Đoàn chúng tôi đặt chân xuống Đà Lạt trong một buổi sáng se lạnh, khi những làn sương mỏng còn lơ lửng trên những hàng thông xanh. Trong chuyến đi này,chúng tôi được cô Cố vấn học tập và cô Phó Bộ môn dẫn đoàn, đồng hành còn có hai hướng dẫn viên.
Ảnh minh họa (TG)
Ba ngày ở Đà Lạt trôi qua như một giấc mơ ngọt ngào, chuyến đi học tập thực tế này để lại trong tôi những dư âm khó phai về cảnh sắc, con người và những khoảnh khắc đáng nhớ bên bạn bè. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là Nhà thờ Domaine de Marie, nơi mang vẻ đẹp dịu dàng và cổ kính. Kiến trúc màu hồng trầm ấm cùng khuôn viên xanh mướt làm tôi cảm thấy không khí trong lành hẳn.
Không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng gió lướt qua những hàng cây và tiếng chuông nhà thờ vang lên nhẹ nhàng. Tôi dành một chút thời gian ngồi xuống bậc thềm, nhìn ra những rặng thông xa xa, lòng chợt thấy bình yên đến lạ. Nhờ có chiếc máy ảnh mang theo, tôi đã lưu giữ được vẻ đẹp này. Tiếp đó, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Lâm Đồng. Nơi đây nằm trên một ngọn đồi nhỏ, tĩnh lặng giữa lòng thành phố. Bước qua cánh cổng cổ kính, tôi như bước vào một thế giới khác – nơi lưu giữ những dấu tích của lịch sử, văn hóa, và con người Tây Nguyên.
Những hiện vật cổ kính, từ các công cụ lao động của người K’Ho, Mạ, Churu,... đến những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu, kể cho tôi nghe câu chuyện về những con người đã sinh sống trên mảnh đất này từ bao đời. Tôi dừng lại khá lâu ở khu vực trưng bày về những hiện vật bằng đá và những dụng cụ lao động bằng đồng, đặt biệt chú ý tới chiếc trống đồng Đông Sơn được điêu khắc tỉ mỉ. Một trong những khoảnh khắc khiến tôi ấn tượng nhất là khi đứng trước mô hình nhà dài của người K’Ho. Tôi chạm vào từng thớ gỗ được khắc bởi người thủ công tài ba, diễn tả được từng nét mặt của người thật, cảnh người phụ nữ bản địa nấu cơm, tôi tưởng tượng về những bữa cơm quây quần, những câu chuyện kể bên bếp lửa. Không gian ấy gợi lên một cảm giác gần gũi, chân thực đến kỳ lạ. Đến trưa chúng tôi ghé một quán ăn với đặc sản của nơi thiên nhiên chan hòa, sau đó về khách sạn nghỉ ngơi.
Đến chiều chúng tôi lên xe đến thác Dantanla. Điểm thú vị nhất ở đây chính là máng trượt dài xuyên qua núi rừng, một trải nghiệm vừa hồi hộp cũng đầy phấn khích. Ngồi trên chiếc xe trượt, tôi lao xuống với tốc độ tăng dần, hai bên là những rặng cây vút qua như một thước phim quay nhanh. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy mình thật sự hòa vào thiên nhiên, để mặc cho dòng chảy của cuộc sống cuốn đi những lo toan thường nhật. Đến gần dưới, tôi như nghe thấy tiếng thác đổ ầm ầm từ trên cao xuống.
Đến đoạn cuối, tôi bị choáng ngợp bởi cảnh tượng trước mắt. Dòng nước trắng xóa tuôn trào từ vách đá, chảy mạnh qua giữa những tảng đá rêu phong. Tôi xuống gần đó đứng lặng một lúc, chỉ để nghe tiếng nước chảy, để cảm nhận sự nhỏ bé của mình giữa thiên nhiên bao la. Tranh thủ lưu lại khoảnh khắc này cùng với bạn bè, khi ấy trong lớp có hai bạn nữ rất xinh đẹp và dịu dàng. Qua khung ảnh mà tôi chụp cho bạn như thể người và cảnh hòa hợp với nhau.
