Đời sinh viên còn nhiều những khó khăn và vất vả. Những lúc tưởng chừng như bế tắc thì tôi luôn tự nhủ với lòng là dưới chân mình luôn có một lối đi. Tôi luôn cố gắng bước qua những trở ngại của cuộc sống, vì tôi biết rằng ở phía trước là một con đường thênh thang và tương lai rộng mở. Không may mắn như tôi, hành trình của anh đã chuyển sang hướng khác, một lối nhỏ của cuộc đời.

Năm thứ hai đại học, tôi quyết định đến Trại cá sấu Long Xuyên để làm công việc tiếp viên kiêm hướng dẫn viên du lịch nhằm có thêm ít tiền để trang trải cho chi phí học tập. Tại đây, tôi đã gặp anh Trần Hiếu Nhân (DH4A1)_một người anh, người bạn và có thể xem là một người thầy của tôi nữa.

Công việc của anh là chăm sóc cả vườn kiểng rộng lớn hơn chục công đất. Có cùng đam mê về cây cảnh, tôi và anh thường xuyên trò chuyện với nhau. Trong những lần tâm sự, anh đã trải lòng mình để kể cho tôi nghe về chặng đường đã qua.

Gia đình anh là một trong những hộ còn nhiều khó khăn ở ấp An Phú, xã Hội An Đông thuộc huyện Lấp Vò. Ba mẹ anh phải bươn chải nhiều nghề để lo cho gia đình luôn phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Ý thức được điều đó, anh luôn cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một thầy giáo giỏi.

Đậu vào Đại học An Giang với chuyên ngành sư phạm Toán, anh Nhân đã khởi đầu ước mơ của mình cùng với bao lo toan về cuộc sống xa nhà của một sinh viên nghèo. Thời gian lặng lẽ trôi, anh cố gắng vươn lên từng ngày và có một mối tình thật đẹp với một nữ sinh viên khoa Kinh tế. Hai người luôn quan tâm, giúp đỡ và động viên nhau học tập. Nhưng… Giá như cuộc sống này không có từ “nhưng” để anh khỏi phải thất vọng và buồn đau. Lòng anh như thắt lại khi vô tình nghe anh trai của cô bạn nói: “Thằng đó nghèo kiết xác, tao cấm mày qua lại với nó!”. Hai bịch trà đá vừa mới mua rớt xuống đất lúc nào không hay, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh lẳng lặng bỏ đi.

Nỗi buồn chưa nguôi ngoai thì ông nội anh mất, một trụ cột chính trong gia đình là ba anh lại gặp tai nạn giao thông phải nghĩ dưỡng dài hạn và cần một số tiền lớn. Kinh tế gia đình lâm vào bế tắc, anh gạt nước mắt và đành thôi học để lo cho ba mẹ cùng hai em đang tuổi ăn tuổi lớn.

Trong cuộc sống nhiều khi con người không có được cơ hội để lựa chọn con đường mà mình phải đi. Dù đã trải qua ba phần tư chặng đường đại học, anh lại phải chia tay giảng đường cùng thầy cô và bè bạn; gác lại ước mơ của mình để dấn thân vào cuộc mưu sinh. Anh đã bước vào đời với hai bàn tay trắng và một trái tim ấm áp tình yêu thương giành cho gia đình. Đôi lúc tôi nghĩ, cuộc đời anh giống như một phương trình nhiều ẩn số thật khó tìm ra đáp án.

Với nền tảng kiến thức của một sinh viên năm 3 cộng thêm những hiểu biết về cây cảnh của một người con gốc Sa Đéc anh đã nhanh chóng có được việc làm tại trang trại cá sấu Long Xuyên của ông Tám Đang. Được trả hai triệu đồng một tháng, lại khỏi phải lo tiền ăn ở, anh luôn tiêu xài dè xẻn nhằm để dành tiền để gửi về quê. Anh là thế, lúc nào cũng nghĩ cho gia đình và bè bạn. Chính cuộc đời của anh đã dạy cho tôi những bài học ở đời, dạy cho tôi cách sống, cách làm người. Anh Nhân tâm niệm: Cuộc đời con người cũng giống như một cái cây, cần phải chăm bón, cắt tỉa thì mới xanh tốt và đơm hoa kết trái.

Tận dụng thời gian rảnh, hai anh em vẫn thường bàn luận về toán học, cũng như cảm thấy nuối tiếc cho một thiên tài Abel bạc mệnh. Chính anh đã gieo vào tôi niềm đam mê được học hỏi, anh luôn trân trọng con chữ lẫn con số vì anh ý thức được những hạn chế và thiệt thòi của việc học không đến nơi đến chốn. Anh đã tạo cho tôi một động lực để bước đi trên con đường phía trước và giúp tôi nhận thức rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của học vấn. Dù anh chưa một lần đứng trên bục giảng trong nghiệp “gõ đầu trẻ” nhưng tôi vẫn muốn gọi anh bằng một tiếng “Thầy”.

Giờ đây, “người thầy” của tôi đã là chủ của một vườn kiểng nho nhỏ với nhiều loại cây cảnh quý hiếm, rất có giá trị. Với thu nhập hiện tại, anh đã có tiền để sửa lại căn nhà của gia đình khang trang hơn cho ba mẹ và các em ở, mẹ anh cũng khỏi phải lom khom đi cắt lúa thuê cho người ta. Lúc này, anh mong ước: “Khi nào công việc ổn định, để giành thêm được ít tiền anh sẽ thi đại học để hoàn thành ước mơ của mình. Có thể là một ngành gì đó liên quan đến cây trồng”.

“Trên thế gian này làm gì có đường, con người ta đi riết rồi cũng thành đường”. Câu nói này khiến tôi suy nghĩ mãi. Nó rất giống với những gì mà anh Nhân đã trải qua. Anh đã đi và anh đã đến. Anh đã bắt đầu lại ước mơ của mình bằng một con đường vòng, bằng một lối nhỏ để vào đời và mang đến cho tôi những bài học về tình yêu thương, về những điều thật giản dị nhưng đầy chất nhân văn. Cám ơn anh! Người thầy của tôi!

 
MS 015

Nguyễn Hà Thanh (Cát Thiên) - DH6TP

MS 015

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.