Những ngày đầu mới đặt chân vào giảng đường tôi đã nghe “danh” thầy, rằng thầy lạnh lùng nghêm khắc, rằng thầy…, rằng thầy… ôi thôi cả 1001 điều đáng sợ. Kể từ đó tôi đã đeo mang nỗi lo lắng vì biết rằng một ngày không xa mình sẽ phải “diện kiến” thầy.
Thầy đúng như lời người ta “đồn” thật! Ngày đầu tiên, người đầu tiên “bị” chính là tôi. Tôi đứng lên trả lời thầy trong sợ hãi và càng lúc càng sợ nên nói chuyện cứ lập cà lập cập, càng nói càng diễn đạt sai ý trong đầu. Mà thật ra, trong đầu tôi khi đó có còn chỗ nào cho ý tưởng nữa đâu, gương mặt “thiết diện vô tư” của thầy đã biến con cọp cầm tinh tôi thành một con thỏ tự lúc nào.
Thầy chê trách những lời thật đến trần trụi khiến con nhỏ nhạy cảm và chưa bao giờ bị nói nặng là tôi cảm thấy rất nặng nề. Tôi càng ngày càng mặc cảm trước thầy, trong mắt thầy chắc tôi là một đứa dốt nát lắm. Tôi dằn vặt biết bao nhiêu vì điều đó. Nhiều đêm thao thức, trong bộn bề những nỗi lo, tôi ứa nước mắt khi nghĩ đến thầy. Sao tôi không học tốt hơn nhỉ? Phải học sáng, học chiều, tối đi dạy thêm, đêm về ăn cơm, tắm giặt xong là đã khuya lơ khuya lắc.
Phải chi tôi cũng được mỗi cuối tháng về “lĩnh lương” ba mẹ như người ta thì đâu đã phải dằn vặt mình đến vậy. Mẹ tôi lui cui hôm sớm ở nhà, hao gầy vì tảo tần và thương nhớ các con xa. Tôi là đứa gần nhà nhất nên rảnh ra là không nghĩ gì nữa, tôi tức tốc đạp xe về. Về để nhìn tóc mẹ tôi cứ mỗi ngày mỗi bạc, về để huyên thuyên kể mẹ nghe chuyện ở giảng đường, để ép mẹ ăn thêm chén cơm, để nghe mẹ thở than, kể lể, để chia bớt của mẹ bao nhiêu nỗi trăn trở mà bên cạnh chẳng còn người nào cùng mẹ sẻ chia…
Mấy chị cùng phòng la tôi sao cứ về nhà hoài, thời gian đâu học? Phải biết dằn lòng. Vì không biết dằn lòng nên tôi học không ra học, hành chẳng ra hành. Tôi không cam tâm! Tôi lôi bài vở ra ngồi miệt mài trong mỏi mệt. Có khi ngủ quên ngay trên đống sách vở, nghe tiếng kẻng văng vẳng bên tai, “giờ của thầy!”, tôi hoảng hồn bật dậy và nhận ra âm thanh ấy phát ra từ chiếc đồng hồ!
Hôm đó, giờ của thầy, tôi đã lấy hết can đảm giơ tay trả lời một câu mà tối qua tôi đã kịp chuẩn bị. Thầy gọi, tôi thoáng hối hận vì mình đã giơ tay, lỡ mà sai… chắc chết! Tôi trả lời xong, ngồi xuống mà hồi hộp muốn ngạt thở. Thầy giảng giải điều vừa hỏi, y chang những gì tôi nói! Tôi vui đến nỗi nghe trống nhạc đánh rộn ràng trong dạ và mỉm cười hạnh phúc. Thế là, dù có thức đến 3, 4 giờ sáng tôi cũng ráng thực hiện hết những gì thầy yêu cầu. Từ đó giờ của thầy đối với tôi không còn là “cực hình” nữa.
Tôi ban đầu còn rất rụt rè, sau càng ngày càng mạnh dạn hỏi thêm thầy những từ, những chữ mà mình không hểu. Thầy không quở trách tôi nữa mà giảng giải và nhiệt tình giảng giải, tôi dỏng tai lên nghe lời thầy. Khi không còn run sợ, trước thầy tôi đã có thể nói năng lưu loát hơn. Có nhiều điều thầy giảng tôi vô cùng tâm đắc, tôi phát hiện thầy giảng bài rất sâu, rất hay. Trong bài giảng thầy luôn rút ra bài học cho chúng tôi.
Tôi cảm động nhận ra thầy chân thành quan tâm và muốn tốt cho tụi tôi. Có khi thầy còn pha vào những câu dí dỏm khiến chúng tôi bật cười thích thú. Thầy cũng cười, lúc thầy cười nhìn rất thân thiện, rất dễ gần. Tôi ước ngày nào vào lớp thầy cũng cười với chúng tôi như vậy. Khi đó chắc chúng tôi sẽ mạnh dạn phát biểu hơn, chắc chúng tôi sẽ không còn bị ức chế đến nỗi ấp úng mãi không ra lời như từng đã.
Tôi chợt nhận ra, có khó gì đâu nếu muốn thầy vui vẻ. Chỉ cần mình chịu học và chăm chỉ hơn một chút là được thôi mà!
MS 009
Viết lời bình