Mấy ngày đầu hạ, cái nắng gay gắt như muốn đốt cháy các góc trời. Thế nhưng, trong khuôn viên Trường Đại học An Giang, những hàng cây lại đua nhau nở hoa, khoe sắc. Thế mới thấy, cái đẹp có thể nảy sinh ở bất cứ nơi nào, bất kể sự khắc nghiệt nhất của nắng mưa, thời tiết. Và, giữa bao thử thách của cuộc sống bộn bề, tôi vẫn bắt gặp những con người đầy ắp nhiệt huyết và nghĩa tình, luôn phấn đấu vì cộng đồng, tập thể. Chính họ đã góp phần làm cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp và tin yêu hơn.

1. Hướng đến cộng đồng, tập thể

Tôi gặp bạn Nguyễn Thị Mỹ Huyền, sinh viên lớp DH16KT, Khoa Kinh tế quản trị kinh doanh, trong thời điểm bạn đang tất bật chuẩn bị bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học. Dù bận rộn nhưng Mỹ Huyền vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi và ánh mắt đầy nhiệt huyết trong suốt cuộc trò chuyện với tôi. Huyền cho biết, trong bốn năm đại học, ngoài việc phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt, bạn còn nỗ lực trong công tác ở Chi bộ XXVIII với vai trò Phó Bí thư. Để Chi bộ hoạt động hiệu quả, các thành viên phải thấu hiểu và sẻ chia công việc với nhau. Cô sinh viên có dáng vẻ hơi nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát đã mạnh dạn tổ chức những sân chơi bổ ích để qua đó mọi người làm quen, rồi hiểu nhau hơn góp phần tăng hiệu quả công tác. Khi các thành viên đã trở nên thân thiết và phối hợp ăn ý trong mọi hoạt động, Mỹ Huyền đề xuất sinh hoạt chuyên đề. Đó cũng là dịp để đảng viên, sinh viên nghiên cứu, bàn luận, tìm hiểu sâu hơn các vấn đề chính trị xã hội, những bài học bổ ích từ các vị lãnh đạo lão thành và đặc biệt là cùng trau dồi những bài học quý báu từ tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chủ tịch.

 

 Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Huyền, sinh viên lớp DH16KT, Khoa Kinh tế quản trị kinh doanh, Phó Bí thư Chi bộ XXVIII (áo trắng, bìa phải)

 Tập thể đảng viên là sinh viên - Chi bộ XXVIII

Là một đảng viên, sinh viên xông xáo, Mỹ Huyền luôn chủ động hỗ trợ các đảng viên, sinh viên mới gia nhập vào “đại gia đình” Khoa KTQTKD. Với sự hỗ trợ của Huyền, các tân sinh viên không còn e ngại mà nhanh chóng bắt nhịp vào môi trường học tập và sinh hoạt rất năng động của Khoa. Mỹ Huyền cũng chính là người truyền cảm hứng, khơi dậy những phong trào thiện nguyện hướng đến cộng đồng. Những ngày cùng “đồng đội” lặn lội về tận vùng biên giới để trao quà cho trẻ em, những bữa quên ăn quên ngủ để tổ chức sân chơi cho học sinh nghèo, tổ chức hoạt động cho sinh viên trong Khoa chính là cống hiến thiết thực nhất thời sinh viên của Huyền.

Khi tôi hỏi về những dự định trong tương lai, ánh mắt Huyền thoáng buồn rồi bỗng nhiên lấp lánh. Huyền cho biết, qua những chuyến công tác về các vùng quê nghèo khó, bạn thật sự chạnh lòng với số phận của trẻ em bất hạnh và người già neo đơn. Dẫu biết rằng, Đảng và Chính quyền luôn chăm lo hỗ trợ cho người dân, nhất là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn không thể nào lo hết được. Bởi vậy, Huyền đang ấp ủ một dự án hướng đến cộng đồng, mà chủ yếu là hỗ trợ cho trẻ em nghèo và người già neo đơn. Đó là việc Huyền muốn làm nhất vì cộng đồng, Huyền bảo thế. Tôi không hỏi chi tiết về dự án mà Huyền đang theo đuổi, chỉ nhìn vào ánh mắt đầy quyết tâm của bạn, tôi tin Huyền sẽ làm được.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh Thư - Biên tập viên eNews, Thư viện trong buổi Lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ánh mắt của Anh Thư cũng không khác gì ánh mắt của Mỹ Huyền khi chia sẻ với tôi rằng Anh Thư và tập thể thư viện đang ấp ủ ý tưởng về một không gian đọc sách, học tập thân thiện. Theo đó, bạn đọc sẽ được sử dụng các bàn ghế làm từ những vật liệu tái chế, được “làm chủ không gian” tùy theo mục đích sử dụng. Thư viện cũng sẽ trang bị tài liệu mới nhất, trang trí ấn tượng để các bạn có thể học tập và làm việc hiệu quả. Ai cũng biết, thư viện là môi trường học tập, nghiên cứu hữu ích của sinh viên. Tuy vậy, nhiều sinh viên còn chưa thấy hết vai trò, chưa khai thác tài nguyên thư viện triệt để. Việc tạo ra một không gian thân thiện sẽ khuyến khích sinh viên gắn bó với thư viện nhiều hơn, và qua đó chắc chắn các bạn sẽ học tập tốt hơn.

