Với 12 truyện ngắn và 5 tập văn - tập sách Phù Sa Châu Thổ của nhà văn Hoài Hương do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh phát hành đã mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc đan xen với đó là những vấn đề thời sự nóng bỏng như môi trường, đại dịch Covid -19 và niềm trăn trở song hành với trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước. ậVới ngòi bút trẻ trung, sinh động, nhà văn Hoài Hương đã cho người đọc đi qua nhiều khung cảnh, sắc thái của miền quê Tây Nam Bộ - nơi có dòng sông Cửu Long Giang cuộn sóng, đàn cá linh non theo lũ tràn xuống…, (Phù Sa Châu Thổ) đến niềm tự hào về vùng đất Viễn Đông hòn ngọc nổi tiếng vùng Đông Nam Á (Vâng! Đó là thành phố quê hương tôi), một thành phố từ bao đời nay luôn trong một tiết tấu nhộn nhịp dồn dập, vun vút tốc độ, đa chiều đa âm sắc (Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử) để rồi chấm phá trong sự “ồn ào” đó là những nốt trầm, những khoảng lặng hun hút sâu giống con hẻm đìu hiu, những nút thắt buộc chằng chéo những hàng cây phố, tỏ dấu bị phong tỏa, bị cách ly (Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử) những nỗi đau thương, mất mát trong đại dịch Covid – 19 tàn khốc đã khiến cho thành phố giãn cách lần một, lần hai, rồi lần ba, tới lần bốn, lần năm… Thành phố rơi vào trầm cảm (Covid qua đi tình yêu trở lại) nhưng trong những khó khăn ấy, tinh thần kiên cường, tương thân, tương ái “không để ai bị bỏ lại phía sau” của người Việt lại bộc lộ vô cùng mãnh liệt “Covid qua đi – Tình yêu ở lại”.

Ảnh minh họa (TG)

Truyện ngắn Phù Sa Châu Thổ được dùng làm nhan đề chung cho cả tác phẩm, đó là một mối tình thơ mộng giữa Nguyễn Hoàng – nhà khoa học trẻ và Phù Sa – kỹ sư IT ở Seattle “đó là một tình yêu sâu đậm” vì cả hai đều chung một niềm mong ước giữ mãi màu xanh trù phú cho đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn bộ tập sách, tuy là những câu chuyện riêng lẻ nhưng trong mỗi câu chuyện ấy là những báo động mà tác giả muốn gửi đến cho người đọc nhận rõ “những vạt đất lở đỏ bầm như máu ứa cạnh sông Vàm Cái Hố, An Giang” hay những “dòng nước xoáy vẫn còn hung dữ dù đã cuốn trôi bao nhiêu căn nhà dọc theo một đoạn sông Tiền ở Đồng Tháp” những vùng đấy màu mỡ đang dần cạn kiệt và có nguy cơ chìm dần dưới mực nước biển đang dâng cao. Tác giả năng nổ, bám sát thời sự, phát hiện và truyền tải những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Bao câu chuyện, bao mảnh đời, bao trăn trở, suy tư về cuộc sống, về xã hội, về môi trường được thể hiện một cách nổi bật ở góc nhìn, sự suy nghiệm của tác giả Hoài Hương. Mạch cảm xúc ấy cứ chảy mãi tạo thành dòng sữa ấm chan đều trong từng trang giấy, hơi ấm ấy như lòng nhiệt huyết của bao thế hệ trẻ khi “trầm mình ở những cánh đồng nước, chịu ướt lạnh, chịu vắt đỉa cắn… để có hơn 3.000 mẫu bông, thuộc 1.500 dòng đạt yêu cầu…” (Giấc mơ cánh đồng lúa rồng) để tìm lại, khôi phục lại giống lúa Huyết rồng nổi danh của xứ sở Đồng Tháp Mười.

Văn phong cá tính, mới mẽ xen lẫn chút sâu lắng và đầy sự chiêm nghiệm khiến tôi không khỏi ngơ ngác và rung động trước “Thanh xuân thành phố” với một band “Ngũ Long” quyết tâm tạo nên một câu chuyện phim bắt đầu từ giấc mơ mà cả năm người đều cùng mơ trong một đêm ở rừng chiến khu Tây Ninh, một tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân, cống hiến thật nhiều những giá trị chân – thiện – mỹ cho thành phố mình đang sống.

Đọc tập sách, tôi có cảm giác dường như nhà văn Hoài Hương đang đau đớn, dự báo cho một tương lai “mặn hóa” của vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong trong “Nỗi lo một mai châu thổ hoang vu” hay niềm tự hào trong “Một miền rừng xanh thẳm. Một miền rừng hào hùng” với những cái tên nghe xa vắng thần thoại Rùm Đuôn, Chàng Riệc, Lò Gò, Đa Ha, Tà Xìa,… và cảm xúc lâng lâng khi gió rừng khoáng đạt bay qua những ngọn cây vươn tít tắp như chạm vào bầu trời, thi thoảng sà xuống những tàng lá thấp làm nên cơn chấn động nho nhỏ, rào rào lá đón gió ngả nghiêng trong thoáng chốc… của “Rừng hát gió lao xao cành biếc…”

Phù sa châu thổ với 17 câu chuyện đời, 17 khúc nhạc du dương đầy nỗi niềm trăn trở về trách nhiệm của người cầm bút với những biến đổi đầy âu lo về môi trường đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Tác giả Hoài Hương đã truyền tải bao thông điệp đến với giới trẻ để thế hệ trong tương lai có nhận thức đúng đắn, rõ ràng hơn về những chuyện nóng của xã hội. Tôi tin chắc rằng khi đọc tập sách “Phù sa châu thổ” các bạn sẽ mang trong mình bao nỗi niềm, bao xúc cảm, vừa tự hào vừa bùi ngùi trắc ẩn về một vùng đất đang dần “mặn hóa”.

Trương Hoàng Hân – DH22NV (Bút nhóm: Đồng Xanh)

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.