Việc tạo hứng thú cho sinh viên là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi người đứng lớp. Chỉ có tạo được hứng thú bằng những phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, sáng tạo…thì việc lĩnh hội tri thức của người học mới triệt để. Thế nhưng, việc làm này không phải dễ dàng thực hiện mà qua cả một quá trình trau dồi, tích lũy; sự tận tụy với nghề bằng cả cái tâm của người thầy đích thực; sự tin yêu sinh viên… Tất cả những nhân tố ấy, tôi đã may mắn được lĩnh hội khi học học phần Văn học Dân gian do giảng viên khoa Sư phạm trường ĐH An Giang phụ trách. Học với thầy, chúng tôi thực sự thể hiện được hết khả năng mình, thực sự được say sưa, sáng tạo…
1. Sinh viên làm trung tâm
Ngay buổi đầu đến lớp, thầy đã cho chúng tôi một cảm giác khá… “an toàn”, khá tự tin với những lời giới thiệu đầy chất văn chương về môn mà thầy phụ trách. Điều thầy nhấn mạnh chính là việc đề cao khả năng độc lập sáng tạo của sinh viên. Đối với thầy, sinh viên phải luôn làm trọng tâm, thầy chỉ là người định hướng.
Thật vậy, mới bắt đầu vào học phần, tuy còn nhiều thuật ngữ, khái niệm xa lạ nhưng với sự gợi mở kịp thời, sự khuyến khích đúng chỗ, thầy đã đem đến cho lớp một không khí học tập sôi nổi. Dường như ai cũng muốn được nói, được trình bày chính kiến của mình về một vấn đề nào đó mà lớp đang tranh luận. Nhiều bạn trước kia nhút nhát, rụt rè bây giờ cũng đứng lên phát biểu. “Phát biểu đúng là tốt, lỡ sai thì thầy sẽ cùng các bạn điều chỉnh…. Phát biểu nhiều sẽ làm cho các em tự tin hơn, sau này ra trường dạy sẽ nói năng lưu loát, tiết dạy của mình sẽ hấp dẫn…”.
Gặp những vấn đề khó, thầy cho lớp chia thành các nhóm thảo luận. Điều đặc biệt là không phải lúc nào cũng cho một cá nhân trong nhóm đại diện trình bày, thầy thường gọi ngẫu nhiên một bạn trong nhóm. Điều này khiến trong giờ thảo luận, tất cả mọi thành viên trong nhóm đều làm việc tích cực, nhiệt tình như nhau.
Thầy sẽ là người đúc kết vấn đề sau cùng, giúp chiếm lĩnh tri thức một cách nhẹ nhàng mà thuyết phục.
2. Sinh động cùng những tình huống
Không tiếp nhận kiến thức một cách đơn điệu bằng các phương pháp truyền thống, thầy luôn tìm ra những tình huống độc đáo, sinh động để kích thích tư duy của tất cả mọi thành viên. Đặc sắc nhất có lẽ là việc dựng trích đoạn trong các tác phẩm Văn học dân gian để diễn minh họa trong lớp. Chẳng hạn, khi hướng dẫn tìm hiểu truyện Tấm Cám, thầy yêu cầu: Tổ 1, dựng trích đoạn có tính thần kỳ trong Tấm Cám; Tổ 2, dựng trích đoạn có chứa xung đột; Tổ 3, dựng trích đoạn phản ánh kết thúc truyện. Cứ thế các tổ lần lượt “trình diễn” tiểu phẩm của mình. Đồng thời, những thành viên khác sẽ bình luận về các vấn đề như xung đột trong truyện Tấm Cám, yếu tố thần kỳ, kết thúc truyện Tấm Cám… Tiết học vừa sinh động vừa hấp dẫn. Ai cũng thỏa mãn với những vấn đề vừa lĩnh hội. Thỏa mãn với những chi tiết hài hước mà các diễn viên không chuyên mang đến.
Không chỉ có thế, những lúc học về hát ru, dân ca, hò, vè… thầy là người minh họa sinh động cho cả lớp. Thầy cất giọng ngọt ngào “thị phạm” và sau đó dạy cho cả lớp hát theo (để vừa bớt căng thẳng vừa có cái “vốn” sau này ra trường đi dạy, có điều kiện sẽ hát cho học sinh nghe).