Trước đó, Thư từng tạo ấn tượng khi đưa sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng góc đọc sách miễn phí cho sinh viên AGU” với tên gọi khác là “Cây tri thức” vào thực tiễn, được cán bộ giảng viên và sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Thư còn “khoe”, mỗi năm vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6, Thư cùng với tập thể cán bộ thư viện đều tự nguyện quyên góp để tặng quà cho thiếu nhi các xã vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Tuy món quà vật chất không lớn lắm, nhưng đó là tấm lòng của Anh Thư và tập thể cán bộ thư viện muốn sẻ chia cùng động đồng với mong muốn lan tỏa hơn nữa thông điệp nhân văn.

Thư hay nói vui với tôi, Thư là người “bỏ nghề theo nghiệp”, bởi bạn ấy từng học chuyên ngành Nông nghiệp nhưng khi ra trường lại gắn bó công tác với Trang báo Sinh viên điện tử e-News và Thư viện Đại học An Giang. Dù trái ngành nhưng tôi vẫn thấy Thư làm rất tốt công việc “chữ nghĩa” của một “nhà báo giảng đường”. Hầu như từng sự kiện dù lớn dù nhỏ của Trường, tôi đều thấy Anh Thư “xông pha” đến. Chúng ta dễ dàng bắt gặp một cô gái với bộ váy gọn gàng, dáng vẻ năng động, mang máy ảnh trước ngực, tự tin chọn góc máy “đúng nghiệp vụ” và... bấm. Thỉnh thoảng, cô gái ấy quay xuống hội trường, nở nụ cười thật tươi với một người quen, rồi chau mày nghĩ suy và ghi chép những thông tin quan trọng cho bài viết. Nhờ Thư mà hoạt động của trường nhanh chóng đến với độc giả, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Trường Đại học An Giang trong toàn xã hội.

Hiện nay, Nguyễn Ngọc Anh Thư giữ chức vụ Chi ủy Chi bộ II, Tổ phó Tổ Thông tin thư mục, Chủ tịch Công đoàn Bộ phận II. Những năm qua, Anh Thư nhận được nhiều danh hiệu thi đua, nhiều hình thức khen thưởng cho các hoạt động xuất sắc ở mọi lĩnh vực. Dù vậy, cũng như Mỹ Huyền, Thư vẫn không muốn nhắc đến các danh hiệu. Bởi những gì các bạn đã làm không hẳn chỉ để đạt được danh hiệu hay thành tích. Các bạn chỉ muốn ý nghĩa những việc làm ấy tác động tích cực đối với tập thể, với cộng đồng.

Nhiều lúc, tôi cũng không thể hiểu nổi những người trẻ. Họ giàu năng lượng, giàu nhiệt huyết và họ dùng những thứ ấy để hành động vì tập thể, vì cộng đồng. Và chỉ lặng thầm cống hiến, không cần quá phô trương. Cứ thế, họ như những mạch nước ngầm làm dịu mát sự cỗi cằn của không ít trái tim đang manh nha vô cảm.

Đ/c Anh Thư cùng Ban biên tập và cộng tác viên eNews trong buổi tập huấn viết tin, bài và chụp ảnh

      2.Tận tâm vì sự nghiệp giáo dục

Câu chuyện của các bạn trẻ như Mỹ Huyền hay Anh Thư thường ở lại trong tôi rất lâu, và là động lực để tôi dấn thân trong các hoạt động vì cộng đồng. Thế nhưng, Trường Đại học An Giang không chỉ có những người trẻ, mà hầu như tất cả đều nỗ lực vì một tập thể vững mạnh, vì một sự nghiệp giáo dục phồn vinh.

Tôi thấy rõ điều đó khi tiếp xúc với nhiều cán bộ, giảng viên của Trường, trong đó có Thạc sĩ Trương Thanh Hải – Chi bộ V, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng. Nhiều năm gắn bó với nhà trường, dù ở cương vị công tác nào, thầy cũng hết lòng vì công việc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, thầy cùng với cán bộ Phòng KT & ĐBCL đã nỗ lực không ngừng trong công tác cải tiến phần mềm, quy trình tổ chức thi cử, quản lý điểm; chủ động, kịp thời trong công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học; xây một phần mềm mới ứng dụng vào công tác phân tích kết quả học tập của sinh viên nhằm mục đích đánh giá chất lượng học tập cũng như phương pháp giảng dạy của giảng viên… Tất cả những việc làm đó không gì ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao “thương hiệu” của nhà trường nói chung.

