Để Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 thu hút được nhiều hơn nữa sự tham gia hưởng ứng của Học sinh - Sinh viên Trường ĐHAG, CLB Sách và Bạn đọc đăng các bài hướng dẫn viết bài dự thi đạt chất lượng (đăng thành nhiều kỳ liên tiếp). Tiếp nối phần chuẩn bị ở kỳ 1, CLB "mách nước" với các bạn cách xây dựng một bài giới thiệu sách hoàn chỉnh gồm có 3 phần: Phần mở đầu, phần nội dung và phần kết bài. Đây là dàn ý với những nội dung cơ bản cần có trong bài; ngoài ra trong quá trình viết, các bạn có thể sáng tạo và triển khai, sắp xếp các ý theo chính kiến của bản thân nhé! 

1. PHẦN MỞ ĐẦU

– Nêu tiểu sử, sự nghiệp của tác giả: Tên, năm sinh, quê quán, sự nghiệp…

Ví dụ: Nguyễn Nhật Ánh, sinh năm 1955, tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm về đề tài tuổi mới lớn. Các tác phẩm của ông được nhiều người yêu thích và nhiều tác phẩm được chuyển thành thể phim...

 

- Nêu được vị trí, ý nghĩa của vấn đề chính được trình bày trong sách. Có thể làm rõ thêm vì sao bạn lại chọn cuốn sách này, ấn tượng của bạn như thế nào về nó?

Ví dụ:  Đã bao giờ bạn tự hỏi nên học thế nào cho đúng, cho hiệu quả hay có bao giờ bạn quan tâm tới phương pháp học của mình. Trong một lần hữu duyên, vô tình tôi biết tới “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần. Một quyển sách theo tôi có thể gọi là khai trí, giúp người đọc có các khái niệm cơ bản về học, phương pháp học và làm việc hiệu quả. (Bài giới thiệu sách trên eNews: “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần, tác giả: Đại Phú – DH20VH).

 

 Nêu một số thông tin chính về cuốn sách: Tên sách; Tên tác giả; Nhà xuất bản; Năm xuất bản; Lần xuất bản; Số trang…

Ví dụSau những tập truyện gắn liền với tuổi thơ vùng quê Nam Bộ như “Đốm lửa trên đồng”, “Vua nói dóc”, Nhà văn Mai Bửu Minh tiếp tục làm bạn đọc thích thú với hình ảnh của sông nước miền Tây qua truyện dài “Chiến công siêu phàm”. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. (Bài giới thiệu sách trên eNews: Phiêu lưu cùng “Chiến công siêu phàm”; TG: Minh Anh – TV)

 

 

Phần 2: PHẦN NỘI DUNG

Đây là phần chính của bài giới thiệu. Yêu cầu chung của phần này: Một là phải khái quát, tóm tắt được nội dung chủ đề tác phẩm; hai là nêu được nét đặc sắc mà bạn ấn tượng về sách (có thể là cách viết sáng tạo lôi cuốn của tác giả, có thể là giọng kể hài hước; có thể là tuyến nhân vật được khắc họa đậm nét; có thể là lượng kiến thức “khổng lồ”…); ba là nêu được các giá trị về nội dung của tác phẩm đối với xã hội và bạn đọc…

1. Giới thiệu về nội dung sách:

Có thể nêu bố cục nội dung của cuốn sách, đi từ chương đến các phần. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu chung, mỗi loại sách lại có yêu cầu riêng. Cụ thể:

- Đối với truyện ngắn, tiểu thuyết, kí:

   + Tóm tắt cốt truyện, nội dung chính;

   + Nêu đề tài, chủ đề tư tưởng, lý tưởng, thẩm mĩ (phê phán hoặc ca ngợi, xây dựng cái gì…);

   + Phân tích giá trị của nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm;

   + Có thể khái quát toàn bộ nội dung tác phẩm, nhấn mạnh nội dung quan trọng, hấp dẫn và khéo léo lồng ghép câu văn thể hiện cảm xúc, tình cảm của bản thân. Mục đích để thu hút người đọc, thôi thúc họ tìm ngay đến với tác phẩm.

- Đối với sách chính trị – xã hội:

   + Khái quát được những quan điểm cơ bản được trình bày trong sách;

   + Nêu được những quan điểm về chính trị, các trường phái triết học…;

   + Sự đúng đắn và cần thiết của những quan điểm, vấn đề trong xã hội đối với bạn đọc;

   + Ứng dụng vào thực tiễn, liên hệ bản thân với những nội dung tiêu biểu của sách.

