Để phát triển và lan tỏa văn hóa đọc là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và phối hợp của nhà trường, gia đình, xã hội; đòi hỏi các hoạt động đa dạng và sáng tạo, cũng như tạo được văn hoá đọc sách trong học đường. Cùng góp thêm tiếng nói, đề ra kế hoạch và giải pháp khuyến khích phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc là việc làm hết sức ý nghĩa. e-News chia sẻ cách xây dựng bài viết luận bàn về vấn đề này đến học sinh – sinh viên của Trường, mong nhận được góp ý và nhiều bài dự thi hơn nữa!

1.Phần đặt vấn đề:

- Cách 1: Có thể đặt ra bối cảnh tưởng tượng rằng một ngày tôi được bước lên bục vinh danh với danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc và trong buổi lễ trang trọng ấy, tôi đã phát biểu những kế hoạch mà mình đã ấp ủ...

- Cách 2: Trích dẫn danh ngôn, châm ngôn về chủ đề sách; nêu ý nghĩa nội dung chính của bài viết, từ đó chuyển ý vào phần thân bài. Nếu được vinh dự chọn để trở thành một Đại sứ văn hóa đọc thì tôi sẽ có những suy nghĩ, hành động và việc làm để lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người....

- Cách 3: Lập luận phản đề để thấy giá trị, vai trò của sách và văn hóa đọc. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển hiện nay, chỉ cần một cái nhấp chuột thì cả thế giới hiện ra, vậy sách có còn thực sự hữu ích và cần thiết? Vì sao cần... Cũng có thể đặt ra giả thuyết nếu một ngày không có sách, xã hội sẽ ra sao? Hoặc nếu một ngày bạn rời mắt khỏi những trò tiêu khiển trên smartphone để làm bạn chân thành với sách thì thế nào?

--> Có nhiều cách để mở bài; tùy sự sáng tạo và sở thích, cách lập luận của bạn. Quan trọng là nhất thiết phải bám sát câu hỏi để đặt ra vấn đề và gợi dẫn vào nội dung chính; sao cho thống nhất, chặt chẽ và logic với các phần còn lại.

 

2. Phần nội dung chính:

- Nêu được vai trò (tầm quan trọng, sự cần thiết), ý nghĩa của văn hóa đọc trong đời sống xã hội.  

- Sách là món ăn tinh thần, mang lại những giá trị tốt đẹp, bền vững theo thời gian như thế nào? Hình thành thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích gì?

- Thực tế, thực trạng ngày nay:

    + Trong xu thế hội nhập, xã hội ngày càng phát triển, con người càng cần tri thức từ sách;

   + Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, những thông tin tràn lan có khiến người ta ỷ lại và lười đọc sách?

    + Nền tảng giáo dục từ nhà trường, gia đình còn chú trọng rèn luyện thói quen đọc sách?

- Từ thực trạng, bạn khuyến nghị, đề ra kế hoạch và biện pháp để văn hóa đọc và niềm đam mê đọc sách được nhân rộng và thực sự có kết quả tích cực đối với cộng đồng (có thể viết liền mạch hoặc liệt kê theo thứ tự từng kế hoạch nhỏ). Cách lập luận làm sao cho thấy được sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm của bạn đối với văn hóa đọc. Khi lập kế hoạch và biện pháp để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn: Cần xây dựng được kế hoạch hợp lý phù hợp với lứa tuổi; Kế hoạch có tính thực tế, tính khả thi và có tác động đối với cộng đồng; Nêu được nội dung các biện pháp phù hợp với kế hoạch, với đối tượng cần phát triển văn hóa đọc.

- Dưới đây là một vài giải pháp gợi dẫn để làm cơ sở cho các bạn trình bày. Trước những thực trạng và nguyên nhân trên, nếu được chọn trở thành Đại sứ Văn hóa đọc, tôi mong muốn đề xuất kế hoạch và biện pháp cụ thể để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn:

  + Đối với cá nhân: Thứ nhất, mỗi người tự giác nâng cao nhận thức...; Thứ hai, hãy nghiêm túc đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch, thời gian biểu cụ thể.... Thứ ba là hãy quan tâm và thường xuyên đến Thư viện...; Thứ tư là cách chọn không gian, chọn sách...