Chúng tôi tranh thủ rời thác khi mặt trời bắt đầu khuất dần sau từng rặng thông. Con đường trở về nhuộm một màu vàng dịu nhẹ. Đà Lạt lúc hoàng hôn đẹp đến nao lòng.
Trời Đà Lạt về tối, hơi lạnh len lỏi qua từng lớp áo, nhưng lòng tôi lại ấm lên bởi một điều gì đó rất đặc biệt. Đó là buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng, tôi sắp được hòa mình vào âm thanh núi rừng Tây Nguyên, cảm nhận nhịp đập của những tâm hồn tự do giữa đại ngàn.
Chúng tôi lên xe đi đến dưới chân núi Lanbiang, đến làng của người K’ho để giao lưu. Trước khi những vũ điệu bắt đầu thì người trưởng làng giới thiệu sơ qua về ngôn ngữ dân tộc mình. Bác nói đến tiết mục mở đầu, sau màn có những người cầm lửa ra đứng vòng qua củi đã chất sẵn. Ngọn lửa được nhóm lên giữa sân, bập bùng soi rõ những nụ cười nồng hậu của đồng bào bản địa. Âm thanh cồng chiêng dần vang lên, lúc trầm, lúc bổng, như nhịp tim của đất mẹ.
Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe từng nhịp điệu của những chiếc cồng, chiếc chiêng chạm vào nhau. Nó không đơn thuần là âm nhạc, mà là linh hồn, là lời kể của tổ tiên, là hơi thở của rừng sâu. Tiếng cồng chiêng mang tôi đi qua những câu chuyện cổ xưa về những khoảnh khắc trong lao động, tập tục hôn nhân, nơi thần linh và con người hòa quyện trong một không gian huyền bí.
Một lúc, Rượu cần được mang ra với những xiên thịt nướng thơm lừng đậm vị. Nhấp một ngụm rượu cần, vị nồng ấm chảy qua cổ họng, như kéo tôi lại gần hơn với vùng đất này. Chúng tôi ngồi thành nhóm, lắng nghe già làng kể về ý nghĩa của từng nhịp cồng, từng điệu múa. Tất cả đều gắn với thiên nhiên, với thần linh và cộng đồng.
Đến tiết mục cuối cùng, họ chào tạm biệt chúng tôi bằng điệu nhảy. Buổi giao lưu dần khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng trong tôi. Nhìn ánh lửa sắp tàn, tôi biết rằng mình đã thực sự chạm vào một phần linh hồn của Tây Nguyên. Trong lòng tôi, ánh lửa ấy vẫn cháy mãi – như một ký ức đẹp, một bài ca bất tận của núi rừng.
Chúng tôi ra khỏi làng, những cơn gió se lạnh bắt đầu kéo đến. Cô cố vấn học tập dẫn chúng tôi đến ăn đặc sản kem bơ của vùng này. Tiệm kem nhỏ ấy gần khách sạn. Vị kem bơ tươi mát, thanh ngọt tràn vào khắp khoang miệng. Lại có chút hương vị quê nhà. Sau đó chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình ngày tiếp theo.
Tờ mờ sáng, khi bình minh dần ló dạng. Tôi và các bạn cùng phòng lần lượt dậy và sửa soạn để cùng lớp đến quán ăn sáng. Sau đó chúng tôi đến Thiền viện Trúc Lâm, một trong những thiền viện lớn và đẹp nhất của thành phố. Vừa đặt chân đến cổng, tôi đã cảm nhận được sự thanh tịnh nơi đây. Con đường rợp bóng thông dẫn lối vào Thiền viện, từng bậc thang như đưa tâm hồn tôi chậm lại giữa nhịp sống vốn dĩ vội vã.
Trong khuôn viên rộng lớn, những mái chùa cong vút ẩn hiện giữa hoa lá, tạo nên một bức tranh yên bình. Tôi chắp tay trước tượng Phật, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu, cảm nhận lòng mình nhẹ nhàng hơn bao giờ hết
Rời Thiền viện Trúc Lâm, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Thiền viện Vạn Hạnh. Nơi đây khiến tôi ấn tượng mạnh bởi bức tượng Phật Thích Ca cao sừng sững giữa trời. Dưới ánh nắng dịu nhẹ của buổi chiều, tượng Phật tỏa ra một vẻ trang nghiêm nhưng cũng đầy từ bi. Tôi giành một chút thời gian đứng đó ngắm nhìn vẻ thanh tĩnh ấy.
