Chúng tôi đã tham khảo nhiều bài viết xoay quanh vấn đề bầu chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kì quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, và cũng đã tham khảo nhiều luồng ý kiến khác nhau từ các trang báo trực tuyến* trước khi đọc bài viết Việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long: công bằng hay không? của bạn Hoàng Minh đăng trên Enews ngày 18.09.2008. Suy nghĩ về vấn đề này, chúng tôi hiểu vì sao bạn của Hoàng Minh lại phản hồi trong tin nhắn là “làm như vậy là thiếu công bằng vì đâu phải cái gì của mình cũng tốt, đẹp hơn người, thật hối hận vì trước đó đã chưa tìm hiểu kĩ về Vịnh Hạ Long mà đã bầu chọn!”.

Vịnh Hạ Long- niềm tự hào và hy vọng của người Việt Nam

 Mặc dù chưa có dịp đến thăm Vịnh Hạ Long, được tận mắt chứng kiến “Việt Nam đệ nhất kì quan” danh tiếng xa gần này, thế nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi có thể khẳng định rằng, di sản thiên nhiên thế giới từng được UNESCO công nhận này luôn được du khách trong và ngoài nước hết lời ca ngợi. Dưới con mắt của nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hoá lẫn địa chất, Vịnh Hạ Long thực sự là một kì quan hùng vĩ và kì bí, thật sự có giá trị to lớn về nhiều mặt tự nhiên và xã hội.

Người Việt Nam luôn mong mỏi hình ảnh của đất nước mình được quảng bá rộng rãi đến toàn cầu, thế giới biết nhiều về Việt Nam hơn, và dĩ nhiên có cả mong mỏi Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kì quan thiên nhiên thế giới. Sở hữu một thắng cảnh “trời ban” tuyệt vời như Vịnh Hạ Long là niềm tự hào của hơn 80 triệu người dân Việt Nam.

Đã hai lần tổ chức UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, điều đó chứng tỏ thế giới đã và đang biết đến Vịnh Hạ Long, đã và đang công nhận những giá trị to lớn nhiều mặt của Vịnh Hạ Long.

 Từ việc tổ chức bầu chọn Vịnh Hạ Long…

 Tham gia bầu chọn Vịnh Hạ Long nằm trong Top 7 di sản thiên nhiên đẹp nhất thế giới là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là khát vọng chính đáng, đẹp đẽ của người Việt Nam mà còn là khát vọng của những du khách nước ngoài từng đến Vịnh Hạ Long và từng yêu mến Vịnh Hạ Long.

Thế nhưng, việc bầu chọn không đơn thuần chỉ là động tác lên mạng và nhấn chuột, không đơn thuần chỉ là nghe người khác kêu gọi thế nào thì làm thế ấy. Trong hành động bình chọn đó đã bao hàm tình yêu quê hương đất nước, mong muốn sự đánh giá đúng đắn vị trí những danh lam thắng cảnh nước nhà, và quan trọng nhất là quyết tâm bảo vệ tốt những kì quan thiên nhiên ấy như một bảo vật quí giá của dân tộc.

Thế nhưng, tổ chức nào đã đứng ra phát động bình chọn? NewOpenword, tổ chức tư nhân hoạt động hợp pháp dưới sự điều hành của một tỉ phú người Canada gốc Thụy Sĩ, hoàn toàn không quan hệ đến các tổ chức quốc tế, huống hồ tổ chức UNESCO đã nhiều lần khẳng định NewOpenword hoàn toàn không dính dáng gì đến tổ chức này. NewOpenword đã thu được bao nhiêu lợi nhuận từ cuộc bình chọn này và từ những dịch vụ ăn theo sau khi 7 di sản mới được thế giới bình chọn? Kết quả bình chọn có giá trị như thế nào mà chúng ta phải thành lập cả một Ủy ban Vận động bình chọn trong khi nhiều nước cứ “tỉnh bơ” như không có gì?