Thạc sĩ Trương Thanh Hải – Chi bộ V, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng

Khi tôi hỏi về những điều thầy còn trăn trở hiện nay, thầy Hải không trả lời ngay mà ngồi trầm ngâm. Lát sau, thầy cho tôi xem dữ liệu khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên. Theo đó, dù tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao nhưng vẫn còn một số sinh viên thất nghiệp hoặc chưa tìm được việc làm đúng nguyện vọng. Dẫu biết đây là thực trạng chung trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, là một người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, thầy Hải không khỏi băn khoăn cho tương lai của các em. Đó cũng là nguyên nhân khiến thầy trăn trở và đang tìm giải pháp để cải thiện thực trạng, để quá trình đào tạo tại trường ta luôn đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, sinh viên tốt nghiệp luôn được các cơ sở tuyển dụng đón nhận một cách nhiệt tình.

Không hiểu sao những trăn trở của thầy Hải lại khiến tôi nghĩ đến câu nói của cô Nguyễn Thị Ngọc Thơ – Bí thư Chi bộ XV, Hiệu trưởng Trường Phổ thông thực hành Sư phạm. Cô cho rằng: “Trong lĩnh vực giáo dục, làm đúng, làm đủ là chưa đủ.” Với phương châm ấy, những năm qua, cô Ngọc Thơ luôn tiên phong mọi hoạt động nhằm nâng cao vị thế nhà trường trong bức tranh giáo dục chung của toàn tỉnh. Cô luôn quan tâm đến công tác xây dựng tập thể trong sạch vững mạnh, đoàn kết, từ đó tạo sức bật để đạt được mọi mục tiêu đề ra. Ai cũng nhận thấy, giáo dục hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Trong khi đó, quản lý một ngôi trường nhiều cấp học với sứ mệnh vừa giáo dục, vừa chuyển giao thành tựu nghiên cứu khoa học, vừa đảm nhận chức năng thực hành sư phạm cho Trường ĐHAG quả là trọng trách rất lớn. Thế nhưng, với tâm huyết của một nhà giáo dục có trách nhiệm, với lòng yêu nghề và sự tận tâm, cô Ngọc Thơ cùng tập thể sư phạm Trường Phổ thông THSP đã từng bước vượt qua thử thách, nâng cao chất lượng đào tạo của trường, tạo uy tín với cộng đồng xã hội. Cô chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn động viên anh em trong đơn vị nỗ lực phấn đấu. Cô muốn những người làm giáo dục phải làm nhiều hơn so với chức năng nhiệm vụ của mình chứ không chỉ làm “tròn vai”. Có như thế, sự nghiệp giáo dục tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung mới thật sự khởi sắc.

 Cô Nguyễn Thị Ngọc Thơ – Bí thư Chi bộ XV, Hiệu trưởng Trường Phổ thông thực hành Sư phạm

Cũng như bao thầy cô bình dị khác, cô Ngọc Thơ cũng hạnh phúc khi nhìn thấy từng thế hệ học trò trưởng thành. Đó là niềm hạnh phúc của những người làm vườn khi thu hoạch bao mùa quả ngọt. Đó cũng là động lực để cô và đồng nghiệp cống hiến hơn nữa cho “sự nghiệp trồng người”.

3. Những trăn trở đầy trách nhiệm

Ấn tượng nhất với tôi sau mỗi cuộc trò chuyện, có lẽ là nụ cười và ánh mắt của các nhân vật. Nụ cười tươi tắn của bạn Mỹ Huyền, nụ cười rạng rỡ của Anh Thư, nụ cười thân thiện của thầy Hải và nụ cười đôn hậu của cô Thơ. Những nụ cười ấy thắp sáng niềm tin và nhiệt huyết cho người đối diện. Có điều, sâu trong mắt mỗi người, tôi vẫn bắt gặp những trăn trở. Trăn trở của Mỹ Huyền về dự án chăm sóc trẻ em nghèo và người già neo đơn; trăn trở của Anh Thư về một không gian thân thiện trong thư viện hay giải pháp giúp e-News hoạt động hiệu quả hơn nữa. Cô Thơ trăn trở nghĩ đến những giải pháp tối ưu để giáo dục học sinh trong thời hiện đại và thầy Hải trăn trở về việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Cũng vì những lẽ đó, nên dù thời gian qua các bạn trẻ, các thầy cô này đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật, được Đảng ủy Trường Đại học An Giang khen thưởng cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhưng hầu như không ai muốn nói nhiều về những gì mình đã làm. Tất cả đều muốn hướng đến những cái “sẽ làm”, những cái “phải làm” cho tập thể, cho cộng đồng. Đó là những trăn trở đầy trách nhiệm và đáng trân trọng biết bao.

Nhiều bạn trẻ cứ thắc mắc, không biết việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phải được cụ thể hóa như thế nào. Tôi cho rằng, chỉ cần mỗi chúng ta làm tốt vai trò, trách nhiệm mà xã hội giao phó, đó chính là noi gương Bác một cách thiết thực nhất. Những gì cô Thơ, thầy Hải, bạn Anh Thư, Mỹ Huyền đã làm được tôi đề cập trong bài viết này không quá cao xa. Đó là những đóng góp bình dị nhưng thiết thực, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Họ như những bông hoa lặng thầm tỏa sắc hương cho khu vườn thêm rực rỡ. Và, mỗi chúng ta ai ai cũng đều có thể trở thành những bông hoa thắm tươi như thế.

MS19 (Ảnh: Tổng hợp)