Các sản phẩm quà lưu niệm mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng/tháng, Nguyễn Vũ Linh (29 tuổi) dần minh chứng thanh niên nông thôn "tay trắng" vẫn có thể khởi nghiệp thành công.
Biến "củi" thành tiền
Theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến xưởng làm đồ lưu niệm của anh Nguyễn Vũ Linh ở xã Thới Sơn, H.Tịnh Biên, An Giang. Xưởng nằm sâu trong vùng nông thôn nhưng khá dễ tìm vì nhiều người biết đến anh Linh là thanh niên tiên phong khởi nghiệp với sản phẩmđồ handmade.
Một số sản phẩm của anh Linh
Đến xưởng, trời đã trưa nhưng những chiếc máy khắc laser vẫn bền bỉ hoạt động. Cạnh đó, 3 chàng trai đang tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho lô móc khóa, hộp cắm bút, tranh biểu trưng gỗ. Anh Linh, chủ xưởng, cho biết đang có nhiều đơn hàng nên phải chạy đua với thời gian để kịp giao, thậm chí có ngày phải làm việc xuyên đêm.
Anh Linh mở cơ sở sản xuất từ năm 2019. Ban đầu, tiền vốn chỉ đủ mua 1 máy tính và 1 máy khắc laser mini. Nhờ kinh doanh thuận lợi, đến nay, anh đã sắm 4 máy tính, 6 máy khắc laser, có cả loại công suất lớn hiện đại. Còn những miếng gỗ xẻ dựng phơi xung quanh xưởng được anh giới thiệu là gỗ lồng mức - một loại cây phổ biến ở miền núi và cũng có rất nhiều ở vùng Bảy Núi An Giang. Mặc dù có ưu điểm trong in khắc nhưng gỗ lồng mức dễ bị mối mọt nên người địa phương chưa trọng dụng trong sinh hoạt. "Đa phần người dân chỉ khai thác loại gỗ này làm củi. Tôi nghĩ, nếu tận dụng nó làm đồ handmade thì về lâu dài sẽ không lo vấn đề nguyên liệu sản xuất. Ngược lại sản phẩm sẽ mang lại diện mạo mới mẻ, cầm nhẹ tay hơn những món quà lưu niệm làm từ nhựa, đá, thủy tinh", anh Linh nói.
Lúc mới vào nghề, anh Linh tự học cách sử dụng máy khắc laser, nhưng nhiều lần kỹ thuật bị lỗi dẫn đến hàng loạt sản phẩm phải vứt đi. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng anh đã thành công khi tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, phong phú về kiểu dáng, như: móc khóa, cúp lưu niệm, lịch để bàn, bảng tên, sổ tay, logo, kỷ niệm chương Đoàn - Hội - Đội... Ngoài đồ lưu niệm, anh còn biến gỗ lồng mức rừng thành đèn ngủ, bảng treo cửa, bảng hiệu, đồng hồ treo tường… thay cho những chất liệu không thân thiện với môi trường.
Nâng giá trị cây tre, lá thốt nốt
Không chỉ đồ lưu niệm từ gỗ lồng mức rừng, chàng trai 9X còn làm những sản phẩm quà tặng từ tăm tre và lá thốt nốt. Những không gian nhà ở độc đáo, cầu Mỹ Thuận, tháp Eiffel, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ tăm tre); hay chân dung Bác Hồ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trống đồng Đông Sơn, các công trình kiến trúc nổi tiếng miền Tây (từ lá thốt nốt) qua bàn tay của anh Linh hiện lên với nhiều đường nét tinh tế và sinh động.
Với tranh lá thốt nốt khắc laser, anh Linh tận dụng vật liệu của các nông dân ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Nếu trước đây, lá thốt nốt gần như chưa được khai thác hoặc chỉ để gói đường thì khi làm tranh, anh Linh đã đưa nó lên nơi trang trí, trưng bày, từ đó đem về nguồn thu nhập đáng kể cho mình. Điển hình là một bức tranh có giá dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng, tùy vào sự kỳ công, kích cỡ và mẫu mã.
Theo anh Linh, hướng khởi nghiệp vừa có thể kiếm thu nhập vừa góp phần nâng tầm giá trị nguồn tài nguyên bản địa mang lại cho anh nhiều phấn khởi. Bởi trước đây hoàn cảnh anh rất khó khăn, chỉ có điều kiện học tới lớp 9. Anh ra đời bươn chải sớm, hết làm thuê sang học nghề sửa chữa điện thoại. Chàng trai này hiểu rõ nỗi chật vật, áp lực mỗi khi công việc gặp trục trặc, thu nhập bấp bênh. Những lúc như vậy, anh khao khát nhất là có thể khởi nghiệp dựa vào những lợi thế sẵn có trên quê hương mình.
Thuận lợi của Linh là năng động, sáng tạo, chấp nhận thử thách và có chút năng khiếu về mỹ thuật nhưng như thế vẫn chưa đủ. Mặc dù những sản phẩm đầu tay có nhiều tâm huyết, song vẫn khó bán ra thị trường do ít mối quan hệ và thiếu kiến thức kinh doanh. Lúc chưa biết bắt đầu từ đâu thì chàng trai này gặp được các anh, chị làm công tác Đoàn. Ngoài được hỗ trợ vay vốn, anh Linh còn được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang hướng dẫn cách kinh doanh, góp ý hình thức sản phẩm, định hướng thị trường, kết nối tiếp cận khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm từ bán lẻ ít lâu sau nhận được những đơn hàng sỉ với số lượng lớn.
Hiện mỗi tháng anh Linh bán được hàng ngàn sản phẩm lưu niệm khác nhau từ lá thốt nốt, gỗ lồng mức rừng và tăm tre. Thương hiệu đồ lưu niệm của anh đã vươn ra các tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh, Hà Nội, Cao Bằng. Trừ hết chi phí, lợi nhuận mang về dao động 20 - 30 triệu đồng/tháng.
"Khi tôi khởi nghiệp, ý kiến bàn lùi nhiều hơn ủng hộ. Bởi nhiều người cho rằng đồ lưu niệm thì làm sao có thể bán được ở vùng nông thôn. Lúc đó, tôi tự an ủi mình là khởi nghiệp thì cần đam mê và kiên trì. Không có thành công nào là dễ dàng. Nhưng nếu bản thân có quyết tâm, đầu tư cho sản phẩm chỉn chu thì cơ hội sẽ đến", anh Linh nói.
Theo thanhnien
Viết lời bình