Chúng ta thường kêu gọi thế giới biết nhiều hơn về mình trong khi chúng ta không chịu hoặc không có cơ hội biết nhiều hơn về thế giới. Trong cuộc bình chọn này, người dân trên khắp địa cầu đã trở thành những người giám khảo, hay nói đơn giản hơn là những cử tri cầm lá phiếu bình chọn theo quan điểm của mình.

Bình chọn là gì? Bình chọn là sự đối chiếu giữa hai hay nhiều đối tượng để từ đó phân biệt tìm ra mặt tốt xấu, hơn kém và thể hiện chủ ý của người bầu chọn. Thế nhưng trong cuộc bình chọn này, có bao nhiêu người Việt Nam đã tìm hiểu các kì quan thiên nhiên của các nước trên thế giới để phân biệt với Vịnh Hạ Long, với Phong Nha- Kẽ Bàng, với đỉnh Phan-Xi-Păng của Việt Nam để bình chọn? Hay là chỉ dựa vào 1 tấm ảnh với vài dòng giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Anh trên trang web NewOpenword để thể hiện quan điểm của mình? Có bao nhiêu người Việt Nam đã bầu chọn Vịnh Hạ Long với sự tìm hiểu chu đáo về địa danh này, cũng như với hai kì quan còn lại? Có bao nhiêu người bình chọn với quyết tâm bảo vệ cảnh quan nơi đây trước thảm hoạ môi trường đe doạ từ đời sống con người? Như vậy vô tình, cuộc bình chọn phải chăng đã trở thành một cuộc đua về dân số hay một cuộc đua về số lần nhấp chuột?

Cách bầu chọn của các nước tiên tiến như thế nào? Họ giới thiệu một loạt các hình ảnh về các kì quan thiên nhiên được lọt vào danh sách đề cử trên các phương tiện thông tin đại chúng, và việc bầu chọn tùy thuộc vào nhận xét của từng người.

Nếu may mắn, Vịnh Hạ Long lọt vào Top 7 kì quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, đó là một niềm vui lớn của dân tộc. Thế nhưng, thế giới sẽ nghĩ gì lúc đó khi đa số phiếu bầu cử được gửi đến từ Việt Nam, khi có 100 triệu phiếu bầu đến từ một quốc gia chỉ hơn 80 triệu người (giả thuyết rằng mọi người đều tham gia bầu chọn)?

Nếu Vịnh Hạ Long không được bầu chọn thì cũng không có việc gì phải đáng buồn. Chúng tôi nghĩ thế giới sẽ không vì việc này mà không đến thăm địa danh xinh đẹp này của Việt Nam. Và chưa từng nghĩ rằng du khách thế giới sẽ không đến Vịnh Hạ Long hoặc đến ít hơn trước đây nếu như kì quan này bị loại khỏi Top 7, càng không nghĩ rằng du khách thế giới sẽ ùn ùn kéo đến đây nếu chúng ta bầu chọn thành công. Hai vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần phải quan tâm là phải bảo vệ và tôn tạo kì quan này như thế nào và có kế hoạch phát triển du lịch ra sao?

 …Đến cách làm du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước…

 Thiết nghĩ, thay vì phát động mọi người bầu chọn cho Vịnh Hạ Long thì chúng ta hãy kêu gọi mọi người quyết tâm chung sức bảo vệ cảnh quan môi trường của Vịnh Hạ Long cũng như các danh lam thắng cảnh khác trong cả nước. Một Hạ Long thiên nhiên mĩ lệ, môi trường sạch đẹp, con người thân thiện, dịch vụ du lịch phong phú, chu đáo thì cho dù không nằm trong Top 7 của tổ chức NewOpenword thì khách du lịch năm châu không mời cũng sẽ đến. Còn ngược lại, cho dù chúng ta có xếp ở vị trí thứ nhất mà luôn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cò mồi chèo kéo khách hay “hét” giá “cắt cổ”, chặn thuyền du khách xin ăn như những gì đã diễn ra trước đây thì có khác nào chúng ta đang đuổi khách du lịch. Dĩ nhiên, sẽ toàn diện nếu cả hai mặt chúng ta đều làm tốt, còn nếu đặt vấn đề nào lên làm trọng tâm thì có lẽ không cần phải tranh luận.

