Đầu tháng tư đã thấy mưa rục rịch trên những mái tole. Từng cụm mưa rơi giòn giã tưới mát và giũ đi lớp bụi bám ở chậu cây khô trên dãy bancon nhà trọ. Trong làn nước mưa tuôn dài như những mũi tên xuyên vào lòng đất, đã thấy trương lên một mùi nồng ẩm khai khai. Tháng tư về giữa lòng thành phố chỉ có những ngọn đèn cao áp vàng vọt vươn lên giữa những mái nhà nối nhau san sát, giữa những cột thu lôi thi thoảng run lên tằng tặc. Một không gian chật chội được bao phủ bởi toàn mưa là mưa. Không giống như ở quê, giờ này đã thấy trẻ nhỏ chân sáo cười ran rí rách, lưng trần bóng nhượt nối đuôi nhau như đàn chó con băng băng trên những cánh đồng…
Có lẽ giờ này ở nhà, ba má tôi đang loay hoay thu dọn lu khạp, vườn tược. Ba sẽ đứng ngoài bụi chuối vừa bơm thuốc vừa quay mặt sang chỗ má tặc lưỡi. Tháng tư ở quê tôi không chỉ là mùa mưa trổ xanh ruộng lúa mà còn là mùa dự báo cho những đợt “mưa” khác, dữ dội và quy mô hơn. Những đợt “mưa” mà không ai ngoài đứa trẻ quê ngây ngô như tôi đã từng một thời mong đợi: Mưa cào cào.
Những trận mưa cào cào thường chỉ bắt đầu vào tháng sáu, nhưng râm ran tháng tư đã nghe người làng tôi kháo nhau lật đất diệt trứng cào cào. Những ải bắp là nơi ba tôi quanh đi quẩn lại nhiều nhất. Má tôi thì dò dẫm ở những vuông đất tơi xốp trong vườn, thi thoảng bà cũng bước ngắn bước dài tất tả vác cuốc ra những khoảnh cỏ thành lùm ven ruộng. Tôi thì không sao quên được những chiều tháng chín đổ mưa, khi những cánh đồng rợp trắng cào cào, chúng đan vào nhau như một tấm áo choàng lớn phủ dày đường đê, mặt ruộng. Ba tôi vội vã cài lệch nút áo, khoác lên mình chiếc thùng xịt thuốc diệt bọ đầy ứ rồi lăm lăm đi theo mấy chú xã đoàn tiến về phía réo gọi inh ỏi của bà con trong xóm. Má tôi đứng hắt dậy buông đũa bỏ dở chén cơm, rồi đứng dựa sát thành cửa vừa nhai trệu trạo vừa lấy tay vuốt từng giọt nước mắt nóng hổi đang rơi lã chã trên má. Đôi gò má bị nắng gió bào mòn nám đen, trũng sâu như hai lưỡi cày lật ngược…
Nhưng rồi tôi cũng chóng quên đi những hình ảnh đó, vì sập tối lại hăm hở vác vợt theo anh Hai đi bắt cào cào. Chập tối là thời điểm chúng tìm chỗ trú chân và nghỉ ngơi sau nửa ngày cắn phá thỏa thuê. Chúng cắn đứt lìa những bông lúa đang căng mẩy ra khỏi ngọn, cắn nát rồi chọc thủng từng mảng biếc xanh quanh sợi gân chính của lá bắp non. Cả một vùng mướt mát giờ tan hoang, xơ xác đến khó tin!
Tôi bắt đầu những thao tác quen thuộc, nhón chân một cách thận trọng và chao vợt. Trong tích tắc đã nhét đầy bao cói. Nhìn những sợi râu ngọ nguậy như những sợi chỉ vươn ra từ những tấm thân cào cào chen chúc lốm đốm xanh vàng, tôi không khỏi lấy làm thích thú. Đó là những lần hiếm hoi tôi có thể kiếm tiền phụ ba má nên rất đỗi tự hào. Xã tôi sau đợt truy quét bầy “thiên địch” không thấm tháp vào đâu, đã phát động phong trào thu mua cào cào trong từng xóm, ấp. Một tối anh em tôi đi bắt cào cào cũng đủ đến sáng nhận về mươi ngàn cho má. Ngày đó còn dại chưa hiểu chuyện, tôi chỉ biết làm nũng để được má xoa đầu, nào thấy được ánh mắt buồn rười rượi của má khi cầm trên tay mấy đồng bạc lẻ.
Từng cơn mưa đi qua tuổi thơ tôi, rồi theo năm tháng cùng tôi khôn lớn. Mỗi lần trời đổ mưa lại gợi nhớ trong tôi bóng dáng của những cánh cào cào. Và những trận “mưa cào cào” phá nát hoa màu, ruộng lúa ở quê. Hình ảnh ba tôi nhỏ thó, chấp chới giữa những khoảnh ruộng lúc trời trở giông, và má tôi tựa cửa ngóng theo nước mắt ngắn dài đã khắc tạc sâu sắc vào trong kí ức.
Đón cơn mưa đầu mùa giữa lòng thành phố. Bâng khuâng nhớ một cơn mưa khác ở quê. Chợt thấy lòng mình nhói lên trước câu hát xưa quen thuộc:
“ Cào cào giã gạo bà xem, bà may áo đỏ, áo đen cho cào…”
MS.40
MS.40
Viết lời bình