   + Đối với gia đình: Từ việc làm gương, giáo dục, định hướng của các thành viên trong gia đình. Từ việc bố trí kệ sách, phòng đọc.... trong nhà.

   + Đối với nhà trường: Cần có chiến lược, kế sách gì để học sinh – sinh viên đam mê đọc sách, hiểu được giá trị và vai trò của sách; cách thức để bồi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường (có thể là tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách; kể chuyện về sách; chương trình phát thanh học đường chia sẻ về quyển sách tôi yêu...; có thể là kết hợp lồng ghép các hoạt động về chủ đề SÁCH trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, giờ hướng nghiệp...).

   + Đối với Thư viện các trường, Thư viện Tỉnh, địa phương nên tổ chức, bày trí và có những phương cách phục vụ như thế nào để tạo được thiện cảm, tình yêu với sách, thu hút đông đảo bạn đọc.

   + Đối với tổ chức xã hội, Đoàn thể: Tổ chức các phong trào gì gắn liền với Sách, với văn hóa đọc.

   + Đối với nhà sách, nhà xuất bản, Công ty phát hành sách: Nên thường xuyên tổ chức các hoạt động gì để thu hút sự quan tâm của cộng đồng (ngày Hội sách; các buổi giao lưu ra mắt sách; cà phê sách...)... Ngoài ra, có thể đề xuất, góp ý cách review, chào mời và quảng bá sách sao cho sáng tạo, ấn tượng đối với các tổ chức này.

   + Ngoài ra, có thể đề xuất các mô hình, các cuộc thi kể chuyện từ sách; xe sách lưu động; các sự kiện ngày Hội sách; Con đường sách; CLB Sách và bạn đọc... Lồng ghép vào đấy là những hoạt động phong phú thú vị, vui nhộn và ý nghĩa (như trao đổi sách, bình phẩm về sách, đố vui về sách...), cách thức tổ chức làm sao thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả.... Hoặc tận dụng tính phổ biến của mạng xã hội, các trang như youtube để thường xuyên đăng tải các video, các bài giới thiệu, hình ảnh về sách, các trò chơi sáng tạo hấp dẫn về sách (mini game)... để tạo động lực và hứng thú với phong trào đọc sách trong cộng đồng.

--> Không nhất thiết nêu tất cả các giải pháp kể trên; bạn có thể đề xuất một vài ý tưởng tâm đắc.

--> Phần trả lời cho câu hỏi này được điểm cao hay thấp còn tùy thuộc vào phần nêu ý tưởng của bạn có độc đáo, sáng tạo và khả thi hay không? Do đó, bạn cứ mạnh dạn đề xuất ý tưởng, giải pháp nào mà bạn cho là hay nhất, thiết thực và phù hợp nhất. Đồng thời nhớ tập trung khai thác sâu và diễn giải làm rõ nội dung, trình bày cách thức thực hiện cụ thể, dễ hiểu nhé!

3. Phần kết:

- Khẳng định sức mạnh và giá trị của sách.

- Bày tỏ hy vọng với những giải pháp đã đề xuất sẽ góp phần thay đổi nhận thức, cùng lan tỏa văn hóa đọc, cùng chia sẻ về những quyển sách hay. 

--> Kết bài cần đầu tư viết ngắn gọn, cô đọng và có sức thuyết phục, ảnh hưởng (tạo một điểm nhấn đáng nhớ để khép lại bài).

Lưu ý:

- Hình thức trình bày bài dự thi: Chú ý đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp, văn phong lưu loát, truyền cảm.

- Trích dẫn: Thí sinh cần phải mô tả nguồn đầy đủ khi sử dụng trích dẫn, các nội dung, đoạn văn, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi.

- Các bài tham dự chung kết: Thí sinh nộp bài dự thi kèm theo thông tin đầy đủ (theo biểu mẫu quy định) theo địa chỉ đã được Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2020 vòng sơ khảo quy định.

Chúc các bạn thành công và có nhiều hứng khởi khi tham dự Cuộc thi nhé!

 

Mời xem các bài viết liên quan dưới đây: 

1.

 

2. 

 

3. 

 

CLB Sách và Bạn đọc, e-News