Hằng năm cứ vào mùa thi xong, đến ngày tựu trường là lòng tôi lại náo nức một nỗi niềm khó tả. Nhịp tim tôi bồi hồi xúc đông khi bắt gặp dáng dấp rụt rè và ánh mắt lạ lẫm nhìn mọi thứ xung quanh của các bạn tân sinh viên.
Ngày ấy tôi vào đại học, mọi thứ đối với tôi cũng bỡ ngỡ như mấy bạn bây giờ, vì mình là tân sinh viên, mới bước vào ngưỡng cửa trường Đại học nên thấy cái gì cũng mới lạ cả. Trước tiên là Ngôi trường Đại học to gấp mấy lần trương Trung học phổ thông, khuôn viên rộng với nhiều dãy lớp, nếu tôi không cùng đi chung với số đông người thì không thể biết tên các dãy lớp nằm ở hướng nào. Lớp học ở dãy khu L thì chúng tôi cứ lấn quấn ở những khu A, khu N… Cứ ngơ ngơ ngác ngác đôi mắt kiếm tìm, hai chân cứ bước bước liên tục, hết chỗ này đến chỗ nọ, trán lấm tấm mồ hôi và tươm vãi ra sống lưng, chiếc áo mới còn thơm mùi vải đã ướt mèm.
Còn lạ một điều là màu áo đủ sắc hết miễn là trang phục tề chỉnh, áo bỏ vào quần gọn chứ không bắt buộc áo trắng quần xanh như học sinh phổ thông. Nhìn tôi đóng bộ hôm nay giống như người lớn, chốc chốc tôi lại đưa mắt nhìn mọi người như thể so sánh với mình. Từ đầu tóc, mặt mũi, chân tay cho đến dụng cụ học tập đều sạch sẽ mới tinh. Có một bạn ngồi bàn dưới tôi, trông mặt quen quen từ đâu đấy, nhưng họ tên của bạn tôi chưa biết. Bạn kều lưng tôi và xin xem cây bút sáu ngòi của tôi. Tôi vui vẻ trao cho bạn ngay vì ý cũng muốn khoe, nhưng khi bạn trả lại thì cây bút trượt tay rơi xuống nền, tôi vói cúi xuống nhặt lên và phát hiện đôi giày mình bị nước mưa ướt (lúc nảy trên đường từ nhà trọ vào lớp học phải lội mưa) một bạn cạnh bên, mũi giày rách bương ra một mảng, ló cả ngón chân ra, tôi hỏi bạn vì sao thế, thì bạn cho biết là giày chưa kịp mua, tí nữa ra cửa hàng chọn giày mới và rủ tôi cùng đi. Tôi nhận lời vì cần mua thêm một đôi giày nữa phòng khi bị mưa ướt. Thế là tôi đã quen được vài bạn mới thật nhẹ nhàng.
Hết giờ học tiếng kẻng khua “reng…reng…reng…” cũng lạ tai hơn tiếng trống trường phổ thông. Tôi ngơ ngác theo chân các bạn ra khỏi lớp học và chọn một quán cơm vào. Quán cơm nơi đây cũng đông người hơn các quán cơm ở trường phổ thông, ai nấy đều ăn vội vã chứ không ngồi ăn nhâm nhi như bọn học sinh phổ thông.Tôi không hiểu vì sao họ lại vội như thế, nhưng tôi cũng bắt chước làm y theo như một cái máy, vì thoáng qua đầu tôi một suy nghĩ: lên học Đại học thì phải thích nghi như vậy. Tôi nhủ thầm “Mắt mình phải nhanh hơn để thấy ai làm gì thì mình phải làm theo như vậy, kẻo bị lạc hậu, thua họ thì tức lắm…”
Cơm nước qua loa, tôi và Tú – người bạn trong lớp có chiếc giày bị rách mũi, cùng đến cửa hàng giày chọn cho mình đôi giày thích hợp nhất. Tú thích màu đỏ còn tôi thì thích màu xanh hoặc nâu, xám. Chúng tôi lớ ngớ với giá tiền không cân xứng với chất lượng giày, may mà có chị Hạnh khóa học trước, nhận ra tôi là bạn chung lớp với em chị hồi học phổ thông, chị giúp chúng tôi ngã giá phải chăng.Tôi luôn miệng cảm ơn chị vì được đôi giày vừa ý với giá rẻ.