3. Ngoại khóa – Vui để học
Một trong những hoạt động nổi bật của học phần Văn học dân gian, được nhiều sinh viên thuộc nhiều khóa học khác nhau chờ đợi nhất đó chính là chương trình ngoại khóa. Tác phẩm văn học dân gian ra đời trong những khung cảnh diễn xướng nhất định. Cái đặc sắc của lớp vỏ ngôn từ đã đem đến cho các tác phẩm bình dân này những giá trị riêng. Chính vì vậy, khi đưa Văn học Dân gian về môi trường diễn xướng, ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn cái hay, cái đẹp của bộ phận văn chương này.
Từ đầu học kỳ, các lớp đã lo viết kịch bản, chọn diễn viên, chuẩn bị đạo cụ, phục trang… Khi có thông báo về thời gian diễn ngoại khóa, chúng tôi háo hức vô cùng.
Đêm ngoại khóa là một đêm thật ấn tượng đối với sinh viên chúng tôi. Chúng tôi được nghe những điệu hò, những câu dân ca ngọt ngào sâu lắng, những tiểu phẩm được phóng tác từ truyện kể dân gian đầy tính nhân sinh… Mới biết, đem văn chương bình dân vào môi trường diễn xướng vốn có của nó, giá trị sẽ tăng lên gấp bội. Lại một lần nữa tôi ngưỡng phục thầy, người đã tìm tòi mọi phương pháp để chúng tôi cảm nhận được nhiều nhất giá trị của Văn học dân gian, cho chúng tôi thêm yêu thích môn học này.
4.Tiểu luận – Làm quen với nghiên cứu khoa học
Một yêu cầu mang đậm tính chuyên môn của học phần Văn học dân đó chính là một tiểu luận. Yêu cầu tiểu luận không cao nhưng theo thầy, đó là bước đầu để sinh viên chúng tôi tập tành nghiên cứu khoa học, để sau này nếu được làm khóa luận tốt nghiệp đại học (hay may mắn hơn là luận văn cao học) chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ.
Thế là chúng tôi lại say sưa bắt tay vào làm tiểu luận Văn học dân gian. Lúc đầu chưa biết gì, nghe nói “nghiên cứu khoa học” sao mà sợ quá! Thế nhưng, một phần nhờ thầy gợi ý hướng tiếp cận vấn đề, một phần nhờ sự hứng thú của đề tài, chúng tôi cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thành tiểu luận.
Nhìn “công trình nghiên cứu đầu đời” của mình, tuy chỉ mỏng manh thôi, còn nhiều lỗi chính tả, lỗi đánh máy,… nhưng lòng thấy khấp khởi vô cùng, mừng muốn ứa nước mắt chớ chẳng chơi. Nhiều bạn còn photo hai ba bản làm kỷ niệm. Không biết giá trị khoa học của tiểu luận này tới đâu nhưng tôi tin rằng thầy đã gieo vào lòng chúng tôi một niềm đam mê nghiên cứu, đam mê khám phá thế giới tri thức vô cùng vô tận của nhân loại.
5. Thi – Bám sát chương trình, kích thích sáng tạo
Có lẽ, trong cả kỳ thi học kỳ II lần này, không có môn nào thi xong lại thoải mái tâm lý như môn Văn học dân gian (dĩ nhiên, đây là ý kiến của đại đa số). Đề thi rất sát chương trình học, rất phù hợp với năng lực sinh viên đồng thời cũng hàm chứa những vấn đề đòi hỏi sự nhạy bén, sự sáng tạo. Đề thi của thầy là một đề thi có tính phân loại sinh viên rất cao. Ai học thế nào thì nhất định điểm sẽ phản ánh thế ấy. Người làm bài tốt thì hả hê đã đành, người làm không được tốt lắm cũng vui vẻ với những gì mình thể hiện trong bài thi bởi sức học mình chỉ đến đó. Không hề có một ai kêu ca.
Bài thi học kỳ cũng đã khép lại học phần Văn học Dân gian đối với sinh viên Ngữ văn chúng tôi. Kết quả chắc chắn sẽ khác nhau nhưng tôi tin rằng tất cả các bạn đều hài lòng về những gì mà thầy đã đem đến. Điểm số không phải là tất cả, quan trọng là chúng ta lĩnh hội được điều gì qua mỗi học phần. Đối với tôi, học phần Văn học Dân gian không chỉ đem đến nguồn kiến thức vô tận về bộ phận văn chương bình dân của dân tộc mà nó còn cho tôi những bài học thiết thực về phương pháp tổ chức lớp, phương pháp nghiên cứu khoa học, về mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò… Một lần nữa xin cám ơn thầy, người đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều thứ chỉ trong một học kỳ ngắn ngủi.
MS022
Trương Chí Hùng- K. VHNT
MS022
Viết lời bình