mọi người, Bác Tôn không bao giờ phải dài dòng thuyết lý hay giáo dục ai bây giờ. Bác rất ít nói, hay đúng hơn Bác chỉ nói bằng hành động – những hành động gương mẫu cao đẹp, trong sáng. Còn nói về mình thì chẳng bao giờ, giá có lỡ nói thì Bác ngượng ngùng như đã làm điều gì không phải.
Như khi Bác bị giam ở Hầm xay lúa – nơi được xem như địa ngục trần gian, ấy thế mà Bác từng bước cải tiến địa ngục trần gian này mà không cần dựa vào một thứ quyền uy, một thứ bạo lực nào hết, chỉ dựa vào tấm lòng “thương người như thể thương thân”, dựa vào lòng yêu nước nồng nàn, bằng trí tuệ và phương pháp của giai cấp công nhân, Bác đã cảm hóa giúp họ giác ngộ, đã đưa lại sự thay đổi lạ đời trong hầm xây lúa, cải tạo địa ngục trần gian này. Cũng chính vì vậy mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh từng nói rằng “Tôi mến phục tinh thần bình đẳng, dân chủ thực sự, tính thật thà cầu chân lý của người đồng chí lớn tuổi. Được gần gũi với anh Thắng ở Khám Lớn (Sài Gòn) cũng như sau này ở Hầm xay lúa Côn Đảo, tôi cũng như tất cả mọi anh em bao giờ cũng quý yêu ở đồng chí đức tính khiêm tốn rất cao, tấm lòng ngay thẳng độ lượng, ý thức tập thể vững chắc”. Hết hạn ở Hầm xay lúa, Bác lại về với Banh 1, để lại dấu ấn sâu đậm về nhân cách của một người cộng sản.
Năm 1960, khi Bác làm Phó chủ tịch nước, tuy lúc đó đã 72 tuổi, tuổi đã cao nhưng Bác vẫn luôn dành thời gian đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, thăm các đơn vị bộ đội, gặp gỡ các cán bộ, đối với đồng bào miền Nam, Bác luôn biểu lộ những lời thắm thiết nhất “Tôi muốn được nói với đồng bào miền Nam rằng: từng giờ, từng phút tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn rau cắt rốn, đang bị đế quốc Mỹ và bọn tay sai tàn phá, nhớ đến đồng bào miền Nam ruột thịt đã chịu bao đau thương tang tóc, đang chiến đấu anh dũng chống bọn cướp nước hại dân vô cùng hung ác. Tôi rất muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu, nhưng đáng tiếc chưa có điều kiện. Tôi chỉ còn mong các cụ phụ lão ở miền Nam hăng hái động viên con cháu chúng ta tham gia cứu nước, ở các cháu thanh niên miền Nam dũng cảm nối gót cha anh tiến lên giành lấy quyền tự do, quyền sinh sống, và mong đồng bào miền Nam vững lòng tin vào sự tất thắng của cuộc đấu trang chính nghĩa của chúng ta”. Năm 1971 Bác được bầu Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn không quên dành thời gian thăm hỏi các lực lượng vũ trang, động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ thăm nhà máy Ba Son, nơi trước đây Bác đã từng làm thợ và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió. Khi đã là người lãnh đạo, Bác vẫn giữ đức tính vốn có của mình, ăn những món ăn giản dị như những món ăn nhà quê, ăn mặc như người bình thường.
Tháng 10 năm 1975, Bác mới có dịp trở về thăm quê nhà thân yêu, nhớ bà con quê hương An Giang, ở cù lao ông Hổ. Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân cùng đồng bào tỉnh An Giang đã đón tiếp Bác rất thân tình. Và Bác vẫn như ngày nào rất giản dị, khiêm tốn trong từng lời nói, cử chỉ và hành động của người con vùng miền sông nước Nam bộ, sau năm bao năm xa cách, Bác vẫn giữ nguyên cốt cách ấy. Như khi Bác tới Long Xuyên, Bác đã hỏi: “Chiếc cầu sắt hồi trước mình đi học thường qua đâu rồi?”...Đứng trên cầu Hoàng Diệu, Bác Tôn đăm chiêu nói: “Chà, thay đổi dữ quá!”. Từng câu chữ của Bác khi trò chuyện rất đổi chân tình mộc mạc, bình dị bởi thế khi Bác về thăm gia đình ở Mỹ Hòa Hưng, gia đình và bà con cô bác đứng chật ních từ nhà ra cổng để đón mừng và mọi người đều rất quyến luyến khi chia tay Bác.
Tuy Bác đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng Bác Tôn vẫn luôn là tấm gương vô cùng tỏa sáng về khí phách, phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Và rất đáng cho chúng ta học ở Bác những đức tính ấy; dù làm gì, bất cứ cương vị nào chúng ta không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Để xây dựng, tu dưỡng theo những phẩm chất ấy, chúng ta phải thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình. Qua đó, mỗi người có thể nhìn nhận lại bản thân mình, tự kiểm điểm hoạt động cá nhân mỗi ngày, để nhìn được những việc đã làm được và chưa làm được, vươn lên làm những điều tốt hơn, kết hợp noi theo gương đạo đức của Bác, phấn đấu tu dưỡng trở thành người có đạo đức tốt thì mới có được đời sống tâm hồn thanh thản, cao đẹp và đưa tới cuộc sống hạnh phúc.
Bích Ngọc - TV