Khi chị bước đi, ra khỏi cửa hiệu, tôi chực nhớ một điều là chị cùng học một khoa với mình nên tức tốc chạy theo, nhanh mồm hỏi lia lịa về năm thứ nhất của mình cần mua những quyển sách nào cho chương trình học, theo lời chị, tôi và Tú thẳng một mạch tới cửa hiệu sách mua ngay các quyển cần thiết. Tôi móc ví trả tiền, lóng cóng cả tay như lúc nảy trả tiền đôi giày, vì từ trước mọi thứ mẹ tôi đều mua cho tôi, nay tôi phải tự mua sắm lấy, nên có vẻ vụng về quá! Số tiền lấy ra trả cứ đếm đi đếm lại mấy lượt vì sợ lộn tiền thì tiếc lắm.
Tôi và Tú bước vội về hướng trường Đại học, bỗng trên vai tôi có vật gì bấu chặt và theo phản xạ tự nhiên, tôi quay ra sau nhìn thì đấy là anh Nam con của bác bạn cùng làm ở bệnh viện với bố tôi, lúc tôi còn nhỏ, anh thường cõng tôi trên lưng chơi trò keng với bạn bè ở sân bệnh viện, anh học hơn tôi ba năm. Gặp anh, tôi mừng quá và anh cũng thế. Anh gọi tôi với Tú về ký túc xá anh cho biết chỗ.
Bước vào phòng anh, cái gì tôi thấy cũng lạ và vui hết, giường thì chồng đôi lên như căn lầu nhỏ mà hồi bé anh và tôi chơi trò xây nhà lầu.Tôi đếm cả thảy là tám chiếc giường tức là có tám sinh viên ở chung một phòng. Mỗi chiếc giường có bàn tí hon làm bằng bệ gỗ, có càng bật chỏi lên và hạ xuống rất tiện và gọn, tôi trông mà thích lắm, muốn ở đấy cùng anh ngay, nhưng ký túc xá của tôi xây mới xong, phải chờ nghiệm thu và danh sách sinh viên huyện tôi nộp lên thì lúc ấy nhà trường mới sắp xếp phòng ở cho chúng tôi được. Tôi vài giây phụng phịu với anh nhưng chợt nhớ mình lên Đại học là sinh viên, cũng hơi lớn hơn năm ngoái nên chỉnh lại bộ vó người lớn ngay “Thì ít hôm nữa, em cũng vào ký túc xá như anh mà hén! Giờ ở ngoài nhà trọ tạm vài ngày có sao đâu!”
Đôi mắt sinh viên năm thứ nhất của tôi cứ thao láo nhìn mọi nơi. Lúc sáng thì nhìn quang cảnh khắp trường, rảo chân quanh lùng sục khắp nơi, cái gì cũng muốn biết, muốn hiểu ngay. Giờ thì nhìn kỹ nơi phòng ký túc xá, trông dụng cụ và góc học tập với nếp sinh hoạt của các sinh viên khoá trước mà tôi thèm, cứ muốn được như họ ngay, giống họ. Năm nay tôi là sinh viên năm thứ ba rồi, nhưng cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy lại chợt hiện về thật rõ, khi tôi thấy hình ảnh tân sinh viên ngày đầu tiên bước vào ngưỡng cửa Đại học với đôi mắt ngơ ngác tìm tòi.
MS028
Nguyễn Minh Nhựt- DH7D1
e-News
Viết lời bình