“Cuộc sống có những điều tưởng đơn giản nhưng quả thật không giản đơn chút nào. Tuổi trẻ - Ước mơ – Hoài bão ai chẳng có, thế nhưng thực hiện được nó không dễ chút nào. Người ta cần phải có cái tâm, cái tài và nghị lực. Dù khó khăn muôn nẻo, tôi vẫn quyết tâm và cố gắng vượt qua. Vì bên cạnh tôi còn có những người thân yêu trong gia đình, đồng nghiệp và những học sinh thân yêu”.
Đó là lời tâm sự của anh Huỳnh Văn Hối, người anh đáng quí của tôi, Sinh viên lớp DH4C2. Hiện nay anh là Giáo viên trường THPT Châu Phong, Tân Châu, An Giang.
Những trăn trở của thầy giáo trẻ
Sau khi tốt nghiệp, anh Hối được vinh dự chọn vào khoá học Đào tạo Sỉ quan Dự bị trong năm tháng. Tốt nghiệp khoá học, anh trở về trường phổ thông để trở thành một giáo viên trẻ. Không phải lần đầu đứng trên bục giảng, không phải lần đầu được học sinh gọi tiếng “thầy” trìu mến nhưng anh vẫn cảm thấy lo lắng vì biết rằng từ nay mình sẽ đảm nhận một trọng trách lớn lao hơn “đào tạo thế hệ trẻ, là người lái đò đưa khách sang sông”. Lý thuyết trên giảng đường một chuyện, thực hành trên bục giảng lại là một chuyện khác. Để hoàn thành tiết giảng thầy giáo trẻ phải bỏ thời gian chuẩn bị chu đáo từ khâu xem sách, soạn giáo án, làm bảng phụ (nếu cần) đến khâu lên lớp. Giảng đã khó, để giảng tốt, cuốn hút học sinh hứng thú học tập lại khó hơn. Nhiều đêm, thầy giáo trẻ vẫn trăn trở bên trang giáo án chuẩn bị cho ngày mai lên lớp.
Khó khăn ấy, theo anh nguyên nhân là do học sinh trung học phổ thông học chương trình cải cách sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi đó một số tác phẩm mới hầu như anh chưa tiếp xúc trên giảng đường Đại học. Nay phải dạy cho học sinh, “khó thì khó thật nhưng biết đâu đó cũng là một sự thử thách năng lực đối với các giáo viên trẻ như anh” – anh nói.
Anh đã vượt qua tất cả khó khăn ban đầu ấy bằng tất cả nghị lực, quyết tâm của tuổi trẻ và lòng yêu nghề đáng quý. Anh mày mò, xem đi xem lại tác phẩm, tham khảo sách văn học, lên mạng tìm tư liệu liên quan tới tác phẩm để có một tiết giảng sinh động giúp học sinh nắm bài chắc chắn. Bên cạnh đó, anh còn cùng với đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Học hỏi, tham khảo ý kiến của các thầy cô đi trước. Để học sinh nắm bài chắc chắn, anh chủ động cho học sinh cảm nhận và phát biểu ý kiến về những tác phẩm trong chương trình. Bên cạnh việc giảng, đặt câu hỏi đơn giản, anh còn đặt những câu hỏi tư duy để giúp học sinh cảm sâu hơn về tác phẩm. Anh tổ chức cho học sinh học nhóm, thảo luận những vấn đề trọng tâm trong tác phẩm. Có thể nói, đây là một cách học tích cực mà anh tiếp thu được từ một số giảng viên ở Đại học.
Một thử thách lớn hơn đối với anh Hối là việc cùng lúc dạy 2 phân môn. Tốt nghiệp khóa Sĩ quan Dự bị nên anh được nhà trường phân công dạy thêm môn Quân sự. Là giáo viên trẻ dạy cùng lúc 2 phân môn thật không dễ chút nào. Bởi lẽ thời gian lên lớp nhiều, từ đầu tuần tới cuối tuần đều phải đến trường giảng dạy trong khi không có điều kiện tối ưu tập trung vào môn chuyên ngành.
