Cuộc sống, ai cũng muốn mình có một gia đình hạnh phúc, một thân thể cường tráng khỏe mạnh để đi đó đây, để được đến trường học tập. Song, cũng không ít người nuốt lệ sầu vì bị khuyết tật. Nhưng họ không buông xuôi trước số phận, nơi trái tim họ tỏa ý chí, nghị lực phi thường, khát khao được giao cảm với cuộc đời, được học tập, cống hiến. Chàng sinh viên lớp DH7TH2 – Huỳnh Thanh Tấn là một người như thế!
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Chợ Mới anh hùng và cũng là nơi mà người dân thường đầu tắt, mặt tối bên thửa ruộng, mảnh vườn để mưu sinh. Thế nhưng, dù vất vả quanh năm cuộc sống gia đình của Tấn vẫn khó khăn gấp bội những người xung quanh. Gia đình Tấn có tới 13 người, Tấn là con thứ 11 trong gia đình. Cuộc sống mưu sinh của gia đình dựa vào những đôi tay cần mẫn, chịu thương chịu khó, ngày đêm cuốc mướn làm thuê kiếm tiền trang trải qua ngày của các thành viên trong gia đình.
Lên 6 tuổi, một biến cố đau buồn ập lên tuổi thơ của Tấn. Năm ấy, căn bệnh sốt bại liệt từ đâu ghé qua xóm nghèo của Tấn - ấp Long Hòa, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới. Ngày ấy có khoảng chục người bị sốt bại liệt, Tấn là một trong số đó.
Mặc dù làm mướn làm thuê nhưng cha mẹ và các anh chị Tấn cũng dành dụm tiền lo thuốc thang cho Tấn. Nhờ chạy chữa tận tình, Tấn đã thoát qua thời kỳ nguy hiểm, hai tay được an toàn, chân phải thuyên giảm còn chân trái bị tê liệt.
Từ đấy, Tấn phải bước vào đời với những khó khăn, vất vả hơn trước gấp trăm lần. Sức khỏe yếu, đôi tay không mạnh lành như mọi người, tất cả việc nặng nhọc Tấn đều không làm được, việc đi lại của bạn dựa vào đôi nạng gỗ.
Khó khăn là thế nhưng cậu học trò nghèo vẫn vun đắp và xây dựng cho mình một lối đi: phấn đấu học tập để sau này có nghề nghiệp ổn định lo cho bản thân, gia đình.
Tấn được sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Song cũng không ít ánh mắt ái ngại khi nhìn cậu học trò tàn tật. Vượt qua mặt cảm Tấn quyết tâm học giỏi để mọi người thấy người tật nguyền cũng bình thường như bao người khác, có thể học thậm chí học giỏi. Tật không có nghĩa là vô dụng. Ngoài việc học, Tấn còn phụ giúp gia đình nấu cơm, lau nhà…
Gia đình nghèo, ước mơ của Tấn là trở thành một “người lái đò” đem vốn kiến thức mình tích lũy truyền cho đàn em. Thế nhưng, yêu cầu của nghề sư phạm (không tuyển sinh những thí sinh tật nguyền) Tấn đành ôm buồn vì vỡ tan mơ ước.
Gặp gỡ, nghe Tấn tâm sự càng cảm thông hoàn cảnh bạn. Không thực hiện được ước mơ nhưng Tấn vẫn chọn cho mình con đường khác để làm bạn cùng tri thức. Vào một chiều tháng tám năm 2006, cậu học sinh tật nguyền trường THPT Long Kiến vui mừng khôn xiết khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyến vào trường Đại Học An Giang, ngành Tin học.
Bước vào giảng đường Đại học là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của đời người. Nỗi băn khoăn, lo lắng lớn nhất của Tấn là sự nhọc nhằn của người thân. Tiền trang trải việc học, ăn uống do ba mẹ, anh chị và đứa em trai lo cho.
