(TGAG)- Sáng 20/8, tại Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018).
Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành; đại biểu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các vị nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc; đại diện thân tộc Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh An Giang.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đồng chính lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh An Giang đã tham dự lễ dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương trước bàn thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thắp hương trước bàn thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đọc Diễn văn Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ôn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sinh ra và lớn lên trong truyền thống yêu nước, nhân ái của gia đình, quê hương và dân tộc, từ thuở niên thiếu, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta. Các phong trào yêu nước do Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… lãnh đạo nhân dân Nam Bộ vùng lên khởi nghĩa, chống áp bức, bóc lột đã khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của người dân mất nước trong tâm tư, tình cảm của đồng chí Tôn Đức Thắng. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.
Những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, góp phần bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới...
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ lao tù trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng trung thành, tận tụy, đạo đức cách mạng trong sáng, tích cực góp phần cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Tôn Đức Thắng là “đại thụ” trong rừng cây đại đoàn kết toàn dân tộc, tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Với những công lao, đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và sự phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý; Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lê-nin; Ủy ban Giải thưởng quốc tế tặng Giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”; cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là dịp để các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng; suốt đời học tập, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng cống hiến, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc
“Chúng ta nguyện tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công mong muốn của Bác Hồ và Bác Tôn kính yêu, quyết tâm xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang tiếp tục đoàn kết thống nhất, ra sức phấn đấu, vượt lên khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, tích cực xây dựng quê hương Bác Tôn kính yêu ngày càng giàu mạnh, văn minh để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước.
Phát biểu thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang rất đỗi tự hào về tấm gương sáng ngời của nhà lãnh đạo tiên phong của Đảng và Nhà nước ta - Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Một con người thể hiện đầy đủ khí chất hào sảng của người dân vùng đất Nam Bộ, kết hợp với ý chí quật cường, kiên trung và tinh thần yêu nước, thương dân nồng nàn của người chiến sĩ cộng sản, vị lãnh đạo kính mến của dân tộc.
Với tinh thần cách mạng kiên trung và niềm tin tất thắng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, từ một công nhân của xưởng đóng tàu Ba Son đến người thủy thủ kéo ngọn cờ cách mạng trên Biển Đen, đặc biệt là trải qua 17 năm bị đọa đày nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ khí phách kiên cường, bất khuất, son sắt một lòng với Đảng, với cách mạng. Những câu chuyện cảm động về việc thành lập cơ sở cách mạng, tổ chức đấu tranh, cảm hóa bạn tù của người “cặp rằn hầm xay lúa” và những cuộc tổ chức vượt ngục là những minh chứng sinh động về ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng.
Bên cạnh khí chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng còn là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, suốt đời trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội đi đến đích thống nhất đất nước. Hơn 70 năm cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Cả một đời 92 năm - từ lúc sinh ra đến khi trở về với đất mẹ - Bác Tôn có không đầy 20 năm sinh sống, gắn bó với quê nhà. Hơn 70 năm cống hiến cho cách mạng, chỉ có ba lần Bác Tôn chính thức được về thăm miền quê nghèo Cù lao Ông Hổ, đó là sau sự kiện phản chiến ở Biển Đen năm 1919; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi Bác Tôn ra khỏi nhà tù Côn Đảo và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Giữ cương vị lãnh đạo với biết bao trọng trách, bộn bề việc nước, việc dân nhưng trong lòng Bác Tôn, tình yêu và nỗi nhớ quê hương xứ sở vẫn luôn da diết khôn nguôi.
Lần về thăm quê sau ngày miền Nam giải phóng, tuy xa nhà mấy mươi năm nhưng Bác vẫn nhớ rõ từng chiếc cầu sắt thường ngày đi học, nhớ bến đò xưa tím đỏ bông ô môi, nhớ con rạch mang dòng nước hiền hòa chảy ngang nhà, cùng nhiều kỷ niệm thân thương gắn bó với thời niên thiếu đã trở thành cội rễ, bám sâu trong ký ức của Bác. Khi đến thăm và gặp gỡ nhân dân Tỉnh nhà, Bác Tôn rất vui mừng trước những thay đổi của quê hương, Bác động viên, dặn dò Đảng bộ và nhân dân An Giang đoàn kết một lòng, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chuyến về thăm quê tuy ngắn ngủi nhưng Bác Tôn đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tỉnh nhà bao niềm thương mến và lòng kính trọng, tự hào.