- Đối với những sách lịch sử:

   + Nêu rõ thời gian mà tác phẩm đề cập đến cùng đặc điểm của giai đoạn lịch sử đó.

   + Đối với sách mang dấu ấn địa lý, cần nêu rõ khu vực mà tài liệu đó đề cập tới.

- Đối với sách kỹ thuật:

   + Nêu rõ đối tượng mà sách hướng tới.

   + Cần nêu được vấn đề kỹ thuật và biện pháp giải quyết của tác giả.

   + Liên hệ với thực tiễn, nêu lên giá trị ứng dụng của vấn đề đó trong thực tiễn học tập, nghiên cứu, sản xuất, trong phát triển kinh tế và đời sống,

- Đối với những sách tái bản: Cần nêu được những thay đổi bổ sung chỉnh lý so với lần xuất bản trước.

2.  Giới thiệu về nghệ thuật, phương pháp luận của tác phẩm

     Mỗi loại sách có những yêu cầu giới thiệu về nghệ thuật khác nhau. Đối với sách văn học yêu cầu cao hơn so với sách chính trị, xã hội hoặc kỹ thuật. Tuy nhiên, đôi khi không thể tách bạch rõ ràng giữa phần giới thiệu nội dung và phần giới thiệu về nghệ thuật, đặc biệt với tác phẩm văn học. Có thể đan xen hai phần này một cách mềm mại, làm cho bài giới thiệu sách hấp dẫn. Bài giới thiệu nên làm rõ được những nét đặc sắc nhất trong phong cách văn chương, cách sử dụng ngôn từ, cách hành văn của tác giả.

Yêu cầu chung: Nêu được những thủ pháp nghệ thuật, phương pháp luận nghiên cứu tác phẩm của tác giả.

Yêu cầu cụ thể:

- Đối với sách khoa học chính trị-xã hội:

   + Nêu được phương pháp luận nghiên cứu khoa học được sử dụng như: Đối chiếu so sánh, phân tích thống kê, chọn mẫu…

   + Tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung?

   + Nêu bố cục chặt chẽ, từ ngữ chính xác, cách viết dễ hiểu phù hợp với đối tượng người đọc…

- Đối với sách văn học nghệ thuật: Nêu đóng góp về nghệ thuật của tác phẩm đối với nền văn học và lí luận phê bình văn học.

   + Đối với tác phẩm thơ ca: Phân tích cách sử dụng hình ảnh, tứ thơ, thể thơ, bố cục, ngôn từ, thể hiện tình cảm chủ đạo của tập thơ... 

   + Đối với truyện, kí, tản văn và tiểu thuyết: Phân tích kết cấu cốt truyện, tính cách nhân vật điển hình, ý nghĩa của hình tượng, các chi tiết điển hình, cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ, giọng văn, lối miêu tả…. Làm rõ tác dụng của nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung chủ đề tư tưởng. 

Ví dụ: Với lối kể chuyện chân phương, giàu cảm xúc, từng câu chuyện như được kết nối lại. Thoáng nghĩ, đôi lần tác giả bật khóc khi viết, ngay cả những năm tháng sau này, giở lại từng trang sách ố vàng lòng không khỏi ngậm ngùi về hình ảnh ba mẹ.(Bài giới thiệu sách với tựa đề: Một chút sương, một chút nắng và hương. Tác giả: Ngọc Nho – DH10C).

 

Phần 3: PHẦN KẾT LUẬN

- Khẳng định lại các giá trị của tác phẩm: Nhấn mạnh các giá trị của nó đối với bản thân, cuộc sống xã hội. Một cái kết ăn điểm nhất vẫn là một cái kết mở, nêu ra dẫn chứng cụ thể bạn đã làm được gì cho bản thân nhờ quyển sách này.

Ví dụ: Mỗi câu chuyện chị kể trên sách luôn có một câu châm ngôn của nhiều người nổi tiếng khác trên thế giới, đó là những câu thúc đẩy thế giới trẻ ngày nay hãy lùi về phía sau lấy đà để có thể nhảy xa hơn, vượt qua rào cản để trở thành ngôi sao lấp lánh. Mỗi người sinh ra là một ngôi sao nhưng ngôi sao ấy có thể tỏa sáng hay không đều phụ thuộc vào chính mình đấy. (Bài giới thiệu quyển sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” - Rosie Nguyễn. Tác giả: Kim Ngân – DH19VH).