Trên 60 tuổi đời, ba mẹ Tấn vẫn còn làm thêm phụ người con thứ 9 và con út kiếm tiền lo cho Tấn qua Long Xuyên học tập cái chữ, cái nghề.
Vốn là một người sống ở nông thôn nghèo khó, ít đuợc tiếp xúc với vi tính, vào Đại học, chuyên ngành Tin học, Tấn gặp không ít khó khăn. Trong khi bạn bè quen thuộc, rành mạch máy tính, từ các chương trình đơn giản như Word, Excel… đến mạng, lập trình… thì Tấn mới bước đầu làm quen bàn phím, màn hình.
Nhờ nỗ lực, quyết tâm, hằng ngày Tấn siêng năng đến phòng máy của Thư viện trường đại học để thực hành tin học để đuổi kịp cùng bạn bè vươn lên học tốt.
Tấn được miễn học phần Thể dục (phần thực hành) nhưng mỗi tiết giảng Tấn phải chú ý nghe giảng bài, ghi nhớ lại các thao tác, kỹ năng thực hành để kiểm tra lý thuyết. Với sự chăm chỉ cộng với thành tích học tập khá tốt, Tấn đã từng nhận được những học bổng của các nhà hảo tâm: học bổng của công ty Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang; học bổng của Báo tuổi trẻ.
Hàng ngày, bước đi trên đôi nạng gỗ, Tấn đến trường với bao sự lo toan vất vả. Vượt lên gian khó và sự mặt cảm, Tấn không ngừng phấn đấu trong học tập. Nếu ai từng chứng kiến cảnh Tấn nhắc từng bước chân tật nguyền lên lầu 2 dãy G đến phòng Tin học thực hành, hay về nơi trọ Ký túc xá lầu 2 mới cảm động và khâm phục nghị lực và ý chí của Tấn.
Tấn tâm sự: “Nhiều lúc đi lại rất khó khăn, vấp nhẹ một cái mình đã té ngã lăn cù mèo, nhưng mình không ngại mà lại tự nhủ phải có nghị lực để đi tiếp”.
Cuộc sống đời thường của Tấn làm chúng ta mến phục hơn. Tấn có khuôn mặt rất hiền, khá điển trai và một nụ cười thân thiện. Trong lớp học rất hòa đồng với bạn bè, tích cực tham gia những phong trào do lớp phát động (miễn tham gia được là hưởng ứng hết mình), ở nơi trọ thì hòa nhã, được bạn bè yêu mến, giúp đỡ hết mình.
Bạn Hồ Minh Phong, lớp DH7TS (chung phòng) nói về Tấn: “Tấn rất đáng khâm phục, luôn hòa nhã với bạn bè. Tấn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn nếu làm được. Tấn hiền lắm, không hút thuốc uống rượu không biết trầm quán”.
Sợ gánh nặng đè lên vai người anh thứ 9, đứa em út, ba mẹ, các anh chị khác, Tấn luôn luôn chi tiêu tiết kiệm. Với giá cả thị trường như hiện nay, Tấn chỉ xin ba mẹ một tháng khoảng 500.000 đồng để ăn học quả là một sự tằn tiện đến hết mức.
Những đêm buồn, một mình ngắm sao Tấn nghe lòng nhớ quê và người thân. Nhìn hạt mưa lất phất ngoài hiên, Tấn hình dung ra cảnh cha mẹ, em trai và anh 9 đang không quản mưa nắng kiếm tiền cho mình ăn học. Tấn tự hứa với lòng sẽ luôn phấn đấu học tập để không phụ ơn những người chất chiu vì mình.
Tấn tâm sự: “Mình chỉ hy vọng sẽ học tốt, sau này ra trường có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân, báo hiếu gia đình và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ”.
Viết về Tấn, trong lòng tôi dâng lên niềm cảm phục. Tấn đúng là một sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, vượt qua khó khăn, vượt qua mặc cảm hành trình ước mơ trên đôi nạng gỗ. Đó là tấm gương sáng ngời về nghị lực, rất đáng để chúng ta noi theo.
MS 012
MS 012
Viết lời bình