Nhớ đến Bác Tôn, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn tâm niệm phải phấn đấu nhiều hơn, hành động quyết liệt hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương để xứng đáng với Bác, với mong mỏi khôn nguôi của Bác.
Nhìn lại quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển Tỉnh nhà mấy mươi năm qua trong điều kiện xuất phát điểm ban đầu rất thấp, đồng thời, phải đương đầu với cuộc chiến tranh đầy cam go, ác liệt để bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc; mặt khác, An Giang còn phải thường xuyên đối phó và phải vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thiên tai, ngập lụt, sạt lở gây nhiều thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhân dân… Nhưng với truyền thống cách mạng hào hùng, với lòng tự hào về tấm gương, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức của người dân vùng đất phương Nam, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân An Giang đã đoàn kết một lòng, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh đưa quê hương Bác Tôn vượt lên nghèo khó, đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện như hôm nay.
Những ngày đầu đổi mới, từ một tỉnh thuần nông có nền kinh tế yếu kém, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, An Giang đã vươn lên thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, tạo bước ngoặc quan trọng trong phát triển, đặc biệt là đổi mới trong nông nghiệp. Từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa chỉ khoảng 850 ngàn tấn/năm vào năm 1986, An Giang đã là tỉnh đầu tiên có sản lượng lương thực đạt 03 triệu tấn/năm vào năm 2007 và đến nay đạt trên dưới 04 triệu tấn/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng sản lượng gạo xuất khẩu cho quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp từ 5,1 triệu đồng/ha năm 1990 đến nay đã đạt trên 173 triệu đồng/ha… Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, tổng sản phẩm xã hội đã đạt trên 55.000 tỉ đồng. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch tích cực. Thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch được phát huy. Nông nghiệp đang được tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư. Bộ mặt đô thị và nông thôn không ngừng khởi sắc. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng lên.
Đi cùng với quá trình phát triển của Tỉnh An Giang, vùng đất Cù lao Ông Hổ - xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên nghèo khó năm xưa đã không ngừng thay da đổi thịt. Là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, Mỹ Hòa Hưng ngày nay đã khang trang, sạch đẹp hơn, hoạt động sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện hơn. Qua bao thế hệ, người dân Mỹ Hòa Hưng vẫn giữ gìn truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, vẫn giữ được nét văn hóa giản dị, mộc mạc làng quê của người dân vùng sông nước Nam Bộ, luôn đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Dù cuộc sống còn bộn bề những lo toan, vất vả nhưng cấp uỷ, chính quyền và người dân Mỹ Hòa Hưng luôn nhắc nhở nhau ngày ngày chăm lo, bảo vệ Khu lưu niệm của Bác Tôn khang trang, ấm cúng, tạo nên địa điểm tham quan và giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Cách sống đó, những việc làm đó đã thể hiện lòng tôn kính, tình yêu thương sâu sắc của người dân Mỹ Hòa Hưng nói riêng, của Đảng bộ và nhân dân An Giang nói chung đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Thay mặt thế hệ trẻ tỉnh An Giang, em Thái Thị Mỹ Châu (sinh viên năm thứ ba - chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học An Giang) bày tỏ mong muốn đóng góp, cống hiến sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; hứa sẵn sàng tình nguyện, xung kích đi những nơi Tổ quốc cần, đăng ký thực hiện những công trình, phần việc thanh niên thiết thực mang lại hiệu quả, vì cộng đồng, vì an sinh xã hội, đoàn kết, sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, rèn luyện để trở thành những thanh niên tiên tiến, giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh trong hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này thay mặt Đảng và Chính phủ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng cho Đảng bộ tỉnh An Giang bức tranh Bác Hồ và Bác Tôn 2 vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc
Theo Ngọc Minh - Công Mạo (tuyengiaoangiang)