Một khó khăn không kém phần quan trọng là ý thức học tập của học sinh. Bất kỳ một lớp học nào cũng có em chăm học, có em lười học. Anh vẫn trăn trở và suy nghĩ tìm cách giúp những em học chưa tích cực chăm chỉ hơn trong học tập. Ngoài việc lên lớp, anh chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, an ủi, động viên và giúp đỡ để học sinh chăm ngoan, học tốt hơn.
Và một điều tưởng đơn giản nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến nghề giáo. Mặc dù lương giáo viên có phần nâng cao trong thời gian qua nhưng do giá cả thị trường không ngừng tăng cao, lương thầy giáo hiện nay vẫn chưa giải quyết được nhu cầu sinh hoạt. Với đồng lương ít ỏi, chi tiêu tiết kiệm vẫn không đủ lo cho cha mẹ, em út. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả bán từng con cá, con tép, ba “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thấy đứa em ngày học tập trên giảng đường tối về đi làm thêm mà anh rưng rưng nước mắt.
Nghị lực hơn để bước vào đời
Dù khó khăn muôn nẻo nhưng hơn bao giờ thầy giáo trẻ ấy vẫn ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình. Đối với anh bây giờ, ngoài trách nhiệm với người thân anh còn có trách nhiệm đối với những mầm xanh của xã hội. Có những lúc khó khăn tưởng chừng có thể buông xuôi tất cả nhưng anh nghĩ “khó khăn là mẹ của thành công”. Để thành công trong cuộc sống, trong công việc bất cứ ai cũng trải qua những tháng ngày gian khó. “Trên đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới. Điều quan trọng là mình có đủ sức mạnh vượt qua những ranh giới đó” (Truyện ngắn Mùa lạc – Nguyễn Khải).
Ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, anh Huỳnh Văn Hối vẫn tự tin và hết mình với công việc, làm tốt vai trò, trách nhiệm của một “người ươm mầm non”, đem tài trí và cái tâm truyền đạt và khơi nguồn phát triển cho những hạt giống xanh tốt tươi.
Qua một học kỳ giảng dạy, anh đã hoàn thành tốt công tác giảng dạy “tri thức” và bồi dưỡng “đạo đức” cho học sinh. Anh luôn được đồng nghiệp yêu mến, học sinh kính trọng. “Là một giáo viên trẻ, Hối rất tích cực và nhiệt tình trong công tác, tận tụy, tận tâm với nghề. Ngoài đời, Hối rất vui vẻ và hòa đồng với đồng nghiệp, gần gũi và thương yêu, giúp đỡ học sinh”, thầy Trí– đồng nghiệp anh nhận xét.
Ngoài việc giảng dạy ở trường, anh Hối còn phụ giúp gia đình chăm lo mấy công ruộng, bầy heo và chuyện trong ngoài. Anh nghĩ, ba mẹ đã cực khổ nhiều rồi, giờ anh phải báo hiếu, chăm sóc cho mẹ cha và lo cho hai em học hành thành đạt.
Nói về ước mơ của mình, anh Hối tâm sự: “Mình sẽ gắn bó cả đời với nghề giáo, giảng dạy những học sinh thân yêu thành người hữu dụng cho xã hội. Nếu có điều kiện anh sẽ học lên nữa để nâng cao kiến thức. Xã hội càng phát triển, mình phải không ngừng học tập mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống”.
Vâng! Cuộc sống không phẳng lặng, chúng ta phải thật sự vững bước vào đời. Bằng tất cả nghị lực và quyết tâm đem tài năng, lòng nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Một năm học mới đã bắt đầu, chúc anh luôn hoàn thành tốt và thành công trên con đường “trồng người cao quý”, đào tạo thế hệ trẻ phục vụ cho đất nước.
MS029
e-News
Viết lời bình