Những ngày tháng ba, gió vi vu xạc xào trên mấy ngọn bạch đàn đứng tuổi, chúng cao vút như chạm mây. Chiều tà, nắng chưa dứt hẳn, còn chút vương vấn một ngày đổ lửa. Tôi phóng tầm mắt xuyên qua những cánh đồng vừa gặt, đường chân trời từ khi nào đã bị che khuất đi bởi những tòa cao ốc, những khu dân cư mới mọc. Xa xa nơi đồng trống, vài ba cánh diều của cô cậu học trò áo trắng nào đó vừa chạy đà cho gió nâng lên trên nền trời xanh thẫm, tôi rạo rực và có chút bồi hồi!

Vào cỡ tháng ba, tháng tư hằng năm, sau mùa gặt, những cánh đồng lúa hôm nào còn bạt ngàn vàng ươm trĩu nặng bỗng chốc hóa thành một khoảng sân khổng lồ phủ màu rơm, rạ. Tôi thấy mừng, mừng vì ở quê tôi bao đời nay chẳng bao giờ vắng bóng những cánh diều khi mùa gió về rì rào suốt ngày trên mấy rặng tre già đầu xóm. Nhìn lũ trẻ ngoài đồng háo hức thi đua nhau thả diều mà tôi thầy lòng an yên khó tả. Dân nông thôn nên đứa nào đứa nấy đôi chân cũng thoăn thoắt, chỉ vài mươi bước chạy đà, những cánh diều đã phấp phới trên nền mây. Tôi nhớ mình cũng có một thời như thế…

Ảnh minh họa - Nguồn: vnexpress.net

Ngắm nhìn những con diều cá mập, diều cô tiên, diều bươm bướm đang nô đùa cùng gió, chúng có vẻ đẹp hơn nhiều so với con diều của tôi ngày ấy. Nhưng, ngày nay xã hội càng tiến bộ thì giá trị tinh thần của những cánh diều ít nhiều mất mát, lũ trẻ xóm tôi có thể dễ dàng mua và chọn ở mọi cửa hàng tạp hóa. Tôi nhớ và thương cánh diều của tôi ngày thơ bé, món quà vô giá của ông ngoại dành tặng cho lũ cháu “quậy đục nước” của mình mỗi dịp cánh đồng sau hè lên màu rơm rạ, nắng đã hong khô cứng mặt lớp bùn. Cũng là bụi tre sau vườn được ông cố trồng từ thời giải phóng, đến nay còn xanh tốt um tùm, bụi tre mà ngày ấy chính tay ông ngoại lựa những thân cây không quá già cũng chẳng quá non, đến độ dẻo vừa chắt thịt là được. Ngoại chặt mang về, rồi chuốt thành những chiếc nang diều mỏng nhẹ nhưng rất chắc chắn. Diều của ngoại mần cho chúng tôi chẳng bao giờ bị gió bẻ gãy “xương”, và luôn luôn bay cao hơn so với diều của lũ bạn trong xóm.

Chất liệu mà ông ngoại làm diều cho cháu cũng chẳng có thứ gì xa lạ và tốn kém. Đơn thuần chỉ là vài cái ruột bao phân bằng nilon trắng, vài thanh tre được chuốt nhẵn bóng là có ngay vài con diều cho bầy cháu. Đứa nào đứa nấy mỗi khi thấy ngoại bày nguyên liệu ra làm diều thì ai cũng háo hức ngồi bu quanh coi ngoại làm, xem để thèm thuồng và nghĩ tới những bước chạy đà trên đồng gió mát rượi chiều quê, và xem để “học nghề” từ ngoại. Mỗi con diều gồm hai thanh tre làm khung, ngoại hay dí dỏm gọi đó là hai cái “xương diều”. Thân diều được cắt theo hình tứ giác, ngoại đặt một thanh tre cứng cáp nằm dọc ngay giữa nối hai đỉnh của tứ giác lại với nhau, và cột cố định bằng dây chỉ. Còn một thanh tre mềm và dẻo hơn thì ngoại đặt nằm ngang bẻ hơi cong, nối hai đỉnh còn lại. Cuối cùng chỉ việc dán thêm đôi cánh, cái đuôi và cột dây răng vào nữa là diều có thể tung bay.

Tôi nhớ ngoại làm diều cho tôi chỉ có vài ba lần. Sau khi đã nắm chắc cách làm, tôi bảo ngoại cho mấy anh em tụi tôi tự trải nghiệm. Ngồi “dòm” ngoại “mần” diều thì trông thật dễ dàng, nhưng đến khi làm thì biết, chẳng “dễ ăn” một chút nào như tôi nghĩ. Lần đầu làm, thằng em họ tôi cầm mác chuốt tre, trông cái thằng lọng cọng hết sức! Thế rồi nó dính ngay một đường vào ngón tay cái, rất sâu, đến giờ còn in hằn vết sẹo. Ngày ấy, ngoại khen tôi có khiếu nhất, khéo tay giống ngoại, tôi chuốt tre mau mà vẫn bóng bẩy, lựa đúng tre vừa tuổi. Con diều đầu tiên do chính tay tôi làm khiến mấy đứa anh em họ tôi trầm trồ, tôi mang nó ra đồng chơi cùng với tụi thằng Khía cùng xóm, tụi nó cũng biết tự làm diều bọc như tôi. Nhưng diều của đám thằng Khía xấu hơn nhiều so với diều của mấy anh em tôi, tụi nó thằng thì cắt bọc không đều, thằng thì dán cái đuôi quá ngắn, không canh ngay giữa, thằng thì cột dây lỏng lẻo, thằng thì chuốt nan còn sần sùi, to và thô trông mất thẩm mỹ...!

