Trải dài trong lịch sử Việt Nam là hành trình dựng nước và giữ nước của mỗi triều đại, mỗi giai đoạn lịch sử, với nhiều sự hy sinh lớn lao qua những những lần đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ. Mỗi một trận chiến là một lần oanh liệt và tự hào bởi dòng máu Lạc Hồng bất khuất. Các cuộc đấu tranh anh dũng ấy đã làm rạng rỡ  dân tộc, điểm thêm vào lịch sử những vết son chói lọi, hào hùng. Trong nhiều triều đại với nhiều cuộc đấu tranh oanh liệt, có lẽ không thể không nhắc đến triều đại nhà Trần, triều đại hiển hách nhất lịch sử dân tộc.

Nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam không hẳn vì 3 lần đánh đuổi được quân Mông – Nguyên,đội quân thiện chiến và hung bạo nhất trong lịch sử thế giới trung đại, với sức mạnh làm rung chuyển châu Á sang châu Âu. Sự lẫy lừng và sức mạnh của triều đại nhà Trần đến từ khối đại đoàn kết giữa vua – tôi, quân – dân, sức mạnh này không chỉ thể hiện trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn thể hiện trong quá trình xây dựng đất nước của vua tôi nhà Trần.

 Nó chính là sự kết tinh và nhất thể hóa tinh thần đoàn kết của mỗi người dân với vận mệnh đất nước, sự anh minh và dũng khí của các vị vua và dũng tướng, sự lỗi lạc của những bậc danh Nho dưới thời nhà Trần, sự đồng lòng của toàn dân; chính những điều đó đã tạo nên một làn sóng sức mạnh dân tộc của một thời đại mang tên “hào khí Đông A” cuốn phăng mọi kẻ thủ, vượt hết mọi trở lực để  bảo vệ nền độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến lên.

 "Hào Khí Đông A" không chỉ vì chữ “Đông A” (nhà Trần) được viết theo lối chiết tự trong tiếng Hán, nó còn được hiểu là giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc dưới thời nhà Trần, tạo nên hào khí ngút trời, làm nên những chiến thắng vang dội trước đội quân mạnh nhất thế giới thời trung đại. Nó cũng là hào khí của dân tộc Việt thời nhà Trần được thể hiện từ tinh thần hy sinh, tinh thần đoàn kết từ già đến trẻ, từ gái đến trai, từ vua - quan, binh sĩ đến thường dân đều chung một lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc. Khi ấy ta không còn chỉ thấy thế giặc mạnh, hung tàn với “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy” mà còn thấy sức mạnh to lớn khi phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba lần đánh quân Mông nguyên là ba lần nhà Trần phải hợp sức đại đoàn kết. Ở thời nhà Trần, không chỉ thấy những vị chủ tướng tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải hay Phạm Ngũ Lão… mà còn thấy những người nô bộc trung thành tham gia và sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, vì chủ tướng như Yết Kiêu, Dã Tượng.... Không chỉ có các bô lão ở hội nghị Diên Hồng “muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng” mà còn có những người trẻ tuổi anh hùng như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam khi không đủ tuổi bàn việc nước trong hội nghị Bình Than (1282). Khi có giặc ngoại xâm không chỉ có nhà vua đích thân dẫn binh đánh giặc (Trần Thái Tông trong lần kháng chiến chống quân Mông Cổ, 1258) mà còn có những người dân đứng lên, tập hợp và tổ chức đánh phục kích làm tiêu hao lực lượng giặc.

Sức mạnh dân tộc tạo nên hào khí đến từ sự đoàn kết của triều đại, dòng tộc nhà Trần

“Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sứclà lời nói của danh tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn! Quả thật, câu nói đã lột tả được nguồn gốc của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã làm cho quân thù khiếp sợ trước tinh thần tiến lên như từng cơn sóng lớn của quân dân nhà Trần, đó chính là tinh thần dân tộc trỗi dậy, chí khí hào hùng hơn bao giờ hết.

