Dòng sông mẹ Mê Kông chảy vào nước ta với hai nhánh sông mang phù sa trù phú đến cho đồng ruộng, thiên nhiên ưu ái cho mảnh đất nơi đây nhiều sản vật nước ngọt mà không phải vùng đất nào cũng có. Và có lẽ mà vì thế con người bao năm qua sinh sống ở nơi đây đã hào phóng, đậm tình đậm nghĩa như cái cách mà thiên nhiên đã mang đến cho họ, sự hào sảng, thiện lương và chất phác đã là tính cách đặc trưng của người miền Tây nói chung và mảnh đất An Giang nói riêng.
An Giang có gì mà khiến cho bao người thương bao người nhớ, nếu bạn đam mê xê dịch và muốn khám phá vùng đất bảy núi này nhưng chưa có cơ hội thì hãy cùng tôi theo chân tác giả Trần Sang – người con của mảnh đất Tân Châu, An Giang, cùng đọc và khám phá nét sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây thông qua tập bút kí “Nơi đầu nguồn sông Hậu” được tác giả dày công chấp bút từ chất liệu cuộc sống.
“Nơi đầu nguồn sông Hậu” – Tập bút kí gồm những câu chuyện ở từng vùng quê khác nhau thuộc nơi mảnh đất đầu nguồn nhánh sông Hậu hiền hòa, chủ yếu tập trung ở An Giang. Đọc và chiêm nghiệm từng câu chuyện cũng như biết thêm về cuộc đời những người dân lao động chân chất nơi đây, những con người hiền hòa, giàu tình thương và hào sảng như cái mảnh đất này, không chỉ vậy, tập bút kí còn mang đến cho người đọc về cuộc đời và những chiến công, những hi sinh to lớn của con người vùng đất trù phú này. Họ ra đi khi đang độ tuổi đôi mươi, khi nhựa sống đang dâng trào trong từng nhịp đập nơi con tim họ, họ ra đi để đất nước này được yên bình, để nhân dân có được một cuộc sống ấm no.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiaoangiang.vn
Phải có tình cảm sâu nặng với con người và từng tấc đất nơi đầu nguồn sông Hậu này thì tác giả mới có thể viết thật và đầy cảm xúc đến như vậy. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc sẽ đi theo bước chân của tác giả đến những vùng quê thanh bình để trải nghiệm về từng nét đặc trưng riêng mà không thể lẫn ở nơi nào được, đó có thể là ngôi làng Ô Lâm, Văn Giáo... nơi các chiến sĩ bộ đội chiến đấu ngày đêm những ngày còn giặc Tây, sống một thời oanh liệt cùng nhân dân trong chiến tranh biên giới Tây Nam (Trên vùng đất Ô Lâm – Văn Giáo xuân về). Cùng học hỏi những nghề truyền thống của từng nơi, dù chỉ cầm sách đọc nhưng tôi dường như đã thật sự hòa mình và đang sống trong những làng nghề ấy vậy, cái mùi thơm đặc trưng của lá trầu Long Sơn (Vườn trầu bên sông Tiền), những hạt sương bám bụi đen nơi chợ nổi tro Trà Thôn (Chợ tro nổi Trà Ôn), hay đã mắt với cảnh phơi chiếu của làng Định Yên (Trăm năm chiếu lác Định Yên)... không chỉ dừng lại ở đó, cuộc sống và nét sinh hoạt của từng nơi bước chân tác giả đặt đến đều được khắc họa rõ nét, nét sinh hoạt đậm bản sắc của người Khmer dưới chân núi Cô Tô (Cuộc sống mơi của đồng bào Khmer), người dân làng Chăm Khánh Hòa bên dòng sông Hậu (Xóm Chăm bên bờ sông Hậu), của người Kinh ở dòng sông Năm Xã – một nhánh của sông Hậu (Lặng lẽ phía đầu nguồn)... Sự thay đổi của làng xóm khi được sự quan tâm của nhà nước, từng luống rau người lính ngày ngày vun trồng như tác giả đã nói:
“Khi cuộc sống của bà con người Khmer đã được ổn định và ngày càng khấm khá thì các phum sóc, nhà chùa lại hằng ngày vang lên tiếng trống Sa dăm, tiếng nhạc ngũ âm, hòa lẫn tiếng ca và điệu múa Lâm thôn, A dây, Dù kê. Các lễ hội đặc sắc như Sen Đônta, Chôl Chnăm Thmay, Oóc Om Bóc càng làm náo nức lòng người, từ đó làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ...” – Cuộc sống mới của đồng bào Khmer.