Lần đầu mang diều ra thi thố với chúng bạn, tôi tự tin vô cùng vào thành phẩm đầu tay mà tôi học nghề từ ngoại, nhưng cũng chính lần đó đã làm tôi khóc suốt mấy ngày liền… Không phải vì diều tôi bay thua lũ bạn, cũng không phải diều tôi xấu hơn, con diều của tôi được tất cả đám bạn công nhận là đẹp nhất, vậy tại sao khóc? Chắc cũng do “ẩu”. Một con diều đẹp đến đâu nếu không có một sợi dây đủ chắc chắn để làm điểm tựa thì cũng bằng thừa. Tôi đã không kiểm tra dây răng trước khi diều cất cánh, thật xui cho tôi, trên dây khi ấy có một vết đứt nhỏ, với sức gió và sức bay của diều thì đứt dây là điều hoàn toàn có thể. Đến khi tôi phát hiện thì đã muộn, diều đã bay xa khỏi tầm nhìn, nó biến đi mất hút trong sự níu kéo vô vọng của một thằng bé. Tôi tiếc con diều “đứt ruột”. Nhưng buồn vài ngày rồi thôi, tôi lại làm con mới. Lần này tôi rút kinh nghiệm, mua một cuộn dây răng mới tinh và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho diều bay cùng gió…

Như thường lệ của những mùa diều, cứ chiều chiều là ông ngoại sẽ ra đồng với tụi con nít chúng tôi. Cả đám nhỏ hơn chục đứa thi nhau thả diều, huyên náo cả cánh đồng quê. Riêng ngoại, ông ngồi ngồi tựa lưng vào đống rơm, trông tư thế của ông thật ung dung và thư thái. Có lần tôi thắc mắc và hỏi ngoại bằng giọng điệu hồn nhiên của thằng nhóc tám tuổi “ông ngoại già vậy rồi mà còn thích coi diều nữa sao?”. Ông cười giòn tan, xoa đầu thằng cháu ngoại, “ông thích thả diều lắm, mà già rồi, chạy làm sao nổi, nên ngồi coi mấy con thả nè! Ngắm diều bay làm ông vui lắm, tâm hồn cũng nhẹ te như cánh diều, bao muộn phiền gì đó tan sạch hết”. Tôi vẫn cảm thấy ông nói đúng, đơn giản vì mỗi khi thả diều, chúng tôi quên sạch sành sanh bao chuyện không vui của cái tuổi ăn tuổi học, như là bài kiểm tra bị điểm nhỏ, bị cha má rầy la, bị thầy cô trách phạt…

Có lần, khi mà diều của tất cả bọn tôi yên vị trên không, ông gọi chúng tôi lại ngồi. Ông đố, “tụi con thả diều đó giờ, hổng mấy đứa nào nói cho ông ngoại biết con diều nó bay lên được là nhờ cái gì vậy?”. Thằng Thành em họ tôi thì bảo nhờ gió, thằng Khang thì hô là nhờ cánh diều, con Mén thì hô là nhờ cái đuôi, còn tôi, tôi gom tất cả ý của tụi nó lại, “dạ thưa ông ngoại, con nghĩ con diều mà bay lên được là nhờ cánh diều, đuôi diều và cả gió nữa ạ!”. Ông cười hiền rồi xoa đầu chúng tôi, “tụi con ai cũng nói trúng hết, nhưng chưa có đủ. Sao mấy con không kể tới dây răng? Không có dây thì diều bay thế nào cho được?”. Bọn tôi gật đầu dạ dạ lia lịa. Chưa đợi chúng tôi nói gì thêm, ông bảo “trên đời, ta chỉ mải miết lo nhìn bề nổi, cái dễ thấy mà quên mất đi những điều thầm lặng. Mọi đóng góp đều đáng được coi trọng như nhau. Sau này lớn lên, tụi con nhớ nhìn nhận cho thật trúng, thật kỹ, chớ quên đi những điều bé, việc nhỏ, những hy sinh lặng thầm của người khác đó nghen con!”… Tôi tạc những lời dạy của ông ngoại vào tim như cách người ta tạc chữ lên đá. Càng nhớ lại càng thương khó tả!

Đã hơn năm năm rồi, tôi không còn nghe giọng ngoại, không còn thấy dáng ngồi ung dung tựa lưng vào đống rơm chiều xem cháu thả diều… Nhưng đâu đó, mỗi khi mùa diều về, những cánh diều lại bay lên cao vút, tôi lại thấy bóng ngoại mỉm cười trong vòm mây trắng, giọng ngoại ấm áp và hào sảng như còn vang vọng mãi đâu đây, trong làn gió đồng tình quê mát rượi.

Lê Văn Nhân – DH22NV (Bút nhóm Đồng xanh)

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.