            Hội nghị Bình Than (1282) – nơi nghị bàn chiến sự và phương thức tác chiến của triều đình đã cho thấy đức độ của vua Trần Thánh Tông, sẵn sàng gạt bỏ mọi lỗi lầm để trọng dụng danh tướng “lắm tài nhiều tật” Trần Khánh Dư, và ắt hẳn cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi “thương lái” Trần Khánh Dư lại chèo thuyền đi ngang bến Bình Than đúng ngày hội nghị. Và cũng chẳng thể ngờ một cậu bé thiếu niên được xem là công tử nhà Trần lúc bấy giờ lại nuôi dưỡng ý chí căm thù và mong muốn được đứng trong hàng ngũ tướng lĩnh nhà Trần xông pha trận mạc, vì chưa đủ tuổi dự hội nghị, cậu thiếu niên Trần Quốc Toản đã bóp nát quả được tặng trong tay lúc nào không hay; sau đó lại triệu tập gia nô, thân thuộc tạo nên một đội quân đầy dũng khí với “lá cờ thiêu sáu chữ vàng” -  phá cường địch, báo hoàng ân -  một hành động thể hiện tinh thần bất khuất và khí chất anh dũng của cậu thiếu niên 15 tuổi đứng trước họa ngoại xâm của dân tộc. [Đội quân của Trần Quốc Toản sau đó chiến đấu dưới sự chỉ huy của  Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật].

Anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản (Tranh minh họa, nguồn: nxbkimdong.com.vn)

            Trong mối họa của đất nước, chẳng còn ai nhớ đến mối thù gia biến năm xưa giữa cha của Trần Quốc Tuấn Trần Quang Khải, khi đó người ta chỉ còn nhớ Trần Quốc Tuấn "sai người nấu nước thơm, tự tay tắm cho Trần Quang Khải" rửa sạch mối hiềm thù. Khi ấy chẳng còn mối thù nhà mà trong lòng họ bấy giờ chỉ còn chung nợ nước. Hay với một tướng nhân, tướng nghĩa như Trần Hưng Đạo đã sẵn sàng vứt bỏ mũi giáo khi đang hộ giá vua (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông) trên đường lui binh từ Thiên Trường (Nam Định) về vùng Đông Bắc trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần 2 (1285), hành động của ông đã bồi đắp thêm cho sức mạnh dân tộc thể hiện từ sự đoàn kết của dòng tộc, dù trước đó giữa cha ông (Trần Liễu) có mối thù với vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh, em Trần Liễu).

Danh tướng chỉ huy quân đội nhà Trần trong 2 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1285, 1287-1288) (Nguồn: zingnews.vn)

            Trước ngoại xâm, khi lần đấu đối mặt với một thế lực đã càn quét, chinh chiến khắp Á – Âu, khi những người đứng đầu đất nước chưa vững lòng tin chiến thắng thì đã có những Trần Thủ Độ với câu nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất! Xin bệ hạ đừng lo!”; hay những lúc dòng tộc nhà Trần trốn chạy và đầu hàng trước sự quay lại của quân thù đã tạo ra sự lo lắng cho những bậc minh quân đứng trước thời cuộc, lúc bấy giờ lại có một dũng tướng Trần Hưng Đạo trấn an: “Nếu bệ hạ muốn hàng! Xin hãy chém đầu thần trước!”. Những câu nói đầy tự hào và ý chí, tinh thần tiến lên của dân tộc đã đưa đến những quyết định sáng suốt của các vị vua Trần, tạo nên sức mạnh trước hết trong nội bộ triều đại, dòng tộc, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết và chí khí đến toàn dân, tạo nên một làn sóng sức mạnh vượt hết mọi trở ngại, đưa toàn dân, tộc tộc trở thành một khối đoàn kết thống nhất, đánh tan mọi quân thù xâm lược!

Tham khảo:

Đinh Xuân Lâm, cb (2018), Đại cương lịch Việt Nam, Hà Nội: Nxb Giáo dục

Nguyễn Quang Ngọc (2016), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Hà Nội: Nxb Giáo dục

Nguyễn Khắc Thuần (2014), Danh tướng Việt Nam, tập 1, Hà Nội: Nxb Giáo dục

Nguyễn Khắc Thuần (2018), Việt sử giai thoại, tập 3, Hà Nội: Nxb Giáo dục

Nhựt Băng - DH21SU

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.