Buổi chiều, nhóm chúng tôi ghé thăm vườn dâu tây. Những luống dâu xanh mướt, điểm xuyến những trái dâu chín mọng. Dưới cái nắng nhẹ, cả nhóm cùng nhau chụp ảnh, cười đùa, tận hưởng những khoảnh khắc hồn nhiên của tuổi trẻ.
Kết thúc ngày dài, chúng tôi quây quần bên nhau trong buổi liên hoan lớp. Đà Lạt về đêm se lạnh, nhưng lòng tôi lại ấm áp bởi tiếng cười, những câu chuyện rôm rả và những kỷ niệm khó quên. Đến tối chúng tôi chia nhau hoạt động tự do, tôi và vài người bạn đi bộ đến quảng trường Atiso. Nhưng chúng tôi lại không rõ đường, vui nhất là mỗi đoạn chúng tôi đều dừng lại hỏi người địa phương, họ mang lại cho tôi cảm giác rất thân thiện khi tường tận chỉ đường cho chúng tôi. Khoảnh khắc đó chúng tôi vừa đi vừa chia sẻ về cuộc hành trình này. Thật sự, đi bộ tuy mệt nhưng lại ghi dấu nhiều kỷ niệm hơn về chuyến đi Đà Lạt này.
Sau những ngày rong ruổi khám phá Đà Lạt, cuối cùng cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Buổi sáng hôm ấy, tôi thức dậy sớm hơn bình thường, tranh thủ hít thở bầu không khí trong lành của nơi đây thêm một chút.
Chuyến xe bắt đầu lăn bánh rời khỏi thành phố ngàn hoa, mang theo bao kỷ niệm đẹp. Đường xuống đèo Prenn quanh co, từng hàng thông xanh nối dài hai bên đường như đang vẫy chào tạm biệt. Ai nấy trên xe đều trầm lặng hơn mọi ngày, có lẽ vì ai cũng đang lưu giữ cho riêng mình những dư âm đẹp đẽ của chuyến đi.
Trên đường về, chúng tôi ghé cơ sở Tâm Châu, chuyên bán những đặc sản nổi tiếng tại thành phố Bảo Lộc đó là trà và cà phê. Ngay khi bước xuống xe, hương trà thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Tôi không quên mua vài hộp trà Ô Long và trà Atiso làm quà, như một chút hương vị cao nguyên mang về cho người thân.
Tạm biệt Bảo Lộc, chúng tôi tiếp tục hành trình dài trở về Long Xuyên. Tôi nhìn ra cửa sổ, để mặc cho suy nghĩ trôi theo dòng ký ức của những ngày qua. Trên đường đi chúng tôi được nghe thầy hướng dẫn đoàn chia sẻ rất nhiều về chuyến đi này. Ghé đến Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi tạm biệt lớp, cô hướng dẫn đoàn còn tặng chúng tôi một khúc vọng cổ. Lớp chúng tôi nghẹn ngùi tạm biệt thầy cô tại đây, cũng mong rằng sẽ gặp lại thầy cô trong thực tế chuyên môn 2.
Chuyến đi kết thúc, nhưng những kỷ niệm đẹp vẫn còn mãi. Kể từ khi tôi cất bước tới nơi đây, lại chẳng hể muốn rời đi. Tôi biết rằng, dù có đi bao xa, những ngày tháng tươi đẹp ở Đà Lạt vẫn sẽ luôn ở trong tim một phần của tuổi trẻ, của những tháng ngày vô tư, và của những người bạn đồng hành đáng quý.
Rừng thông xanh núi bao quanh,
Miền sương thẳm giữ hồn ta.
Sắc hoa tươi gió đưa hương,
Đi rồi về, về lại nhớ.
Cầm Thi - Bút nhóm Đồng Xanh
Viết lời bình