Mấy hôm nay trời cứ mưa rỉ rả suốt từ sáng đến chiều, cũng phải, đang vào độ bão lốc tiến vào đất liền. Cơn giông lốc mỗi lúc một lớn mà sức con người thì làm sao có thể kháng cự với tự nhiên, có chăng là càng khiến cho thiên nhiên thêm biến dạng? Mưa lớn, cảm giác nhịp đập của cuộc sống như chậm chạp đi, thành phố bỗng chốc im lìm, hiu vắng. Cả phố chìm vào một màu xám xịt. Những hạt mưa lành lạnh bay tơi tả, phút chốc tình thân của một gia đình được nồng nàn sưởi ấm, tôi bắt gặp hai ông bà lớn tuổi đoán chừng ở độ “thất thập cổ lai hy” đang nhâm nhi từng ngụm trà còn bốc lên cột khói. Các cụ ngồi trong vườn cây cảnh trang hoàng, sang trọng trước sân, trông hai ông bà rất vui họ nhìn nhau nói điều gì đó, rồi lại cười.

Tôi là một sinh viên xa nhà, xa quê cắp sách vở xuống thành phố nhộn nhịp này học tập, mấy chốc nhớ gia đình mà gặp hai cụ như thế trong lòng cũng vui hơn một chút. Tình cảm như nắng ban mai, ấm áp và lan truyền. Ai cũng bảo muốn sống ở thành phố thì nên chen chúc, khôn ranh thì mới không thua thiệt. Tôi nghe thì nghe vậy, chứ chân ướt chân ráo thì biết ranh mảnh kiểu gì đây, có chăng là đem theo tình người thôn quê làm hành lý, lắm khi khờ dại. Mưa nhẹ hạt hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: gnite.com.vn

Tôi dừng xe trước trọ loay hoay tìm chìa khóa vào nhà, một thằng bé bán vé số ngồi co ro, hai tay đan xiết vào nhau vì gió lạnh tạt qua thân hình gầy gò, hốc hác, thằng bé chỉ mặc bộ đồ bóng đá mỏng manh đơn giản. Lạ lắm! Nó cứ ngồi đấy sau chừng nửa tiếng khi tôi vào nhà. Vốn dĩ tôi cũng chẳng bận tâm cho kiếp người mưu sinh từ lúc còn tuổi ăn tuổi học, mấy khi chính tôi còn ghen tị với họ vì những đứa trẻ ấy đã biết làm ra tiền, còn tôi tuy “có tuổi” nhưng vẫn phải dựa dẫm vào gia đình. Điều tôi chú ý ở em là đôi mắt rưng rức hoen đỏ, tôi lân la tiến đến bắt chuyện coi như giải tỏa nỗi thắc mắc trong lòng.

Tôi hỏi mua một tờ vé số, em chìa đôi tay yếu ớt, xanh xao đưa tôi xem qua một lượt, chỉ còn khoảng sáu vé. Tôi rút bừa một vé rồi hỏi em sao lại ngồi đây khi sắp bán hết.

Câu hỏi như đánh vào trong lòng đứa trẻ khiến nước mắt tuôn ra giàn giụa, trong lời nói uấtnghẹn kia tôi nghe được bé vừa bị một đám to con nào đó bắt nạt, chúng lấy đi 9 tấm vé số và mười nghìn đồng, may mà tụi ấy không lấy hết nếu không…thì…thằng bé nức nở, nó khóc nghẹn từng tiếng một trong cơn mưa chưa chịu dịu đi.

Nén cảm xúc, thằng bé lại thinh lặng như cam chịu mà hai hàng lệ vẫn rơi, hai tay một lần nữa đan xiết để tự sưởi ấm cho mình. Phận nghèo phải bươn chải, vậy mà tụi ác nhơn thất đức nào còn dám làm chuyện tày đình, đến một đứa nhỏ cũng chẳng tha. Trong lòng tôi chưa biết có tin vào câu chuyện hay không, nhưng cảm xúc ấy, nước mắt ấy thì làm sao em có thể giả dối để lấy lòng thương hại của một người qua đường như tôi.

Giờ, em không dám về nhà vì sợ. Em sợ ba lấy dây thắt lưng ra đánh, có khi chỉ cần một cái hất tay là ba có thể ném em ra khỏi nhà, chưa kể, mẹ sẽ mắng những lời cay nghiệt, xé lòng…chỉ vì bị cướp. Với tôi, số tiền ấy không quá lớn, thậm chí tôi có thể tự kiếm được, nhưng với em ngay lúc này, nó như sinh mệnh của em trong chiều nay, em phải làm thế nào để tránh những trận đòn roi, những lời mắng mỏ hay cú hất tung của ba như trời giáng. Rồi, em lại khóc. Cái thân hình nhỏ con chưa tới bốn mươi ký ấy run lên từng đợt.

Tôi hỏi em còn đi học không, em gật đầu. Lớp mấy rồi? Dạ, lớp bảy. Sau này em tính làm nghề gì? Là một cảnh sát bắt tội phạm. Giỏi! Tôi mở ví lấy tờ một trăm nghìn đồng đưa ra trước mặt em, đồng tử thằng bé tròn xoe trông thấy. Nhìn vào đôi mắt em, tôi nhớ bản thân mình ngày xưa cũng như thế, từng ngạc nhiên với món quà bất ngờ của ba, mẹ tặng trong ngày đậu tốt nghiệp phổ thông, hạnh phúc ấy, tôi nhớ mãi. Còn ngay lúc này, ánh mắt như kẻ đuối nước vớ được phao hiện ra rõ ràng trên gương mặt thằng bé 13 tuổi. Có thể đau thương và hạnh phúc đến với em quá đường đột, em hơi bối rối, nửa muốn cầm nửa muốn không. Thằng bé thỏ thẻ, em được dạy là không lấy tiền khi nó không phải do mình làm ra. Tôi gật gù, phải nhưng hãy để tôi nuôi dưỡng tiếp tục giấc mơ của em vì tương lai, em sẽ trưởng thành và nuôi dưỡng tiếp tục giấc mơ khác.

Trời ngừng mưa mà cơn gió lạnh còn thổi làm rơi đi những phiến lá héo tàn, cuộc trò chuyện ngẫu nhiên giữa tôi và em bán vé số đã xong từ lâu. Trên ghế đá lạnh lẽo tôi ngồi đấy nghĩ về hai vợ chồng già, thằng bé và tôi. Một trăm nghìn với tôi là số tiền có thể ăn trong một tuần ở thành phố và gần một tháng ở quê nếu biết tiết kiệm, tôi vun tay khá mạnh rồi nhưng nhớ về em, với dáng người teo tóp lầm lũi đi vào góc hẻm mời khách mua vé số trên tay mà xót xa. Một trăm nghìn có thể đỡ một trận đòn roi thì cũng đáng. Một trăm nghìn có thể chu cấp cho một ước mơ xa vời, thậm chí không có thật thì cũng đáng vì tương lai mà, không biết trước được. Rồi trong đầu tôi hình dung ra một chàng trai cao, to mặc bộ trang phục xanh từ đầu đến chân nhìn tôi mà cười.

 

Huỳnh Chí Thiện – DH21NV – Bút nhóm Đồng Xanh

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.