“Tôi cảm nhận được xung quanh mình là một khung cảnh bình yên, tươi tốt và thân thuộc. Màu xanh mát rượi của cây cối, của luống rau tươi, của những giàn đậu đũa sai trái lủng lẳng, những cây đu đủ quả mập mạp từ gốc tới ngọn, những cây cà tím, trái to và dài gần chạm đất. Và những luống rau muống, cải bẹ xanh, cải ngọt đang tươi tốt, xanh um, khẽ đung đưa trong gió... tất cả toát lên một sức sống mãnh liệt nhưng cũng rất hồn hậu và tươi trẻ nơi miền biên giới Tây Nam trong những ngày nắng đổ này” – Vườn rau của lính.
Được sống, được có cơ hội nghe từng câu chuyện về mỗi con người nơi đây làm tôi có thêm tình yêu vào cuộc sống, đâu đó vẫn luôn hiện hữu điều lương thiện, những con người sống tử tế với mọi người, và cả những người đã nằm xuống để thế hệ chúng ta được sống trong hòa bình. Đó là chị Néang Nghés – một người nữ anh hùng dân tộc Khmer đã anh dũng hi sinh để từng tấc đất của Tổ quốc được giữ vững. Hay trực tiếp gặp nhân chứng còn sống để hiểu thêm về khí tiết vang trời của họ - tôi đang nói đến người con gái kiên trung của mảnh đất Nhơn Hưng, bà Đỗ Thị Cam. Là tấm lòng từ bi, thương người của Đại đức Thích Thiện Đức ở chùa Vĩnh Quang, thầy đã dùng cuộc đời mình để cưu mang, nuôi dưỡng những em học trò nghèo ham học, dạy bảo các em có tật xấu... những con người nơi đây hiền hòa và đáng yêu như nơi đầu nguồn sông Hậu này, chở đầy phù sa ngọt lịm cho cả vùng đất châu thổ.
Tác giả Trần Sang còn nhắc người đọc về phong tục truyền thống “uống nuốc nhớ nguồn” đầy thiêng liêng, chúng ta kính cẩn và biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống khi tham quan Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc ở Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang; thăm ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở lúc niên thiếu trên cù lao Mỹ Hòa Hưng đậm tình.
Sự tâm huyết của nhà văn đặt vào cả tập bút kí, anh đã đưa ra từng con số thống kê cụ thể, từng câu chuyện về cuộc đời các nhân vật được ông đưa vào đều có tính xác thực cao, từng chi tiết nhỏ đều được anh chăm chút một cách tỉ mỉ.
Người ta thường nói: “An Giang cảnh trí mỹ miều
Ta thương, ta nhớ ta liều ta đi”
Vì lẽ đó mà vùng đất này luôn có một sức hút rất lớn đối với các nhà văn nhà thơ, giới văn nghệ sĩ. Mảnh đất đầu nguồn sông Hậu này là cảm hứng bất tận cho những sáng tác đi vào lòng người. Bản thân tôi hi vọng rằng “Nơi đầu nguồn sông Hậu” sẽ là quyển sách được tất cả các bạn chiêm nghiệm để hiểu rõ hơn về vùng đất và con người nơi đâ, được khám phá từng vùng đất nơi phía thượng nguồn dòng sông Hậu sẽ cho ta nhiều cảm xúc và một cái nhìn mới mẻ, chân thực.
Nguyễn Văn Mẫn - DH23NV
Viết lời bình