 

- Khuyến khích người đọc nên tìm mượn, mua và đọc sách.

Ví dụ: Hãy xem quyển sách như một nguồn tri thức về đạo đức để bồi đắp những giá trị tinh thần mà mỗi con người chúng ta nên có. Mời quý độc giả tìm đọc “Bushido the soul of Japan – Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản” ở Kho mượn sách Thư viện Đại học An Giang, mã số: 170.952 – N300. Chúc các bạn thành công!

(Bài giới thiệu sách “Võ sĩ đạo – linh hồn của Nhật Bản” với tựa đề: Học tập tinh thần và văn hóa của người Nhật. Tác giả: Minh tạo – DH15SU)

 

MỘT SỐ LƯU Ý

- Đặt tựa đề và kiểm tra lại để hoàn thiện bài viết:

  + Đọc lại bài giới thiệu sách, chỉnh sửa và hoàn thiện (kiểm tra lỗi chính tả, hành văn, các thông tin…). Súc tích bài với độ dài lý tưởng trong khoảng 1.000 – 1.500 từ.

  + Đặt tựa đề hoàn chỉnh, hấp dẫn (phù hợp với nội dung và tạo được ấn tượng; có thể đặt trước hoặc trong quá trình viết bài giới thiệu).

  + Trích dẫn nội dung từ sách cần đầy đủ, để trong ngoặc kép.

  + Trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo (nếu có).

  + Nhờ thầy cô/ bạn bè/ người thân đọc góp ý (nếu cần)

 

- Bài giới thiệu sách là một dạng bài bình luận chứ không đơn thuần là một bản tóm tắt về sách. Phải kết hợp cả hai, vừa tóm tắt vừa đánh giá, nêu cảm nghĩ, chính kiến.

- Các bài viết giới thiệu sách thường mang tính chất mô tả, cung cấp thông tin cần thiết về cuốn sách. Khi viết cần nêu rõ ý tưởng, thông điệp, mục đích của tác giả. Ngoài ra, cần trích dẫn những đoạn văn, câu văn nổi bật từ sách (nhớ để trong ngoặc kép nhé!).

- Ở phần thân bài, không nhất thiết phải tách bạch giữa việc làm rõ nội dung với nghệ thuật/ phương pháp luận. Có thể lồng ghép vào nhau, chỉ rõ cùng lúc nội dung và nghệ thuật viết của sách đặc sắc ở những điểm nào.

- Hạn chế tối đa việc kể lể dông dài (việc này chẳng khác nào đang viết lại quyển sách theo cách của mình), hãy chọn những ưu điểm, giá trị của sách để làm “sáng” lên bài giới thiệu sách.

- Nên để người đọc đi theo dòng cảm xúc của họ, cuốn hút họ vào bài giới thiệu sách bằng cách liệt kê, chia sẻ cách hiểu và cảm nghĩ từ các chương, các chi tiết tâm đắc, bài học kinh nghiệm mà bạn đã ứng dụng thành công nhờ vào quyển sách này.

- Thông qua bài viết, bạn có thể tham gia đối thoại và thảo luận với tác giả cũng như những bạn đọc khác. Cần tạo nên giọng điệu thân thiện, sử dụng phong cách đối thoại để người đọc dễ cảm, dễ hình dung hơn là dùng ngôn ngữ diễn thuyết sáo rỗng, cứng nhắc.

Sách là người bạn chân thành chia sẻ với ta mọi cảm xúc, bài học giá trị trong cuộc sống. Sách là người thầy đáng kính, là người tận tình hướng dẫn ta đến với tri thức của nhân loại. Ta tìm mua được một cuốn sách quý thì nghĩ ngay đến việc cần lưu giữ cẩn thận để làm “tài sản” cho con cháu mai sau.Ta đọc được một cuốn sách hay liền mong muốn chia sẻ với mọi người để góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong xã hội. Và cách lưu giữ những điều mà ta đúc kết, những cảm nghĩ từ sách hay nhất để có thể chia sẻ, đó là viết bài giới thiệu sách. Chúc các bạn sẽ có được những bài giới thiệu sách thật ưng ý và may mắn trở thành một trong những "quán quân" của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc nha!

Bài viết Kỳ 3 sẽ hướng dẫn các bạn cách triển khai các ý để làm rõ vấn đề "Nếu được chọn trở thành Đại sứ văn hóa đọc, em sẽ có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?". Mời các bạn đón đọc nha! 

 

 

CLB Sách và Bạn đọc