Nhìn về Trung Quốc láng giềng, một quốc gia rộng lớn có biết bao kì quan thiên nhiên nổi tiếng khắp thế giới. Ấy vậy mà các kì quan của họ lại đứng ở những vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng của trang web www.new7wonders.com, chẳng lẽ họ không yêu nước? Thiết nghĩ, một đất nước có số lượng người truy cập Internet nhiều nhất thế giới, có số lượng máy vi tính nhiều nhất thế giới, ấy vậy mà họ vẫn không tận dụng những lợi thế đó trong cuộc chạy đua này. Trung Quốc vẫn là nước thu hút du khách quốc tế đến tham quan nhiều nhất và có nguồn thu nhập từ ngành công nghiệp “không khói” này lớn nhất thế giới. Mọi người từng chuyền tai nhau lời khen ngợi chính sách bảo tồn di sản thiên nhiên và nhân tạo của người Trung Quốc, cũng như biện pháp làm du lịch và đủ mọi cách thu tiền từ khách du lịch mà vẫn khiến họ vui lòng. Dĩ nhiên ở đây chúng tôi không muốn so sánh những điều kiện văn hoá, lịch sử, thiên nhiên của hai nước mà chỉ muốn nhấn mạnh cách làm việc, ứng xử của con người.

Về vấn đề giới thiệu hình ảnh đất nước, chúng ta có quá chú trọng quảng bá thông qua những sự kiện lớn: thi Hoa hậu, Hội nghị quốc tế, thi Olympic…hay không trong khi những đoạn phim giới thiệu danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử Trung Quốc đang len lỏi trong lịch phát sóng hằng ngày của các đài truyền hình địa phương? Thậm chí có nhiều người Việt Nam hiểu biết về Vạn Lí Trường Thành, núi Thái Sơn, lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn hơn là hiểu biết về các di sản của Việt Nam.

 Và xa hơn là tư duy và tính cách dân tộc

 Chúng tôi không nghĩ rằng những người không bình chọn cho Vịnh Hạ Long lại là những người không yêu quê hương đất nước. Càng không nên lấy việc bầu chọn làm tiêu chí đánh giá lòng yêu nước của người Việt Nam.

Một người dân sống bằng nghề thu nhặt túi bọc nhựa quăng trên sông không hề biết thế nào là Internet, không có dịp đi thăm thú cảnh đẹp, thì chẳng lẽ lại là người không yêu nước, không đóng góp cho sự phát triển du lịch? Nói như Hoàng Minh “Chúng ta sinh ra và lớn lên trên đất nước này mà ngay cả việc đất nước mình đẹp ở chỗ nào chúng ta cũng không biết thì có thể gọi là yêu nước được chăng?” thì có không biết bao nhiêu người dân ít học “mắc vạ” là không yêu nước.

Việt Nam hội nhập với thế giới, trong thời đại ngày nay cần có những bước đi vững chắc trong dòng chảy của thế giới chứ không phải vượt lên trên thế giới. Trong các kì thi Olympic Toán học hay Vật lí thế giới, đoàn học sinh Việt Nam luôn giành lấy những thứ hạng cao, thế nhưng nền giáo dục Việt Nam lại là một trong những nền giáo dục lạc hậu và chứa đựng nhiều mâu thuẫn cần giải quyết nhất. Chúng ta đang kêu gọi nhân dân chống bệnh thành tích trong giáo dục và dĩ nhiên là còn trong rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Xây dựng một ngôi nhà có một nền tảng vững chắc lúc nào cũng tốt hơn một ngôi nhà cao chọc trời mà nền yếu.

