Khoảng mươi ngày nữa, tôi bước vào kỳ thi kết thúc học phần nhưng mọi chuyện cứ làm tôi tất bật cả lên. Lắm lúc tôi muốn buông xuôi tất cả cho cuộc đời nhẹ trôi. Nhưng không, tôi phải đứng lên, bằng niềm tin và nghị lực, bằng tình thương yêu, sự lo lắng của bao người thân.
Hành trình đến Đại học
Sinh ra, lớn lên trong gia đình 3 anh em, cuộc sống mưu sinh dựa vào số tiền ba tôi làm thuê, giăng câu, mẹ buôn bán nhỏ. Trong khi đó, cả ba anh em tôi đều cắp sách đến trường. Chi phí ăn học hàng tháng khoảng 1,5 triệu đồng.
Những buổi trưa hè oi bức, tôi nghe môi mình mặn chát khi thấy ba tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mần cỏ ngoài ruộng hay những buổi chiều, mẹ tôi còng lưng trên chiếc xe đạp vượt năm ba cây số bán từng con cá con tép.
Không thể thờ ơ trước nỗi nhọc nhằn của mẹ cha, những ngày bước chân vào ngôi trường cấp hai, tôi đã phải lo bươn chải với cuộc sống, kiếm tiền lo việc học tập của mình và đứa em gái. Ngoài giờ học, tôi tranh thủ mò cua, giăng lưới… kiếm tiền. Tuy số tiền làm ra không là bao nhưng tôi hãnh diện vì giúp đỡ phần nào cho ba mẹ.
Năm tôi học lớp mười thì anh hai cũng vừa bước vào Đại học, em gái vào cấp hai. Nỗi nhọc nhằn một lần nữa đè lên đôi vai mẹ ba. Tôi bắt đầu làm những công việc nặng nhọc hơn mong kiếm được nhiều tiền. Tôi bắt đầu theo ba, theo chú thím đi cắt và vác lúa mướn, giăng lưới vào mùa nước nổi.
Nhà nghèo khó, nội ngoại thường hay bệnh, ba mẹ phải chạy đôn chạy đáo lo tiền phụ giúp và nuôi nội, ngoại khi ốm đau. Ấy thế, ba mẹ tôi không bao giờ cho con mình nghỉ học, mặc dù có lần tôi đã xin ba mẹ nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ.
Ba bảo: “Đời ba mẹ cực khổ từ 7, 8 tuổi. Nay không thể để các con khổ cực. Phải ráng học thành tài, sau này lo cho bản thân”.
Ý thức được điều đó nên cả 3 anh em tôi đều không ngừng học tập cho ba mẹ vui lòng. Ngoài giờ học thì phụ giúp ba mẹ lo cơm nước, heo cúi, giăng câu…
Niềm vui lớn của tôi là đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn trường năm học lớp 9, giải nhì học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh (lớp 9, 12). Năm lớp 12, đậu vào trường Đại học An Giang, ngành Sư phạm Văn.
Đậu Đại học niềm vui khôn xiết, nỗi lo không kém phần. Tôi không dám cho ba mẹ hay tin này vì sợ mẹ ba nặng phần lo.
Tôi xin mẹ ba cho tôi được đi làm ở thành phố kiếm tiền vì ba mẹ lớn tuổi rồi, anh hai thì đã học năm cuối, em gái thì học đến lớp 10, biết bao nhiêu tiền phải lo, thêm phần tôi nữa thì sao chịu nổi.
Mẹ tôi nhìn tôi mà giọt lệ rưng rưng: “Dù ba mẹ có cực khổ đến chết cũng ráng cho mấy con học thành tài”.
Biết có năn nỉ cách mấy ba mẹ cũng không bằng lòng, chỉ còn có một cách phải làm thật nhiều tiền để có tiền nhập học.
Thế là, ngoài việc vác lúa mướn, tôi còn tranh thủ đi làm thêm bỗ vác ở kho lương thực thực phẩm quê tôi. Tối tranh thủ đi theo gánh cá tra cho các chủ hầm.
Nhiều hôm, tôi ra khỏi nhà khi mới 5 giờ sáng và về nhà trong lúc 1, 2 giờ khuya. Mệt nhọc là thế, nhưng nụ cười vẫn rạng trên môi, tôi quyết tâm kiếm tiền mua tập vở cho em và làm lộ phí lên đường nhập học.
Hành trình Đại học của tôi
Bước vào giảng đường Đại học, ngoài việc học tập, tham gia phong trào tôi tranh thủ làm thêm ở các quán cà phê kiếm tiền chi tiêu việc học.
Tưởng rằng, cuộc sống bình lặng như thế, nào ngờ… trong khi các bạn chuẩn bị thi kết thúc học phần thì tôi lại vào bệnh viện An Giang trị bệnh đến hơn 20 ngày.
