Chú tôi là một người bệnh. Bệnh phong. Chú có đôi bàn tay co rút lòa nhòa những vết lan trắng xóa. Gương mặt già nua của chú trãi lên đó cả chục vết nhăn hệt như những nét khắc của cả ngàn nỗi đau khổ cộng gộp lại trong trăm năm cuộc đời. Chú đang cố dùng cả hai bàn tay quéo quắt đưa từng muỗng cháo trắng lên miệng, ở đó, tôi thấy đôi mắt chú khô ráo, chăm chú vào công việc cơ bản nhất của một con người, trên một chiếc giường sắt cũ kỹ, phía sau một cụ bà đang vừa nói vừa lau nước mắt...

 Khi tôi vừa chực khóc, người phát thanh viên có gương mặt thanh tú nhẹ nhàng chuyển sang bản tin phóng sự khác. Tôi ngỡ ngàng. Nước mắt trào ra. Người ta nói ở trong viện bệnh nhân phong hình như chưa có năm nào là mùa xuân.

Những năm 90, khi quê tôi vẫn còn là một làng quê nhỏ như những chiếc mái vàng giữa đồng ruộng xanh ngút ngàn, nhà tôi ở cuối ngõ nhà chú, một cái ngõ nhỏ thanh bình giữa hai cái khoảnh sân mà bọn con nít tôi thường hay bày những trò chơi dân dã. Những ụ rơm vàng nắng mềm mượt tựa chăn bông thường bị tụi tôi xới tung lên dựng thành oách, rồi ôm trọn vào lòng những kỷ niệm thật đầy, những phá phách, những lần chúng tôi đánh nhau, những trận đòn, những khi chúng tôi khóc đau vì bị phạt... Chú luôn bảo vệ chúng tôi, an ủi chúng tôi bằng đôi bàn tay rắn rỏi, chay cứng của một ông chú hiền lành, cục mịch. Bọn nhóc chúng tôi yêu quý chú như cha ruột của mình.

Chúng tôi lớn, đi học xa thật xa, mấy mùa xuân về thăm nhà đi tìm chú, tôi cứ ngẩn ngơ khi người ta nói chú đã đi thật xa rồi, xa lắm, không còn quay lại nữa. Hỏi má, má cũng lắc đầu. Đồng quê bây giờ cũng không còn  xa ngút mắt, chỉ những ụ rơm của mùa gặt thì vẫn còn đó, những trận đòn của người lớn vẫn còn cái cảm giác đau, nhưng sao không còn thấy chú nữa. Gió lắt lay căn nhà cũ xác xơ. Mấy dây hoa dại leo tràn trề vào cửa sổ, tràn trề sức sống. Bầu trời tươi sáng phía sau vòm mái, cạnh bên, cái ngõ nhỏ đã biến thành một căn nhà khang trang với mấy cây dừa kiểng cao ráo. Hỏi về chú, ai cũng lắc đầu, khẽ lặng thinh.

***

Tôi khóc. Ôm mặt khóc thật nhiều khi tôi vừa xem xong phóng sự về mùa xuân trong viện bệnh nhân phong. Những người bệnh ở đó không hề có những mùa xuân đúng nghĩa mà lẽ ra họ cũng được có. Họ bị phong, và họ đã già. Cái thứ bệnh dù đã không còn gọi là nan y nhưng vẫn đem đến cho họ những di chứng phô diễn ra bên ngoài một cách xấu xí, khác thường, ghê ghiết. Họ mang tâm trạng mặc cảm, bị đẩy đến tận cùng đau khổ, hoàn toàn mất hết người thân, hoàn toàn mất sức lao động, bị người khác xua đuổi, lánh xa.. một chục người sống ở đây, là chừng ấy số phận đau khổ. Có những người đã trãi qua hai mươi năm, ba mươi năm không có nhà để về, còn chú tôi, không biết là ba mươi năm, hay bao nhiêu năm nữa, hay là mãi mãi cho đến ngày chú xa xôi, hả chú?!

 Chú không nhận ra tôi, trong viện, dưới chiếc nón len đã sờn rách, mái đầu tóc đã rụng lỗ chổ, bạc phết. Chú ốm ròng. Ăn uống kém. Mấy bà cô trong viện nhìn tôi, muốn phá tan mọi sự ngỡ ngàng xuất phát từ chú khi tôi lên tiếng gọi, rộn ràng bắt chuyện, cả viện dường như  được thay một luồn gió mới. Một ông lão đến, đặt cả cánh tay quắp lên vai chú, vỗ vỗ. Lúc đó, hình như đôi mắt chú có trong đó một niềm tự hào rạng rỡ. Đến bây giờ, khi đã gặp lại chú, nhìn trong mắt chú, vẫn không khác đi nhiều so với chú trong tâm thức của tôi khi còn trẻ.

Chú chỉ tròn mắt nhìn tôi thật lâu rồi lặng lẽ đưa đôi bàn tay quệt nước mắt.

***

Giờ đây chú vẫn một mình trong viện, vẫn đánh cờ, hằng ngày vẫn ăn cháo đúng giờ. Đôi khi chú vẫn cố tỏ ra bình thản khi có truyền hình đến làm phóng sự. Đôi khi trong ánh mắt vẫn có vài nét vui hiện lên khi có ai đó đến thăm người trong viện, dù không phải là mình. Thường ngày vẫn lặng lẽ chịu đựng nỗi cô đơn, lạnh lẽo dường như đã biến tâm can chú thành một hòn đá vô thường, trơ trơ, khinh khỉnh giữa mọi biến cố của thời đại phía sau bức tường xanh kia.

 Đã qua hàng chục mùa xuân.

 Mùa xuân này tới, trong cái chuyển mình rộn rã của đất trời bên ngoài bưc tường kia, chú tôi, được các cô chú trong viện tặng cho một chiếc áo ấm, đưa đôi bàn tay bạt phến gạt gạt ngang má. Dường như có một nỗi buồn nào vẫn còn khẽ vương trên đôi mắt đã rêu kia…

 

MS 22

MS 22

  • Chưa có lời bình cho bài viết này.