Có bao giờ bạn đã nói cảm ơn với ba mẹ của mình chưa ? Tôi nhận ra mình đã chưa từng nói hai từ “tuyệt diệu” này dù trong tận cùng sâu thẳm của lòng mình, tôi vẫn muốn được nói “Cảm ơn !” với tất cả lòng yêu kính của mình đến hai đấng sinh thành.

Tôi là người thật sự may mắn vì đã được đấng tối cao ban tặng cho mình những người thân thương nhất - hai đấng sinh thành đã hy sinh tất cả cho tương lai của tôi. Được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đời sống vật chất của tôi vốn đã thiếu thốn từ nhỏ. Biết bao điều mơ ước cho dù là nhỏ nhất, tôi cũng chưa thực hiện được cho mình. Bởi lẽ, một lí do duy nhất là tôi không muốn cho ba mẹ tôi phải lo lắng thêm nhiều thứ nữa vì cả một đời mình, ba mẹ tôi chỉ có hy sinh và hy sinh.

Đã qua rồi một thời hy sinh cho em út vì là những người con lớn trong những gia đình nghèo. Rồi đến bây giờ lại phải hy sinh cho con cái. Lắm lúc, nghĩ về những hy sinh của ba mẹ mình, tôi lại cảm thấy mình là người có tội. Tội của tôi là làm cho tóc của ba thêm nhiều sợi bạc và vần trán của mẹ thêm nhiều nếp nhăn.

Rồi theo thời gian dần trôi, tôi cũng dần lớn khôn, gánh nặng trên đôi vai gầy của ba mẹ cũng lớn theo nhiều hơn. Tuy nhà nghèo và trình độ học vấn cũng nghèo hơn người, nhưng quan niệm về vấn đề học tập của ba mẹ tôi thì không nghèo chút nào. Trong khi lo cho con cái ăn cái mặc thôi đã là khó nhưng ba mẹ vẫn sẵn sàng lo cho anh em tôi được cấp sách đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Họ có biết, cho ăn học là đồng nghĩa với việc phải chấp nhận gánh thế mọi việc cho chúng tôi. Tôi nghĩ, ba mẹ thừa hiểu điều đó nhưng sự hy sinh của họ là vô vàn thì nào màng đến.

Còn chúng tôi chỉ một việc duy nhất là phải chăm chỉ học hành – làm được điều mà ba mẹ đã kém may mắn vì không có cơ hội học khi họ ở vào tuổi chúng tôi.Và như muốn thực hiện cho bằng được những điều cha mẹ mong muốn, bản thân tôi đã phải cố gắng và thật cố gắng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc học của mình. Lắm khi, tôi còn nghĩ như thế này: kết quả đạt được do sự nỗ lực hết mình của bản thân trong quá trình học của tôi có phải là tốt hay không tốt nữa? Phải như tôi không hoàn thành tốt nhiệm vụ ba mẹ đã tin tưởng thì có thể là sẽ tốt hơn cho ba mẹ chăng? Tôi sẽ dừng việc học của mình sớm hơn để tiếp cha mẹ một phần gánh nặng, chứ không phải là làm cho chiếc gánh ấy đã nặng lại càng nặng thêm như bây giờ.

Nhưng nếu tôi bỏ ngang việc học vì không đạt chắc chắn ba mẹ sẽ buồn hơn là vui và có khi còn trách móc tôi nữa. “Ba mẹ chấp nhận hy sinh là mong muốn con của ba mẹ có một tương lai tốt hơn, không phải chịu nhiều khổ cực như ba mẹ”, ba mẹ vẫn luôn nói với tôi như thế. Mặc dầu, không lo cho tôi có được một cuộc sống vật chất tốt như người nhưng đời sống tinh thần thì tôi đã nhận được từ ba mẹ rất nhiều, và tôi nghĩ tôi là người giàu có nhất. Cha mẹ không dạy tôi được nhiều vì kiến thức có hạn, nhưng luôn bên tôi, quan tâm và khuyên nhủ tôi cố gắng chăm chỉ học hành. Tôi luôn nhớ đến câu nói mà ba mẹ tôi vẫn thường nói: “Ba mẹ không có của cải để lại cho con cái, nên ba mẹ cố lo cho các con ăn học như thể sắm cho các con cây cần câu tốt để các con tự nuôi được bản thân”. Đó là một động lực để tôi cố gắng học hành với mong muốn tự câu được những “con cá lớn”.