Trong những ngày ấy, tôi rất hụt hẩng vì phải mang gánh nặng cho gia đình, tiền thuốc men, tiền ăn uống nuôi tôi trong những ngày nằm viện.
Ra viện, tôi lại phải vừa học bài trên lớp vừa phải ôn bài để thi lại. Không thể phụ lòng mẹ cha, tôi quyết tâm học và vượt qua kỳ thi, đạt loại khá trong học tập.
Ngỡ đâu yên phận, ai dè “nghèo mắc cái eo”, một lần nữa nỗi nhọc nhằn lại đè lên gia đình tôi.
Tôi lại rời xa trường lớp, bạn bè để trị bệnh “thoát vị đĩa đệm” ở bệnh viện Chợ Rẫy- Thành phố Hồ Chí Minh.
Một tháng trời điều trị bệnh tốn không biết bao nhiêu tiền và sự cực nhọc của mẹ cha. Những đêm khuya, nơi thành phố lạ, nhìn mẹ thức trắng đêm chăm sóc mà lòng tôi quặn thắt. Thương mẹ thương cha phải chịu nhiều khổ cực vì mình. Tôi biết rằng, để có số tiền chữa bệnh, ba mẹ phải vay mượn từ đầu trên xóm dưới.
Trở lại giảng đường Đại học với hành trang trên tay là tình thương yêu vô bờ bến của mẹ cha. Dù bị hụt hẩng, mất rất nhiều kiến thức nhưng tôi luôn tự động viên mình phải cố học để vượt qua các kỳ thi cam go.
Với kết quả học tập loại khá cả năm, có thể đối với các bạn khác là chưa hài lòng nhưng đối với tôi đó là một sự nổ lực và nụ cười mãn nguyện, tôi vui vì không thi lại học phần nào, không phụ lòng ba mẹ.
Khi sức khỏe tạm ổn, tôi lại đi làm thêm, dạy kèm kiếm tiền lo ăn học. Tôi không thể cứ sống bám vào cha mẹ vì thời gian qua ba mẹ đã quá khổ vì tôi. Nhiều đêm khuya, ngồi một mình ngoài hành lang Ký túc xá mà thương nhớ người thân và tự hỏi: “Không biết số nợ ba mẹ vay đã trả hết chưa!?”.
Sau một thời gian làm thêm ở các quán, phát tờ rơi, tôi lại bắt tay vào một “cái nghề” mới mà theo tôi vô cùng ý nghĩa và bổ ích.
Được sự giúp đỡ của anh Phong, anh Hùng (hai sinh viên ngành Ngữ văn đã được giữ lại trường), anh Phan Việt (lớp DH5B) tôi bước đầu tập tành viết báo, sáng tác thơ văn gởi cho trang báo sinh viên điện tử (Enews) của trường tôi.
Viết để trải lòng mình với cuộc sống, để rèn luyện vốn ngôn ngữ, vốn sống của bản thân mình và góp chút công mọn vào việc phát triển, đẩy mạnh phong trào viết báo, sáng tác thơ văn của trường, đưa những thông tin nóng bỏng về các hoạt động của trường để các bạn sinh viên theo dõi.
Thời gian rãnh tôi đi phát tờ rơi với một nhóm bạn khi có doanh nghiệp cần.
Nhiều lúc bận rộn, gặp khó khăn trong công việc làm thêm tôi muốn buông xuôi tất cả cho cuộc đời nhẹ trôi. Nhưng nghĩ đến ba mẹ, nghĩ đến tương lai tôi đã kịp đứng lên, tiếp tục học tốt và viết báo, làm thêm.
Thu nhập hàng tháng không là bao nhưng nhín nhút cũng đủ chi tiêu việc ăn học.
Vui nhất là số tiền nhuận bút đầu tiên của tôi đã đem lại nhiều tiện ích, tôi mua sách tham khảo cho học phần Văn học trung đại, mua thuốc nhỏ mắt cho ba, thuốc trị nhức mỏi cho mẹ và mua sách vở cho em gái.
Thỉnh thoảng có dư chút đỉnh tôi gởi em để dành mua dụng cụ học tập, biếu ngoại để ngoài chi dùng vì ngoại nghèo lắm, gần bảy mươi tuổi đời mà vẫn còng lưng làm lụng kiếm tiền.
Chiều nay, bên nồi cơm thơm phức, bên bát canh rau chay, bên nồi kho quẹt vừa nấu, tôi ngậm ngùi nhớ về người thân. Bất chợt, tôi nhìn ra ngoài sân, nắng vàng đang trải dài trên con đường quen thuộc. Tôi tự hứa với lòng sẽ phấn đấu học tập không ngừng để ngày mai “công toại danh thành” báo hiếu mẹ cha và lo cho tương lai, có cơ hội giúp những sinh viên còn khó khăn.
MS 010
Viết lời bình