Cũng vậy, không nhất thiết phải bằng mọi cách Vịnh Hạ Long lọt vào Top 7 kì quan thiên nhiên thế giới. Còn nhớ mấy tháng trước đây, ba địa danh của Việt Nam đều xếp 3 vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng bình chọn, điều đó dẫn đến sự nghi ngờ và điều tra của ban điều hành cuộc bình chọn, kết quả như thế nào thì không cần phải nhắc lại, còn lòng tin của thế giới về chúng ta chắc rằng không giống trước nữa.

Bình chọn một cái gì cũng cần phải khách quan, công bằng. Đồng ý rằng ai cũng yêu quí và đề cao hai chữ “đất mẹ” thiêng liêng. Nhưng đã chấp nhận tham gia vào một cuộc chơi quốc tế thì tốt nhất là hãy công bằng, đó không chỉ là giữ gìn uy tín của bản thân dân tộc mà góp phần xây dựng một tính cách dân tộc bền vững trong tương lai.

Là một thầy giáo, tôi tự nhắc nhở mình và cần phải luôn nhắn nhủ học trò thật khách quan và công bằng khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề.

Thanh Phong - K. Sư Phạm

 

Các trang báo trực tuyến tham khảo:

1. http://vietnamnet.vn/bandocviet/2008/04/779284/

2. http://sachcuatrang.com/letter70.html

3. http://www.binhdinhffc.com/diendan/viewtopic.php?f=31&t=3773

4. http://www.minhbien.org/?p=257

5. http://www.laodong.com.vn/Home/bandocviet/2008/4/85430.laodong

6. http://www.laodong.com.vn/Home/vanhoa/dulichvh/2008/4/85253.laodong

Thanh Phong - K. Sư Phạm

  • Lý Hồng Hào

    Tôi đồng ý với quan điểm của Thanh Phong. Chúng ta đang sống trên mãnh đất giàu truyền thống yêu nước. Thế nhưng lòng yêu nước không chỉ là việc "Chúng ta sinh ra và lớn lên trên đất nước này mà ngay cả việc đất nước mình đẹp ở chỗ nào chúng ta cũng không biết thì có thể gọi là yêu nước được chăng?". Theo tôi, ở mỗi người khác nhau sẽ có cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau, nó có thể là việc chăm chỉ học tập thật tốt của một cậu học sinh, hoặc đơn giản chỉ là việc tham gia vào phong trào có ích cho xã hội... Việt Nam là một đất nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang chung sức xây dựng xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". Nhưng muốn có được "công bằng" thì trước tiên bản thân hãy thử "công bằng" với chính mình, sau đó hãy xét đến sự "công bằng" của người khác. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"- chẳng lẻ ta không muốn gần "đèn" mà lại muốn gần "mực"? Tôi không đồng ý với quan điểm: "Chúng ta có chắc chắn rằng những người ở các quốc gia khác không làm vậy?", tại sao lại đặt ra câu hỏi như thế? ông bà ta thường bảo "tốt gỗ hon tốt nước sơn" kia mà! Điều này vẫn đúng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. ví dụ: một sản phẩm làm ra với mẫu mã rất đẹp nhưng chất lượng "rỗng tuếch" thì cho dù anh có thu được lợi nhuận nhiều đến đâu từ lần bán đầu tiên, thì lần thứ hai anh rao bán trên thịu trường chắc chắn sẽ không một ai dòm ngó đến sản phẩm của anh. Bởi thế, Bác Hồ của chúng ta đã từng khuyên rằng: cần có bốn đức tính "cần, kiệm, liêm, chính", tránh sa vào "chủ nghĩa cá nhân"... Đây là vấn đề rất tế nhị, những ý kiến của tôi vẫn còn mang tính chủ quan. Mong được sự đóng góp ý kiến của tất cả các bạn!