Thế nhưng khi đậu vào đại học, tôi lại không biết là nên vui hay buồn nữa. Bước chân vào trường đại học là mơ ước của bao nhiêu học sinh. Chỉ qua ngưỡng cửa ấy thôi mà phải lấy đi bao nhiêu sự tiếc nuối, thậm chí là nước mắt của người đi thi. Trong khi, tôi được đặt chân vào thì có nghĩa là tôi đã vượt qua bao nhiêu bạn. Vậy mà tôi chẳng có được niềm vui trọn vẹn. Vì tôi biết được rằng, sau những giọt nước mắt sung sướng ấy, ba mẹ tôi sẽ còn có bao nhiêu lo toan đang chờ phía trước. Để lo được cho một đứa con học đại học trong bốn năm đâu phải là việc dễ dàng cho một gia đình như tôi. Thế nhưng cha mẹ vẫn mĩm cười chấp. Mẹ phải lo cho cuộc sống của con khi sống xa nhà, cha phải làm việc hết sức để đảm bảo đủ các khoản chi phí học tập và sinh hoạt cho con. Tất cả đã dẫn đến một kết quả - điều mà tôi luôn thấy canh cánh - là cha mẹ phải chịu cảnh già đi trước tuổi, phải chịu những căn bệnh làm tình làm tội thân già do lao tâm lao lực quá sức, mái tóc đen của ba mẹ đã dần chuyển màu muối tiêu. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình mang ơn ba mẹ suốt cuộc đời này. Bây giờ, tôi phải làm gì hơn là học cho tốt và sống cho xứng đáng làm người!

Không nghĩ đến bản thân mình, lúc nào trong mắt cha mẹ cũng xem chàng sinh viên năm ba tôi đây như một đứa trẻ nhỏ. Họ chăm chút và lo lắng từng chút một. Nhớ mỗi khi về thăm nhà vào cuối tuần là cha mẹ lại hỏi han đủ thứ cả. Nào là ngoài kia ăn uống có no đủ không? Học hành có tốt không? Bạn bè, thầy cô có thương yêu gì không? Ôi! những khi ấy, tôi thấy mình hạnh phúc biết bao, tôi nhớ đến một câu thơ :

”Con mãi là dòng sông nhỏ bé,

          còn mẹ hiền là biển cả mênh mông”.

 Ba mẹ mãi mãi là những đại dương bao la như thế đấy.

Càng thấy cha mẹ lo lắng, tôi càng thương cha mẹ nhiều hơn. Chỉ đến khi nào, tôi tự câu được những con cá cho mình thì những lo toan ấy của ba mẹ mới được vơi đi phần nào. Ca dao có câu:

 “Công cha như núi Thái sơn,

 nghĩa mẹ nước trong nguồn chảy ra”.

          Nhưng đối với tôi, với những gì mà tôi nhận được từ ba mẹ thì không có núi nào, nước nguồn nào sánh được. Ba ơi! Mẹ ơi! Cho con mãi được gọi những lời thân thương ấy trong suốt cuộc đời này và không lúc nào mờ nhạt cho dù thời gian không cho phép con được mãi bên mẹ cha. Từ trong tận cùng sâu thẳm của trái tim chứa đầy dòng máu ấm đã được cha mẹ rót đầy, xin được nói: “Cảm ơn Ba Mẹ! Con luôn yêu quý Ba Mẹ”

 

MS 21

MS 21

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.